Thứ bảy, 02/03/2024, 19:34 (GMT+7)

Tiền ảo tăng nóng, Chính phủ tìm cách siết chặt thị trường

Theo các chuyên gia, Việt Nam cần sớm xây dựng khung pháp lý để siết chặt thị trường tiền ảo và quản lý tài sản ảo nhằm hạn chế rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố liên quan tới loại tài sản này.

Trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài Chính nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh tài sản ảo, tiền ảo trong tháng 5/2025 nhằm hạn chế rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố liên quan tới loại tài sản này.

Ngay sau đó, Bộ Tài chính đã giao cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu xây dựng quy chế quản lý tiền ảo, tài sản ảo. Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất Chính phủ cho phép thành lập tổ công tác liên ngành để xây dựng đề án quản lý tài sản ảo, tiền ảo.

thumb (37)
Thị trường tiền ảo sẽ được siết chặt quản lý trong thời gian tới. (Ảnh: T.L)

Thực tế, hiện Việt Nam vẫn chưa có định nghĩa cụ thể về tiền ảo và tài sản ảo. Việc mua bán, trao đổi tài sản ảo tại Việt Nam được thực hiện hầu hết qua các sàn giao dịch quốc tế hoặc dưới hình thức thỏa thuận trực tiếp. Đáng chú ý, dù chưa có hành lang pháp lý cụ thể song các giao dịch tiền mã hóa, tiền ảo tại Việt Nam vẫn diễn ra mạnh mẽ trong nhiều năm qua. 

Thống kê từ Crypto Crunch App cho biết, Việt Nam hiện đứng thứ 3 thế giới trong bảng xếp hạng về lượng người nắm giữ tiền ảo. Theo số liệu của Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), trong giai đoạn 10/20221 - 10/2022, giá trị tiền ảo Việt Nam nhận về gần 91 tỷ USD, trong đó, các hoạt động bất hợp pháp là 956 triệu USD.

Tuần qua, thị trường tiền ảo đã trở nên sôi động với sự tăng trưởng tích cực của nhiều đồng tiền mã hóa khác như ETH hay Solana. Giá bitcoin ghi nhận mức cao kỷ lục 64.000 USD, cao nhất kể từ 11/2021. Với cú tăng sốc của đồng bitcoin, cơn sốt tiền ảo được dự đoán sẽ sớm trở lại với thị trường Việt Nam.

Trước Việt Nam, nhiều quốc gia khác trên thế giới đã xây dựng chính sách, khung pháp lý cho tài sản số, tài sản ảo, tiền ảo như EU, Nhật Bản, Mỹ hay một số nước khu vực châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore…

Đầu năm 2024, Singapore trở thành một trong những khu vực pháp lý đầu tiên trên thế giới hoàn thiện các quy tắc đối với đồng tiền stablecoin. Trong khi đó, EU đang hướng tới một khung pháp lý thống nhất cho tiền ảo với Quy định về thị trường tài sản tiền ảo (MiCA).

Đáng chú ý, Canada là quốc gia đầu tiên phê duyệt Quỹ hoán đổi danh mục Bitcoin (ETF), với một số giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán Toronto. Nhật Bản lại áp dụng cách tiếp cận tiến bộ đối với quy định về tiền ảo, công nhận tiền ảo là tài sản hợp pháp theo Đạo luật dịch vụ thanh toán (PSA). 

Cùng chuyên mục