Thị trường bất động sản Phú Quốc sẽ ấm lại trước thềm APEC 2027?
Các chuyên gia nhận định Phú Quốc đang vươn tầm quốc tế, đón cơ hội vàng từ APEC 2027, nhất là với bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.
Sản phẩm đầu tư bất động sản nào đang được săn đón hiện nay
Chuyên gia mách nước "thời điểm vàng" săn bất động sản
Thị trường bất động sản ấm dần, môi giới sẵn sàng trở lại “nhập cuộc”
Bất động sản Phú Quốc sẽ tăng trưởng nhờ APEC 2027
Việc Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC 2027 không chỉ là sự kiện mang tầm vóc quốc tế, mà còn được kỳ vọng sẽ tạo cú hích lớn cho nhiều địa phương, đặc biệt là Phú Quốc – "đảo ngọc" đang trên hành trình trở thành trung tâm du lịch và kinh tế đặc biệt của cả nước.
Tại hội thảo khoa học “Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng Phú Quốc hướng tới APEC 2027 và sự phát triển bền vững” do Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp cùng UBND TP. Phú Quốc tổ chức, PGS.TS Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam – khẳng định: APEC 2027 là cơ hội vàng để Phú Quốc định hình vị thế mới, vươn tầm quốc tế.
PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, Phú Quốc hiện là địa phương sở hữu đầy đủ điều kiện để bứt phá – một thành phố trẻ với bản sắc tự nhiên đặc sắc, đang chuyển mình mạnh mẽ theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, sự kiện APEC 2027 sẽ là cú hích đặc biệt để thúc đẩy tiến trình đó nhanh hơn, sâu hơn và mang tầm vóc quốc gia.
“Chúng ta có một Phú Quốc tuyệt đẹp và đang phát triển. Việc gắn kết sự kiện APEC với định hướng phát triển Phú Quốc không chỉ là mục tiêu ngắn hạn, mà là thời cơ lịch sử để tạo ra những đột phá căn cơ, lâu dài cho thành phố này” – ông Thiên nói.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý Phú Quốc hiện còn nhiều vấn đề cấp thiết cần giải quyết: xử lý rác thải, nước thải, hệ thống cấp nước sạch, và đặc biệt là hạ tầng phục vụ hội nghị tầm cỡ quốc tế như sân bay, trung tâm hội nghị quy mô lớn, các tổ hợp thương mại – dịch vụ xứng tầm quốc gia. Tất cả đều là nền tảng thiết yếu để đón đầu APEC 2027, đồng thời tạo cú huých phát triển hạ tầng xã hội và bất động sản.
Tính đến nay, Phú Quốc có hơn 320 dự án đầu tư, chiếm tới 86% các dự án du lịch của tỉnh Kiên Giang, với tổng vốn đăng ký lên tới 388.410 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc, ông Trần Minh Khoa cho biết địa phương đang dồn lực phát triển hạ tầng đô thị và du lịch để tạo đà cho thị trường bất động sản. Hiện hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm phục vụ APEC với tổng vốn hơn 300.000 tỷ đồng đang được triển khai – một “lực đẩy” quan trọng để Phú Quốc bước vào chu kỳ phục hồi và phát triển mới.
Còn theo ông Nguyễn Anh Quê – Chủ tịch Tập đoàn G6, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam – thị trường bất động sản Phú Quốc đang có dấu hiệu “thoát đáy”. Giao dịch tăng rõ rệt từ đầu năm 2025, có nơi ghi nhận giá tăng 20% đến 500%. Tuy nhiên, giao dịch chủ yếu tập trung ở các khu vực có tiềm năng khai thác kinh doanh rõ rệt như ven biển phía Tây, các tuyến đại lộ quy hoạch lớn, đất nền thổ cư mặt tiền trung tâm.
Dù thị trường sôi động trở lại, nhiều phân khúc vẫn chưa phục hồi đỉnh giá năm 2018, nhất là đất nền xa trung tâm, shophouse trong dự án hoặc biệt thự nghỉ dưỡng. Tuy vậy, các chuyên gia kỳ vọng thị trường sẽ có sự bứt phá rõ rệt vào quý IV/2025 – thời điểm cận kề APEC.
Ông Nguyễn Anh Quê nhận định, với động lực hạ tầng từ APEC, Phú Quốc có thể ghi nhận mức tăng giá trung bình 30–50% so với hiện tại. Giai đoạn 2025–2027 sẽ là thời điểm “bung hàng” của các chủ đầu tư lớn sau khi hoàn tất pháp lý.
Theo TS Đinh Thế Hiển – chuyên gia kinh tế – bất động sản Phú Quốc vẫn còn mặt bằng giá thấp so với các đô thị du lịch khác. Cùng phân khúc nhưng giá tại Phú Quốc hiện rẻ hơn 20–30% so với Đà Nẵng, Nha Trang. Trong khi đó, tiềm năng khai thác lưu trú – du lịch tại Phú Quốc lại rất lớn, nhất là khi APEC 2027 sẽ kéo theo dòng khách quốc tế quy mô lớn đổ về.
TS Hiển khuyến nghị nhà đầu tư nên lựa chọn sản phẩm pháp lý tốt, có năng lực nội sinh (thương mại, giải trí, hạ tầng hoàn thiện), và đến từ các chủ đầu tư uy tín để đảm bảo khả năng tăng giá và tối ưu khai thác dòng tiền.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam – cho rằng Phú Quốc đang sở hữu lợi thế hiếm có mà các thành phố khác không thể tái lập: vừa có biển, có rừng, lại có quy hoạch hướng đến bảo tồn thiên nhiên và phát triển hiện đại, ít chịu thiên tai. Điều này tạo điều kiện lý tưởng để phát triển các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch chữa lành.
Cần có cơ chế “đặc thù” để bức phá
Chỉ trong hai tháng đầu năm 2025, Phú Quốc đã liên tiếp đón nhận nhiều tín hiệu tích cực. Thành phố đảo được lựa chọn là nơi đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC 2027, chính thức được công nhận là đô thị loại I. Không chỉ vậy, Phú Quốc còn được chuyên trang du lịch quốc tế Travel Off Path bình chọn là một trong 5 điểm đến phát triển du lịch nhanh nhất Đông Nam Á và lọt vào top 25 điểm đến năm 2025 do Hãng thông tấn CNA (Singapore) bình chọn. Nhờ đó, lượng khách du lịch đến đảo Ngọc tăng mạnh, đạt 1.413.419 lượt, trong đó có 320.888 lượt khách quốc tế – tăng 52,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, đi cùng với vinh dự lớn là sức ép không nhỏ. Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), Phú Quốc chỉ còn khoảng 19–29 tháng để hoàn thiện gần 30 dự án hạ tầng nhằm phục vụ APEC 2027. Trong đó có các hạng mục trọng điểm như nâng cấp, mở rộng sân bay Phú Quốc và Rạch Giá; xây dựng Trung tâm tổ chức Hội nghị APEC và Trung tâm báo chí (trên diện tích lấn biển khoảng 57 ha); cải tạo, chỉnh trang đô thị; phát triển các tuyến giao thông huyết mạch… Tất cả đều cần được triển khai khẩn trương và đồng bộ.
Trước thực trạng này, HoREA hoàn toàn ủng hộ các kiến nghị mà UBND tỉnh Kiên Giang đã trình lên Chính phủ nhằm tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện để Phú Quốc “chạy nước rút” đúng tiến độ. Cụ thể, đề xuất Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng cho các công trình trọng điểm APEC 2027; đồng thời cho phép lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Nghị định 17/2025/NĐ-CP; và cho phép triển khai dự án cấp thiết bằng nguồn vốn đầu tư công theo hình thức khẩn cấp.

Một số đề xuất quan trọng khác bao gồm: phân cấp thẩm quyền cho UBND tỉnh Kiên Giang quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án PPP thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ; điều chỉnh Quy hoạch tỉnh Kiên Giang theo thủ tục rút gọn; điều chỉnh chỉ tiêu đất đai, trong đó giảm 1.000ha đất rừng phòng hộ để phục vụ các công trình hạ tầng, tái định cư, dịch vụ du lịch và văn hóa, thể thao…
Đặc biệt, HoREA cũng kiến nghị giữ nguyên mô hình “thành phố Phú Quốc là cấp chính quyền cơ sở” (cấp xã) trực thuộc tỉnh, kể cả sau khi thực hiện sáp nhập tỉnh Kiên Giang và An Giang. Điều này nhằm đảm bảo tính thống nhất, ổn định trong quản lý và phát triển của thành phố đảo hiện nay.
Được lựa chọn là nơi đăng cai Hội nghị Cấp cao APEC 2027 là cơ hội lịch sử để Phú Quốc khẳng định vị thế quốc tế. Song đi kèm với đó là áp lực khổng lồ về thời gian và nguồn lực trong việc nâng cấp toàn diện hệ thống hạ tầng giao thông – du lịch – dịch vụ để sẵn sàng tiếp đón hàng chục nghìn đại biểu quốc tế. Cả hệ thống giao thông đường không, đường thủy và đường bộ đều đang được đầu tư với tiến độ gấp rút.
Theo quy hoạch mới, sân bay quốc tế Phú Quốc sẽ được nâng cấp lên chuẩn cấp 4E, bao gồm: mở rộng nhà ga, bổ sung ga hàng hóa, nhà chờ VIP cấp nguyên thủ, vị trí đỗ máy bay và nâng cấp đường băng. Mục tiêu là đạt công suất phục vụ 10 triệu lượt khách/năm. Đồng thời, sẽ mở thêm các đường bay quốc tế kết nối đến Singapore, Bắc Kinh, New Delhi, Mumbai, Nga… để đón các đoàn khách tham dự APEC 2027.
Không chỉ sân bay Phú Quốc, sân bay Rạch Giá cũng được mở rộng với quy mô khoảng 200ha, kéo dài đường băng 2,4km và xây dựng mới nhà ga để đón máy bay thân rộng. Bên cạnh đó, cảng biển quốc tế An Thới được nâng cấp lên 100ha, đủ sức đón các du thuyền lớn nhất thế giới, đồng thời xây mới tuyến tàu đô thị, nâng cấp trục đường Dương Đông – Bắc Đảo (975B) và nhiều tuyến giao thông huyết mạch khác.
Cùng với việc xây dựng các tuyến đường mới, Phú Quốc còn đẩy mạnh chỉnh trang đô thị tại các khu vực trung tâm như An Thới, Dương Đông; đầu tư đồng bộ các hạ tầng thiết yếu như hồ chứa nước, nhà máy nước, nhà máy xử lý nước thải và rác sinh hoạt, cải tạo sông Dương Đông… Tất cả nhằm kiến tạo một hệ sinh thái đô thị hiện đại, bền vững và sẵn sàng cho sự kiện tầm cỡ khu vực.
Sự chuyển mình mạnh mẽ về hạ tầng đã kéo theo dòng vốn đầu tư lớn đổ về Phú Quốc. Theo UBND TP. Phú Quốc, hiện địa phương đã thu hút hơn 320 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 412.000 tỷ đồng. Trong đó có sự góp mặt của hàng loạt “ông lớn” trong nước và quốc tế như Marriott International, Accor, Rosewood Hotels, Hilton, Wyndham… Các thương hiệu bán lẻ toàn cầu cũng đang tích cực tìm kiếm mặt bằng để phát triển hệ thống tại thành phố đảo.
Nhờ cú hích mang tên APEC 2027, Phú Quốc đang dần định vị mình như một điểm đến toàn cầu – nơi hội tụ của du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, mua sắm, hội họp và đầu tư. Đây cũng là cơ hội để đẩy mạnh các loại hình du lịch mua sắm, du lịch đầu tư và quảng bá thương hiệu quốc gia thông qua các mặt hàng tiêu dùng cao cấp.
Không chỉ tạo bước ngoặt về phát triển hạ tầng và du lịch, APEC 2027 còn hứa hẹn mang lại giá trị gia tăng dài hạn cho thị trường bất động sản Phú Quốc. Đặc biệt, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng được dự báo sẽ bứt phá trong những năm tới. Với những nhà đầu tư có tầm nhìn và kinh nghiệm, đây là thời điểm “vàng” để đón đầu làn sóng phát triển và tích sản lâu dài, khi “cơn sóng” APEC đang dâng cao từng ngày trên đảo ngọc.