Thứ ba, 13/02/2024, 11:32 (GMT+7)

Siêu thị, chợ dân sinh sôi động những ngày đầu năm mới

Ngay những ngày đầu năm Giáp Thìn, một số siêu thị đã sớm mở cửa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, trong khi không khí mua sắm tại các chợ trong ngày mùng 3 Tết bắt đầu sôi động hơn do nhiều gia đình làm lễ hóa vàng.

Ghi nhận chung cho thấy, nguồn hàng tại các siêu thị khá dồi dào, giá không đổi, trong khi tại các chợ, giá rau xanh, thịt bò tăng cao so với ngày thường.

sieu thi
Người dân mua sắm tại siêu thị Aeon Long Biên ngày mùng 3 Tết Giáp Thìn 2024. Ảnh: Vĩnh Hà

Nhiều siêu thị mở cửa

Theo Sở Công Thương Hà Nội, để bảo đảm thời gian phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, trên 1.300 điểm bán hàng của các đơn vị bán lẻ đăng ký mở cửa bán hàng trở lại từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 5 Tết. Từ mùng 6 Tết trở đi, các hệ thống hoạt động bình thường. Ghi nhận tại các quận trung tâm thành phố, ngay từ ngày mùng 2 Tết, hệ thống siêu thị như GO!, Big C, Aeon, LotteMart, cửa hàng tiện lợi Circle K... đã mở cửa. Nếu như mùng 2 Tết lượng khách tới siêu thị mua sắm chỉ lác đác thì sang mùng 3 Tết người mua đã đông hơn.

Mở cửa từ mùng 2 Tết, lượng hàng tại siêu thị Big C Thăng Long (quận Cầu Giấy) dồi dào. Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam (đơn vị quản lý và vận hành hệ thống siêu thị GO!, Big C, Top Market) Nguyễn Thị Bích Vân cho biết, số lượng hàng hóa dự trữ phục vụ nhu cầu mua sắm trước, trong và sau Tết Giáp Thìn 2024 tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, do đó hàng hóa phong phú, bảo đảm tươi, mới. Tại siêu thị Big C Thăng Long trong mùng 3 Tết, bãi đỗ xe còn nhiều chỗ trống, lượng người tới mua sắm tăng hơn so với ngày mùng 2 Tết song vẫn chưa nhiều.

Hệ thống siêu thị Aeon mở cửa hoạt động xuyên Tết, trong đó từ ngày 11-2 (tức mùng 2 Tết), mở cửa theo thời gian bình thường từ 8h đến 22h. Mùng 3 Tết, các kệ hàng đầy ắp hàng hóa, quầy rau xanh, thực phẩm chế biến sẵn, trái cây, thịt bò, hải sản có nhiều người tới chọn mua. Nhân viên siêu thị liên tục tiếp thêm rau, quả mới lên các quầy hàng. Các loại rau xanh được người dân chọn nhiều sau Tết bán với giá như ngày thường.

Chị Bùi Thanh Hoa, trú tại phường Bồ Đề, quận Long Biên nói: “Những năm gần đây nhiều siêu thị mở cửa xuyên Tết hoặc mở ngay mùng 2, mùng 3 Tết nên tôi không tích trữ nhiều mà chọn mua hàng sớm”, chị Bùi Thanh Hoa nói.

Nếu như trong ngày mùng 2 Tết, hệ thống siêu thị LotteMart mở cửa từ 10h đến 21h thì từ mùng 3 Tết trở đi, hệ thống bán lẻ này phục vụ như ngày thường, từ 8h đến 22h mỗi ngày. Trong ngày mùng 3 Tết, các siêu thị LotteMart đã có khá nhiều người tới mua sắm. Rau xanh, thịt bò và một số loại gia vị được tiêu thụ nhiều. Giá hầu hết các mặt hàng đều như ngày thường. Do lượng người tới mua sắm không đông như ngày thường nên quầy thu ngân của siêu thị khá thoáng, mọi người không mất nhiều thời gian chờ đợi. Dự kiến, ngày mùng 4 Tết, gần như toàn bộ hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn thành phố hoạt động bình thường.

Giá rau củ tại chợ truyền thống tăng mạnh

Ghi nhận tại một số chợ truyền thống như Hàng Bè, Thanh Hà (quận Hoàn Kiếm), Gia Lâm (quận Long Biên), Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng) trong mùng 3 Tết, số tiểu thương mở hàng kinh doanh đông hơn, người mua cũng tăng dần so với mùng 2 Tết.

Các mặt hàng được bán nhiều chủ yếu là rau xanh, cá, đậu phụ, thịt bò, thịt gà, bún, bánh phở… Đáng chú ý, giá một số mặt hàng tăng cao so với ngày thường. Thịt thăn bò giá dao động trong khoảng 380.000-400.000 đồng/kg, sườn 150.000-200.000 đồng/kg, đậu phụ 6.000 đồng/bìa, bún 20.000 đồng/kg... tăng 20-30%. Theo phản ánh của các tiểu thương, sức mua ngày mùng 3 Tết đã nhích lên nhưng không cao so với những ngày cận Tết.

Tiếp đà tăng từ trong Tết do giá rét kéo dài khiến nguồn cung hạn chế, giá nhiều loại rau xanh tăng gấp rưỡi, gấp đôi trong ngày mùng 3 Tết, như rau cần, cải cúc ở mức 20.000 đồng/mớ; cải xoong 30.000 đồng/mớ; xà lách Đà Lạt 50.000-60.000 đồng/kg, dứa 25.000 đồng/quả, súp lơ 25.000 đồng/cái…

Lý giải nguyên nhân các tiểu thương cho biết, do nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao trong khi lượng rau chưa được người dân thu hoạch nhiều, nhiều lò mổ, cơ sở sản xuất chưa hoạt động trở lại nên giá rau xanh, thịt bò, lợn, đậu phụ tăng cao. Chị Lương Thị Hằng, ở phố Hàng Chuối, quận Hai Bà Trưng nhận xét, nhìn chung không có hiện tượng giá hàng hóa tăng chóng mặt. Đây cũng là một trong những điều đáng chú ý so với thời điểm tương tự của một số năm trước. Giá thịt lợn, thịt bò, rau xanh trong 1-2 ngày Tết tăng ở mức chấp nhận được và hy vọng một vài ngày tới giá sẽ về mức ngày thường.

Về tình hình giá cả thị trường dịp Tết Nguyên đán, Bộ Tài chính thông tin, theo quy luật hằng năm, cung - cầu và giá cả đều tăng trong những ngày trước và sau Tết. Năm nay, nguồn cung vẫn được bảo đảm dồi dào nhưng sức mua giảm hơn so với những năm trước. Người dân đang dần chuyển sang thói quen mua sắm, chi tiêu hợp lý trong dịp Tết trong đó không mua ồ ạt và chỉ mua những thứ thực sự cần thiết với nhu cầu của gia đình. Vì vậy, giá cả thị trường Tết tại các địa phương tăng, giảm đan xen, không có đột biến, sốt giá.

Bộ Tài chính cũng cho rằng, giá cả hàng hóa thời điểm Tết Nguyên đán là một trong những yếu tố tác động đến việc kiểm soát lạm phát, do đó Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động tăng giá cao để chủ động phương án cân đối, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung, gây tăng giá đột biến.

Từ khóa:
Cùng chuyên mục