Tiếp Thị Gia Đình

Thứ ba, 18/06/2024, 10:47 (GMT+7)

Tôm hùm đất được quảng cáo, rao bán công khai tại Việt Nam

Tôm hùm đất, loài động vật ngoại lai nguy hại cho nông nghiệp, vẫn được quảng cáo, chào bán công khai trên mạng dù đã bị đưa vào danh mục cấm nhập khẩu hơn 10 năm nay.

Sinh vật ngoại lai đắt hàng tại Việt Nam

Tôm hùm đất (hay còn gọi là tôm hùm đỏ) là loài thủy sinh có nguồn gốc ngoại lai, ăn tạp, sống bò dưới đáy, ưa đào hang, hoạt động về đêm, có sức chống chịu và thích nghi cao. Đây là loài sống phổ biến ở Trung Quốc và Mỹ. Ở Việt Nam, mấy năm gần đây, tôm hùm đất được bán khá phổ biến.

Thời gian qua, báo chí phản ánh, lướt qua các chợ hải sản online, rất nhiều người vẫn rao bán tôm hùm đất Trung Quốc số lượng lớn. Chỉ cần tra cụm từ “tôm hùm đất”, người tiêu dùng sẽ thấy hàng loạt các bài đăng bán. Đáng chú ý, giá loại tôm hùm này có giá khá đắt, dao động từ 300.000 - 400.000 đồng/kg nhưng vẫn đông khách mua ăn. Tôm hùm đất là loại tôm rất nhỏ và ít thịt, nhưng người kinh doanh luôn thổi phồng với những dòng quảng cáo thịt chắc và ngọt…, đi kèm là những hình ảnh tôm hấp chín có màu đỏ đẹp mắt, hấp dẫn.

tomhum1
Tôm hùm đất cả sống lẫn đã được chế biến được các tài khoản Facebook quảng cáo, chào bán công khai trên mạng xã hội.

Thông tin trên báo chí, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tôm hùm đất (hay còn gọi là tôm hùm nước ngọt) có tên khoa học là Procambarus clarki. Loại tôm này có tên trong phụ lục 2 loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại. Việt Nam không cấp phép cho bất cứ cơ sở nào nhập hàng vào, hàng bán trên mạng là hàng nhập lậu. Từ năm 2013, loài tôm hùm đất này được đưa vào danh mục sinh vật ngoại lai cấm nhập khẩu và phát triển.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, tôm hùm đất là loại có tên trong Phụ lục II, danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại ban hành kèm theo Thông tư số 35/2018/TT-BTNMT ngày 28/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định tiêu chí xác định và ban hành danh mục loài ngoại lai xâm hại. Đồng thời, tôm hùm đất cũng không có tên trong Phụ lục VIII, danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam (ban hành kèm theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.

Theo các chuyên gia thuỷ sản, tôm hùm đất có thể trở thành đại họa của ngành nông nghiệp, bởi tập tính của chúng là sống bò đáy, thích đào hang, ưa tối, chuyên hoạt động về đêm. Chúng có thể đào hang trú ẩn sâu 100 - 200cm, sống được cả ở dưới nước lẫn trên cạn và chịu được nhiệt độ 0 - 37 độ C. Thức ăn chủ yếu của loại tôm này là mùn bã hữu cơ, ngũ cốc, khô đậu, rau quả, cỏ non, rong cỏ nước, tảo sống bám, côn trùng, sinh vật đáy cỡ nhỏ, xác động vật, thức ăn chế biến...

Một số chuyên gia ngành thuỷ sản cũng cảnh báo, tôm hùm đất có thể gây ra thảm họa tàn phá không khác gì ốc bươu vàng. Nếu không đủ thức ăn, loài này sẽ ăn sạch rau màu, thậm chí chúng còn ăn cả gỗ, làm biến dạng môi trường sống. Do đó, cần kiểm soát và ngăn chặn tình trạng buôn bán loại sinh vật ngoại lai này ngay từ biên giới.

Đã có thời điểm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải ban hành công văn hỏa tốc yêu cầu các tỉnh, thành và cơ quan chức năng vào cuộc tăng cường kiểm soát, ngăn chặn, truy quét tôm hùm đất. Nếu phát hiện phải tiêu hủy ngay, đồng thời xử nghiêm các hành vi buôn bán để tránh phát tán loại sinh vật ngoại lai này ra môi trường.

Trên thị trường, duy nhất Viện nghiên cứu và nuôi trồng thủy sản I được cấp phép nhập loài tôm này về nghiên cứu. Đối với hàng thương phẩm chỉ cho phép nhập hàng đã sơ chế được kiểm định và cấp phép.

Buôn bán tôm hùm đất, mức phạt tối đa là bao nhiêu?

Luật Đa dạng sinh học năm 2008, sửa đổi năm 2018 và các văn bản liên quan đã quy định cụ thể về các biện pháp kiểm soát loài ngoại lai xâm hại. Theo đó, Nhà nước sẽ kiểm soát việc nhập khẩu loài ngoại lai xâm hại, sự xâm nhập từ bên ngoài của loài ngoại lai xâm hại; kiểm soát việc nuôi trong loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại; kiểm soát sự lây lan phát triển của loài ngoại lai xâm hại.

Điều 7 Luật Đa dạng sinh học quy định về những hành vi bị nghiêm cấm về đa dạng sinh học, trong đó bao gồm hành vi nhập khẩu, phát triển loài ngoại lai xâm hại.

tomhum4
Kinh doanh, tiêu thụ loài tôm hùm đất là vi phạm quy định về đa dạng sinh học và thủy sản.

Bên cạnh đó, hành vi nhập khẩu loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản 7 Điều 51 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP với mức phạt cao nhất lên đến 1 tỷ đồng. Ngoài ra, buộc tái xuất toàn bộ loài ngoại lai xâm hại nhập khẩu trái phép ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với trường hợp vi phạm quy định tại khoản 6, 7 Điều này. Trường hợp không thể tái xuất được thì buộc tiêu hủy toàn bộ loài ngoại lai xâm hại nhập khẩu trái phép.

Nhập khẩu tôm hùm đất có thể bị xử lý hình sự

Trong khi đó, Điều 246, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định về tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại như sau:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm:

a) Nhập khẩu trái phép loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại trong trường hợp vật phạm pháp trị giá từ 250 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc trong trường hợp vật phạm pháp trị giá dưới 250 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm;

b) Phát tán loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại, gây thiệt hại về tài sản từ 150 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 - 7 năm:

a) Có tổ chức;

b) Nhập khẩu trái phép loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại trong trường hợp vật phạm pháp trị giá 500 triệu đồng trở lên;

c) Phát tán loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại, gây thiệt hại về tài sản 500 triệu đồng trở lên;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50 – 500 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.

4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1 – 3 tỷ đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3 – 5 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm;

c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 - 3 năm.​

Cùng chuyên mục