Quảng cáo trên phương tiện giao thông: Từ taxi đến xe bus 2 tầng – khi mỗi bánh xe là một câu chuyện thương hiệu
Quảng cáo trên phương tiện giao thông đang dần trở thành chiến lược then chốt giúp thương hiệu len lỏi vào từng ngóc ngách thành phố, chạm đến trái tim người tiêu dùng một cách tự nhiên, liên tục và đầy ấn tượng.
Trong cuộc trò chuyện với Tiếp thị & Gia đình, CEO Phạm Ngọc Linh - người đứng sau Unique OOH đã tiết lộ những bí quyết để biến quảng cáo trên phương tiện giao thông trở thành chất xúc tác mạnh mẽ cho mỗi câu chuyện thương hiệu.

Tác động mạnh mẽ của quảng cáo trên phương tiện giao thông
Chào CEO Phạm Ngọc Linh. Theo anh, quảng cáo trên phương tiện giao thông đang giữ vị trí như thế nào trong bức tranh toàn cảnh của ngành quảng cáo ngoài trời tại Việt Nam hiện nay?
Theo tôi, quảng cáo trên phương tiện giao thông (OOH Transit) đang ngày càng khẳng định vai trò là một trong những mảnh ghép quan trọng trong hệ sinh thái quảng cáo ngoài trời tại Việt Nam, giúp gia tăng nhận diện thương hiệu rất nhanh cho các nhãn hàng.
Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng, lưu lượng giao thông tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM ngày càng đông đúc thì việc tận dụng các phương tiện di chuyển như xe bus, taxi, xe công nghệ hay thậm chí xe đạp để truyền tải thông điệp quảng cáo là một cách tiếp cận thông minh và đáng để cân nhắc.
Anh đánh giá thế nào về mức độ hiệu quả và độ phủ của quảng cáo trên phương tiện giao thông so với các loại hình quảng cáo ngoài trời truyền thống khác?
Quảng cáo trên phương tiện giao thông có đặc tính nổi bật là sự linh hoạt. Nó giúp tiếp cận khách hàng một cách liên tục, tăng sự hiện diện thương hiệu mạnh mẽ trên các trục đường, nơi người tiêu dùng dễ dàng ghi nhớ và ấn tượng. So với các hình thức quảng cáo “tĩnh” ngoài trời khác chỉ đứng im một chỗ thì quảng cáo trên phương tiện giao thông có độ phủ tốt hơn rất nhiều.
Một chiếc xe bus, taxi hay xe công nghệ mang thông điệp thương hiệu có thể tiếp cận hàng trăm nghìn lượt người mỗi ngày trên các cung đường đông đúc, từ trung tâm thành phố đến các vùng ven. Đó chính là lợi thế "động" rất riêng mà các hình thức quảng cáo truyền thống không thể cạnh tranh.
Ngoài ra, quảng cáo trên phương tiện giao thông còn có lợi thế là chi phí hợp lý, thấp hơn nhiều so với các vị trí billboard lớn. Do vậy, đây thực sự là một lựa chọn rất đáng đầu tư trong thời đại đô thị hóa và di động cao như hiện nay.
Tất nhiên, tôi không so sánh để phủ nhận vai trò của quảng cáo ngoài trời truyền thống. Bởi mỗi loại hình đều có thế mạnh riêng.

Theo anh, quảng cáo trên phương tiện giao thông phù hợp với những ngành hàng nào?
Quảng cáo trên phương tiện giao thông là một hình thức khá linh hoạt, phù hợp với nhiều nhóm ngành hàng khác nhau. Đặc biệt, nó phù hợp với các chiến dịch quảng bá sản phẩm mới, xây dựng nhận diện thương hiệu hoặc tăng độ phủ thương hiệu tại những điểm nóng dân cư hoặc thị trường mục tiêu do khách hàng lựa chọn.
Một số ngành hàng tiêu biểu có thể ứng dụng quảng cáo trên phương tiện giao thông, bao gồm: Hàng tiêu dùng nhanh (FMCG); Ngân hàng, tài chính, bảo hiểm; Bất động sản; Thời trang – bán lẻ – thương mại điện tử; Giáo dục, y tế, dịch vụ công cộng…
Thậm chí với các startup công nghệ, quảng cáo trên phương tiện giao thông cũng là một cách thông minh để tạo sự tin tưởng từ người dùng khi thương hiệu còn mới trên thị trường.
Đâu là phương tiện giao thông được các nhãn hàng ưu tiên lựa chọn nhiều nhất hiện nay và tại sao?
Hiện nay, quảng cáo trên xe bus 2 tầng kết hợp với roadshow tổ chức sự kiện đang được các brand trẻ ưa chuộng. Với hình thức này, nhãn hàng sẽ xuất hiện đầy sống động và ấn tượng, từ đó nhận được sự ủng hộ đông đảo.
Ngoài ra xe taxi và xe công nghệ (như Grab, Be) cũng đang là những phương tiện được các nhãn hàng ưu tiên lựa chọn. Điều này đến từ 3 lý do chính gồm:
- Tần suất xuất hiện cao, di chuyển linh hoạt
Taxi và xe công nghệ hoạt động gần như liên tục, di chuyển khắp các tuyến đường chính – từ trung tâm đến ngoại ô, từ cao ốc văn phòng đến khu dân cư. Điều này giúp thương hiệu tiếp cận khách hàng ở nhiều thời điểm, không gian khác nhau, tạo hiệu ứng “phủ sóng” rất mạnh.
- Tiếp cận đúng nhóm đối tượng mục tiêu
Những khách hàng sử dụng dịch vụ taxi và xe công nghệ thường thuộc nhóm có thu nhập khá trở lên. Đây là nhóm mục tiêu lý tưởng của nhiều nhãn hàng trong các lĩnh vực tài chính, tiêu dùng, giáo dục, y tế, bất động sản…
- Chi phí phù hợp
So với billboard lớn, quảng cáo trên xe taxi và xe công nghệ linh hoạt hơn về ngân sách, có thể triển khai theo khu vực, số lượng phương tiện, thời gian mong muốn mà vẫn đảm bảo hiệu quả nhận diện.
Tiếp đó, xe bus cũng là một lựa chọn phổ biến, đặc biệt với các chiến dịch cần độ phủ siêu rộng và tiếp cận đại chúng.

Anh có thể chia sẻ về mức độ nhận diện thương hiệu mà quảng cáo trên phương tiện giao thông mang lại cho người tiêu dùng? Có những số liệu hoặc nghiên cứu nào đáng chú ý?
Một trong những lợi thế nổi bật nhất của quảng cáo trên phương tiện giao thông là khả năng tạo ra mức độ nhận diện thương hiệu rất cao.
Theo báo cáo của Nielsen năm 2019 về hiệu quả quảng cáo ngoài trời tại Hoa Kỳ, có tới 65% người tiêu dùng nhớ được nội dung quảng cáo trên phương tiện giao thông chỉ sau 1–2 lần tiếp xúc. Đặc biệt, 80% cho biết họ chủ động quan sát các quảng cáo trên xe bus, taxi, xe tải và khoảng 40% có hành vi tìm hiểu thêm về thương hiệu sau đó – như tra cứu thông tin, hỏi người thân hoặc truy cập website.
Ngoài ra, nghiên cứu của Arbitron (ủy quyền bởi OAAA – Hiệp hội Quảng cáo ngoài trời Hoa Kỳ) cũng chỉ ra rằng người dân Mỹ dành trung bình hơn 18 tiếng mỗi tuần để di chuyển trên đường và có đến 71% người thường xuyên để ý đến các phương tiện có gắn quảng cáo. Điều này khẳng định rằng phương tiện giao thông không chỉ là công cụ di chuyển, mà còn là "billboard di động" cực kỳ hiệu quả trong việc xây dựng hình ảnh thương hiệu.
Tại Việt Nam, dù chưa có nhiều nghiên cứu độc lập sâu như ở nước ngoài. Song từ thực tế triển khai hàng trăm chiến dịch của Unique, chúng tôi nhận thấy tỷ lệ ghi nhớ thương hiệu sau 1–2 tuần quảng cáo trên taxi hoặc xe công nghệ dao động từ 70–80%, đặc biệt cao ở nhóm khách hàng sống và làm việc trong khu vực nội đô.
Bí quyết triển khai chiến dịch quảng cáo trên phương tiện giao thông hiệu quả
Là một trong những đơn vị quảng cáo ngoài trời “có tiếng” trong nước, Unique đã có những dự án quảng cáo trên phương tiện giao thông nào và đạt được thành công ra sao?
Cảm ơn bạn đã nhắc tới Unique với sự ghi nhận tích cực. Trong hơn 11 năm hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo ngoài trời, Unique tự hào là đối tác triển khai hàng trăm chiến dịch quảng cáo trên phương tiện giao thông cho nhiều thương hiệu lớn trong nước và quốc tế.
Đặc biệt tôi rất thích thú với chiến dịch quảng cáo mì Hàn Quốc Koreno được triển khai trên gần 2000 chiếc xe taxi tại nhiều tỉnh, thành phố lớn vào năm 2016. Sau lần hợp tác với Unique này, thương hiệu đã nhanh chóng được nhiều người tiêu dùng biết đến. Đặc biệt, trào lưu “Mì cay 7 cấp độ” đình đám một thời cũng ra đời từ đây.
Ngoài ra, Unique cũng từng hợp tác thực hiện quảng cáo cho nhãn hàng Chilly của Sohaco trên xe bus 2 tầng. Chiến dịch kết hợp cùng hoạt động tặng hoa cho phụ nữ nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 cũng là một điểm nhấn đầy tính nhân văn và ý nghĩa.

Theo CEO Phạm Ngọc Linh, đâu là những yếu tố then chốt để triển khai một chiến dịch quảng cáo trên phương tiện giao thông hiệu quả?
Từ thực tiễn và kinh nghiệm thực chiến tại Unique, tôi tin rằng để một chiến dịch quảng cáo trên phương tiện giao thông đạt hiệu quả tối đa, cần hội tụ đủ 5 yếu tố then chốt sau:
- Xác định đúng mục tiêu truyền thông
Trước hết, thương hiệu cần hiểu rõ mục tiêu của mình: Tăng độ nhận diện, giới thiệu sản phẩm mới hay hỗ trợ chiến dịch marketing tổng thể? Mục tiêu rõ ràng sẽ dẫn đến lựa chọn đúng phương tiện, khu vực và thông điệp truyền tải.
-
Sáng tạo nội dung và thiết kế nổi bật
Trên đường phố đông đúc, người đi đường chỉ có 2–3 giây để ghi nhớ một mẫu quảng cáo. Vì vậy, trong thiết kế cần:
-
Hình ảnh bắt mắt, dễ nhận diện từ xa.
-
Thông điệp ngắn gọn, dễ đọc.
-
Màu sắc tương phản mạnh và bám sát nhận diện thương hiệu.
Hơn hết, đội ngũ sáng tạo cần tư duy theo hướng “truyền thông trên nền chuyển động”, chứ không phải chỉ thiết kế "tĩnh".
-
Lựa chọn đúng phương tiện và khu vực hoạt động
Việc lựa chọn đúng phương tiện và khu vực hoạt động của phương tiện đó trong quảng cáo cũng đặc biệt quan trọng.
- Taxi/xe công nghệ: linh hoạt, phù hợp chiến dịch phủ rộng.
- Xe bus: hiệu quả tại các trục đường lớn, tiếp cận đại chúng.
- Xe tải, xe chuyên dụng: thích hợp quảng bá sản phẩm hoặc tổ chức roadshow.
Ngoài ra, cần chọn khu vực có mật độ dân cư/khách hàng mục tiêu cao, tuyến đường đông phương tiện nhưng không quá kẹt cứng để đảm bảo tần suất hiển thị tối ưu.
-
Quy trình thi công, giám sát, bảo trì chuyên nghiệp
Nhiều chiến dịch thất bại không phải vì ý tưởng kém hấp dẫn, mà vì decal bong tróc, màu lệch chuẩn hoặc giám sát không chặt chẽ dẫn đến xe không chạy đúng tuyến, đúng thời gian. Do đó, yếu tố vận hành cần được đặc biệt chú trọng, kiểm tra thường xuyên.
-
Đo lường và tối ưu hóa hiệu quả
Một số thương hiệu lớn kết hợp đo lường bằng công nghệ định vị (GPS tracking), khảo sát nhận diện sau chiến dịch hoặc kết nối với các chiến dịch digital để đánh giá mức độ tương tác và chuyển đổi. Đây là bước rất quan trọng để đúc rút kinh nghiệm và nâng hiệu quả ở những giai đoạn tiếp theo.
Tóm lại, muốn chiến dịch quảng cáo trên phương tiện giao thông thực sự hiệu quả, cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa chiến lược – sáng tạo – triển khai – vận hành – đo lường, chứ không chỉ đơn thuần là dán decal lên xe.

Làm thế nào để đánh giá và đo lường hiệu quả của một chiến dịch quảng cáo trên phương tiện giao thông?
Việc đo lường bằng một con số cụ thể trong quảng cáo ngoài trời nói chung và quảng cáo trên phương tiện giao thông nói riêng vẫn là một thách thức.
Tuy vậy, tôi có một số gợi ý đến doanh nghiệp như:
-
Khảo sát nhận diện thương hiệu (Brand Recall Survey)
Sau 2 - 4 tuần triển khai chiến dịch, hãy tiến hành khảo sát trực tiếp hoặc online với người dân trong khu vực mục tiêu để đo lường mức độ ghi nhớ và cảm nhận chung của họ. Từ đó đánh giá hiệu quả thị giác và cảm xúc – thứ mà quảng cáo ngoài trời làm rất tốt.
-
Kết hợp dữ liệu kinh doanh hoặc lượt truy cập
Với các chiến dịch có CTA, có thể đo lường gián tiếp qua:
-
Lượt tìm kiếm thương hiệu (Google Trend).
-
Truy cập landing page.
-
Doanh số tại khu vực phủ quảng cáo.
Đặc biệt hiệu quả nếu gắn QR code, hotline, mã ưu đãi độc quyền trên xe.
-
Phản hồi từ khách hàng và đối tác
Nhiều doanh nghiệp nhận ra chiến dịch hiệu quả khi đối tác hoặc khách hàng chủ động nhắc tới thương hiệu: “thấy xe chạy ngoài đường nhiều lắm”. Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy hiệu ứng lan tỏa đang phát huy.
-
So sánh trước – sau chiến dịch
Trước và sau chiến dịch nên có đánh giá về độ nhận diện, chỉ số nhận biết thương hiệu, hoặc mức độ “buzz” truyền thông – thông qua truyền thông xã hội hoặc khảo sát nội bộ.
Tương lai của quảng cáo trên phương tiện truyền thông và lời khuyên cho doanh nghiệp
Theo góc nhìn của CEO Phạm Ngọc Linh, xu hướng quảng cáo trên phương tiện giao thông trong vài năm tới sẽ thay đổi ra sao, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số và đô thị thông minh?
Từ những chuyến công tác tại Hàn Quốc và Nhật Bản, tôi nhận thấy sự khác biệt lớn với Việt Nam. Ở hai đất nước này, quảng cáo trên phương tiện giao thông không có nhiều vì hệ thống tàu điện ngầm của họ quá lớn, hành vi di chuyển cũng khác so với người Việt.
Có thể trong tương lai, Việt Nam cũng sẽ phát triển vượt trội giống như Nhật Bản hay Hàn Quốc. Tuy nhiên, sẽ còn rất lâu để quảng cáo trên phương tiện giao thông trở nên kém hiệu quả do đặc thù cơ sở hạ tầng trong nước. Bởi vậy, tôi cho rằng, trong thời gian 5 - 10 năm tới, hình thức quảng cáo này vẫn sẽ hữu ích đối với nhiều doanh nghiệp và thương hiệu.
Không chỉ vậy, quảng cáo trên phương tiện giao thông còn có thể phát triển thành nhiều hình thức mới lạ và độc đáo hơn. Ví như dự án tuyên truyền phòng cháy chữa cháy trên xe tải Led (Led Truck) do Unique thực hiện mới đây. Các nhãn hàng có thể đồng hành quảng cáo đan xen để tài trợ cho chương trình tuyên truyền này.

Anh có lời khuyên nào cho các thương hiệu vừa và nhỏ khi muốn đầu tư vào quảng cáo trên phương tiện giao thông nhưng còn e ngại về chi phí và hiệu quả?
Theo tôi, điều quan trọng mà các doanh nghiệp và thương hiệu nên làm chính là thay đổi tư duy chi phí bằng đầu tư.
Việc chi tiền cho quảng cáo trên phương tiện giao thông ở giai đoạn ra mắt sản phẩm mới rất hữu ích, nó giúp gia tăng nhận diện thương hiệu nhanh chóng. Việc chần chừ hay đợi có doanh thu sẽ lỡ một nhịp ở khâu quan trọng nhất là cần nhiều người biết đến sản phẩm/dịch vụ của mình.
Đặc biệt, hãy nhắm vào thị trường mục tiêu cụ thể để triển khai chiến dịch và lựa chọn hình thức tối ưu nhất. Đồng thời, không quên kết hợp với các hình thức quảng cáo online khác để gia tăng hiệu quả cao nhất cho chiến dịch.
Cảm ơn CEO Phạm Ngọc Linh về những chia sẻ bổ ích cùng Tiếp thị & Gia đình. Chúc anh thật nhiều sức khỏe và ngày càng thành công hơn nữa!