Thứ năm, 11/07/2024, 06:03 (GMT+7)

Liên tiếp xảy ra các vụ mất cắp trong tài khoản, 'lỗ hổng' từ đâu?

Ngày càng nhiều khách hàng thông báo tiền trong tài khoản ngân hàng "không cánh mà bay". Điều này phần nào cho thấy "lỗ hổng" của các ngân hàng trong việc quản lý tiền gửi.

Thời gian qua liên tiếp xảy ra các vụ khách hàng bị mất tiền trong tài khoản ngân hàng. Đây cũng là nỗi lo chung của nhiều người khi gửi tiền tiết kiệm tại các ngân hàng. 

Theo thống kê từ Bộ Công an, nước ta có khoảng 13.900 vụ tấn công mạng và gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến trong năm 2023. Tổng số tiền mà người dân bị lừa qua mạng là khoảng 8.000 đến 10.000 tỉ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022. Trong đó, 91% liên quan đến lĩnh vực tài chính.

Thực trạng này cũng phần nào cho thấy "lỗ hổng" trong việc quản lý tiền gửi của người dân ở các ngân hàng. Đáng nói, dù liên tiếp xảy ra các vụ mất tiền trong tài khoản ngân hàng nhưng trách nhiệm của ngân hàng lại không được đề cập đến. 

Thumb (35)
Liên tiếp xảy ra các vụ tiền trong tài khoản ngân hàng "không cánh mà bay". (Ảnh: M.H)

Liên quan đến vấn đề này, Vietnam Finance dẫn lời bà Đinh Lê Hạnh - Chủ tịch Tập đoàn Đinh Lê cho biết, rất nhiều vụ việc khách hàng liên tục bị mất tiền trong tài khoản ngân hàng nhưng không thấy đề cập đến trách nhiệm của các ngân hàng nơi nhận trông giữ tiền và kinh doanh trên tiền của khách hàng gửi vào.

Theo bà Hạnh, ngân hàng chỉ cần đơn phương thông báo “Số dư không còn tiền hoặc còn vài chục ngàn đồng” là khách hàng phải chấp nhận toàn bộ tài sản tiền gửi, sổ tiết kiệm... (có khi lên đến vài chục, vài trăm tỉ đồng) bỗng nhiên bị mất. Điều này đẩy khách hàng gửi tiền vào khủng hoảng, bế tắc.

“Người dân tin tưởng tuyệt đối vào ngân hàng (tổ chức tín dụng được nhà nước cấp phép) mà lại phải chịu cảnh tiền gửi bay mất chỉ trong một nốt nhạc”, bà Hạnh nói.

Câu hỏi lớn được đặt ra là: Trách nhiệm của ngân hàng như thế nào? Khách hàng gửi tiền, tài sản và giao dịch tại các ngân hàng được bảo vệ như thế nào? Cần có biện pháp gì để bảo đảm một nền tài chính lành mạnh, một nền kinh tế số an toàn, văn minh?

Bởi theo bà Hạnh, nếu ngân hàng không giữ uy tín và lòng tin của khách hàng, họ sẽ mất khách hàng và gây rủi ro cho hệ thống ngân hàng và kinh tế. Theo đó, ngân hàng cần có trách nhiệm nếu có rủi ro xảy ra với khách hàng. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần có biện pháp can thiệp để khắc phục tình trạng này. 

.
Ngân hàng cần đền bù và hỗ trợ khách hàng kịp thời khi tiền trong tài khoản ngân hàng đột nhiên biến mất. (Ảnh: M.H)

Trong mọi trường hợp khi khách hàng bị đánh cắp tiền ngay trong tài khoản của mình thì ngân hàng là một bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan phải tham gia giải quyết vụ việc, phối hợp với các cơ quan pháp luật để nhanh chóng đưa vụ việc ra ánh sáng. 

Nếu lỗi thuộc về ngân hàng như hệ thống không được bảo mật, máy tính bị hacker tấn công hoặc ngân hàng chưa hoàn thành đúng trách nhiệm của mình theo Luật Dân sự và quy định pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng, thì ngân hàng hoàn toàn phải bồi thường tiền, tài sản hợp pháp cho người dân gửi tiền.

Những sự việc mất tiền nếu không được giải quyết hợp lý, kịp thời sẽ gây hậu quả rất nặng nề đối với đời sống cá nhân người bị mất tiền. Đây một lỗ hổng pháp lý lớn để các đối tượng xấu như tội phạm mạng, hacker, thậm chí là cán bộ, nhân viên tại ngân hàng dễ dàng chiếm đoạt tiền trong tài khoản của người dân.

Việc ngân hàng không kịp thời nhận trách nhiệm đối với tiền gửi của khách hàng có thể gây ra rủi ro lớn trong hoạt động ngân hàng. Điều này không công bằng và không xứng đáng với niềm tin mà khách hàng đặt vào ngân hàng, bà Hạnh nhấn mạnh. 

Cùng chuyên mục