Temu - sàn thương mại điện tử giá rẻ đình đám Trung Quốc lặng lẽ 'tấn công' thị trường Việt
Sàn thương mại điện tử Temu đến từ Trung Quốc đang chuẩn bị gia nhập thị trường Việt, hứa hẹn sẽ là một đối thủ đáng gờm của Shopee, Lazada…
Sự xuất hiện của Temu sẽ tạo thêm sự sôi động cho thị trường thương mại điện tử Việt Nam, vốn đã bị chi phối bởi các sàn quốc tế. Với những lợi thế cạnh tranh về giá cả cùng hệ thống logistics phát triển, Temu có thể trở thành một đối thủ đáng gờm của Shopee, Lazada, TikTok Shop…
Không ngừng mở rộng nhanh chóng tại thị trường Đông Nam Á
Ra mắt lần đầu tại Mỹ vào tháng 9/2022, Temu đã nhanh chóng mở rộng hoạt động ra toàn cầu, bao gồm các quốc gia như Canada, Australia, New Zealand và nhiều quốc gia châu Âu. Hiện tại, với việc tiếp cận thị trường Việt Nam và Brunei, thương hiệu đã nâng tổng số thị trường của mình lên đến 82 quốc gia và vùng lãnh thổ, tính đến tháng 10/2024.
Trước đó, Temu đã bắt đầu phục vụ khách hàng tại Philippines và Malaysia từ năm 2023. Tháng 7/2024, Temu chính thức ra mắt tại Thái Lan và việc gia nhập thị trường Việt Nam trong tháng 10 này là một bước đi quan trọng tiếp theo.
Về logistics, Temu đã hợp tác với Ninja Van và BEST Express để đảm bảo hàng hóa từ Trung Quốc được vận chuyển nhanh chóng đến người tiêu dùng Việt Nam. BEST Express là một trong những tên tuổi lớn trong lĩnh vực logistics, từng niêm yết trên sàn chứng khoán New York và hiện đang tập trung vào mở rộng hoạt động ra các thị trường quốc tế như Việt Nam.
Tiềm năng phát triển lớn tại Việt Nam
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, với tổng giá trị hàng hóa (GMV) tăng trưởng gần 53% vào năm 2023 so với cùng kỳ năm trước đó - theo báo cáo của Momentum Works. dây chính là lý do khiến Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, lợi thế về vị trí địa lý giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng là một yếu tố quan trọng. Thời gian vận chuyển hàng hóa từ Quảng Châu đến Việt Nam chỉ mất từ 4 - 7 ngày, nhanh hơn so với các thị trường khác như Malaysia hay Philippines. Điều này sẽ giúp Temu cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và đáng tin cậy, từ đó tăng cường sự hài lòng của khách hàng.
Sự xuất hiện của Temu tại Việt Nam có thể khiến các đối thủ lớn khác trong lĩnh vực thương mại điện tử phải dè chừng. Vào tháng 8/2024, Colin Huang - nhà sáng lập Temu và Tập đoàn PDD Holdings đã trở thành người giàu nhất Trung Quốc với tài sản ước tính 50,8 tỷ USD. Sự phát triển vượt bậc của PDD và Temu đã đóng góp lớn vào tài sản của ông. PDD đã thành công khi khai thác thói quen mua sắm tiết kiệm của người tiêu dùng tại Trung Quốc và chiến lược này cũng được áp dụng thành công tại thị trường quốc tế thông qua Temu.
Theo công ty dịch vụ dữ liệu ECDB (Hong Kong), số lượt tải ứng dụng Temu đã tăng từ 440.000 lượt trong tháng ra mắt năm 2022 lên hơn 54 triệu lượt vào tháng 8/2024. Lượng truy cập trang web của Temu cũng đạt mức 479 triệu lượt vào tháng 3/2024.
Với mức tăng trưởng GMV từ 290 triệu USD vào năm 2022 lên hơn 14 tỷ USD năm 2023, Temu đang trở thành một hiện tượng, hứa hẹn là đối thủ quan trọng của các sàn thương mại khác trong tương lai.
Chiến lược giá và trải nghiệm là điều Temu ưu tiên
Một trong những yếu tố giúp Temu trở nên nổi bật là chiến lược giá cực kỳ hấp dẫn. Sàn này cung cấp nhiều ưu đãi lớn, thậm chí giảm giá sản phẩm xuống mức rất thấp, tạo ra sức cạnh tranh lớn so với các đối thủ như Shein. Không chỉ vậy, Temu còn miễn phí vận chuyển và cung cấp dịch vụ trả hàng linh hoạt, tạo nên một trải nghiệm mua sắm thuận lợi và dễ chịu cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, Temu còn sử dụng mô hình mua sắm theo nhóm, một chiến lược đã rất thành công với Pinduoduo. Người tiêu dùng có thể mua sắm cùng nhau để được hưởng mức chiết khấu lớn hơn. Điều này không chỉ khuyến khích việc mua sắm mà còn tạo ra một cộng đồng người tiêu dùng trung thành thông qua các chương trình giới thiệu bạn bè.
Về khía cạnh logistics, Temu không ngần ngại hợp tác với các đơn vị vận chuyển thứ ba để tối ưu hóa quá trình giao hàng và giảm chi phí. Điều này giúp các nhà cung cấp chỉ cần tập trung vào sản xuất, còn Temu sẽ chịu trách nhiệm phần lớn quá trình vận chuyển và dịch vụ sau bán hàng.
Không dừng lại ở đó, sàn thương mại điện tử này còn tích hợp các yếu tố giải trí vào trải nghiệm mua sắm của người dùng. Thông qua các trò chơi như Fishland, Coin Spin hay Card Flip, người dùng có thể tích điểm thưởng và nhận ưu đãi. Đây là cách Temu giữ chân người dùng trên nền tảng trong thời gian dài hơn, đồng thời gia tăng trải nghiệm tích cực khi mua sắm.
Để tăng cường sự hiện diện thương hiệu, Temu cũng đẩy mạnh quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok và YouTube. Nhờ sự hỗ trợ của tiếp thị liên kết, Temu đã gửi sản phẩm miễn phí cho các Influencer, từ đó lan tỏa hình ảnh của mình đến đông đảo người tiêu dùng trẻ.
- 12 thương hiệu Việt tự hào được vinh danh tại giải thưởng YouTube Works Awards 2024
- Scan It - ‘vũ khí’ tối tân giúp thương hiệu kích cầu, bùng nổ doanh số dịp cuối năm
- 5 ‘thương vụ’ hợp tác đầy sáng tạo, độc lạ 'không giống ai' của các thương hiệu
- Chọn LE SSERAFIM làm đại sứ, Jim Beam tham vọng tấn công thị trường châu Á với chiến dịch quảng cáo mới
- Thời buổi khó khăn, doanh nghiệp có nên cắt giảm chi phí quảng cáo? Chuyên gia tiết lộ sai lầm của hầu hết của doanh nghiệp, khiến người tiêu dùng 'bỏ quên' thương hiệu
- Nhãn hàng thẳng tay gỡ bỏ quảng cáo sau scandal của đại sứ: Bài học nào cho doanh nghiệp và người chuyển tải sản phẩm quảng cáo?