Thứ sáu, 06/12/2024, 14:12 (GMT+7)

Sàn thương mại Temu tạm dừng hoạt động, người tiêu dùng cần làm gì để lấy lại tiền?

Sau thông báo tạm dừng hoạt động của Temu, nhiều người tỏ ra lo lắng khi các đơn hàng dù đã trả tiền nhưng vẫn không có dấu hiệu vận chuyển. Đáng nói, số tiền người dùng nộp vào ví không thể sử dụng hay rút về.

Dừng giao hàng, tiền bị treo trên ví

Mới đây, sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Temu đã thông báo tạm dừng hoạt động cung cấp dịch vụ tại Việt Nam theo yêu cầu của Bộ Công Thương. 

Hiện các đơn hàng được người dùng đặt mua trên Temu không được làm thủ tục pháp lý để thông quan vào Việt Nam. Chỉ khi được Bộ Công Thương cấp phép, cơ quan hải quan mới thực hiện thủ tục đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua sàn này.

Trước thông tin trên, anh Đỗ Ngọc Duy (25 tuổi, TP HCM) tỏ ra hoang mang khi trót đặt các đơn hàng trả trước trên sàn này. Anh cho biết, mấy hôm nay đọc báo mới biết sàn Temu đã chấm dứt hoạt động tại Việt Nam. Trước đó, anh có đặt mấy món dụng cụ mỹ thuật như cọ, giá vẽ, dao vẽ trên sàn này. Theo thông báo từ  sàn thương mại Temu, đơn hàng dự kiến được giao từ ngày 2-5/12/2024.

Tuy nhiên đến nay đơn hàng của anh vẫn "chờ dài" không có dấu hiệu vận chuyển. Thay vào đó là lời nhắn: “Xin lỗi! Gói hàng của bạn vẫn chưa được vận chuyển vì việc gửi hàng mất nhiều thời gian hơn dự kiến. Chúng tôi đang cố gắng hết sức để đẩy nhanh tiến độ” từ sàn Temu. 

“Tiền đã thanh toán qua thẻ, giờ không biết làm thế nào” - anh Duy bày tỏ.

a7987bff-3118-4c67-98ef-2c6cf074ef33
Sau thông báo tạm dừng hoạt động, nhiều người tỏ ra lo lắng khi các đơn hàng dù đã trả tiền nhưng vẫn chưa nhận được hàng.

Cũng tâm lý hoang mang, chị Nguyễn Quỳnh Nga (23 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Đã thanh toán online gần 1 triệu đặt từ nửa tháng trước nhưng đến giờ vẫn không thấy tăm hơi đâu. Chưa kịp trải nghiệm xem hàng chất lượng bên ngoài ra sao, mà giờ sợ bị mất luôn”. 

Trong khi đó, một số khách hàng chọn cách hủy đơn và làm lệnh hoàn tiền. Tuy nhiên, Temu chỉ hoàn vào ví thương mại của sàn khiến người dùng không thể sử dụng hay rút về. 

Chị Trần Mai Phương (25 tuổi, Hải Dương) tỏ ra sốt ruột khi chưa biết xử lý khoản tiền dư gần 700.000 đồng trong ví điện tử của Temu. 

“Đây là số tiền Temu bồi hoàn sau khi tôi trả lại một đơn hàng vào giữa tháng trước. Nếu hàng hóa đặt trên Temu không thể giao về Việt Nam, số tiền này hoàn toàn vô nghĩa”, người dùng này chia sẻ.

Cũng theo ghi nhận của PV, sau khi Temu gia nhập thị trường Việt Nam, không ít người đã nhanh chóng tham gia vào hệ thống tiếp thị liên kết, kỳ vọng kiếm lời từ sản phẩm này. Tuy nhiên, sau thông báo tạm dừng hoạt động tại Việt Nam, số tiền người dùng kiếm được từ hoạt động giới thiệu sản phẩm đã “đóng băng”, không thể rút về tài khoản.

Hiện trên ứng dụng Temu, khách hàng Việt Nam giờ đây chỉ có thể chọn ba ngôn ngữ: Anh, Trung Quốc và Pháp, thay vì tiếng Việt như trước. Sàn thương mại điện tử này cũng đưa ra thông báo rằng, họ đang làm việc với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cùng Bộ Công Thương để hoàn tất thủ tục đăng ký cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.

z6102875635484_bdc736b92e252a0f2916557973abe89f
Giao diện sàn thương mại Temu không còn phiên bản tiếng Việt sau thông báo tạm dừng.

Người tiêu dùng có dễ đòi được tiền, hàng?

Mới đây, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng đã có phản hồi chính thức về việc Temu dừng bán hàng tại Việt Nam. Theo đó, đối với trường hợp đã thanh toán đơn hàng trên Temu phiên bản tiếng Việt mà chưa nhận được hàng, người tiêu dùng có thể hủy đơn hàng và yêu cầu hoàn tiền đối với đơn hàng đã đặt trước đó.

Trước đó, Bộ Công Thương cũng đã khuyến cáo người tiêu dùng tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa đăng ký để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Liên quan đến những băn khoăn của người tiêu dùng, Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty luật Minh Bạch - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, khách hàng khi mua hàng trên sàn thương mại Temu phải thanh toán ngay bằng thẻ thanh toán quốc tế. Như vậy, nếu Temu thực sự ngừng kinh doanh tại Việt Nam, nguy cơ người mua mất hàng và mất tiền là rất lớn, khả năng đòi lại được từ sàn này cũng không cao.

"Dưới góc độ pháp lý, khách hàng hoàn toàn có thể tiến hành khiếu nại, khởi kiện để đòi lại số tiền đã thanh toán hoặc hàng hóa như đơn mua. Tuy nhiên, trên thực tế việc này hầu như không thể thực hiện bởi sàn Temu nằm ở nước ngoài, hành vi thương mại này là nằm ở nước ngoài nên không thuộc sự kiểm soát của pháp luật Việt Nam, mặc dù Việt Nam có đầy đủ luật để bảo vệ người tiêu dùng.

Cùng với đó, khi tiến hành tố tụng đối với một pháp nhân không ở Việt Nam, để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và thực thi pháp luật thì hiệu quả pháp lý gần như bằng 0. Giả sử có thể thực hiện được thì chi phí bỏ ra cũng sẽ gấp nhiều lần so với giá trị đơn hàng mà người tiêu dùng bị mất" - luật sư Trần Tuấn Anh nhấn mạnh. 

Trong tình huống này, luật sư Trần Tuấn Anh khuyến cáo người tiêu dùng nên liên hệ với Temu kiểm tra xem khi nào sẽ giao hàng, vì có thể khâu giao hàng gặp khó khăn liên quan thủ tục hải quan. Người dùng vẫn nên hủy đơn hàng, yêu cầu hoàn tiền để chờ thiện chí của Temu.

Cùng chuyên mục