Thứ tư, 19/04/2023, 18:45 (GMT+7)

Những giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với ngành quảng cáo ngoài trời Hà Nội

Hoàng Minh (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đã có văn bản đề xuất UBND Thành phố Hà Nội để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với ngành Quảng cáo ngoài trời ở Thủ đô.

Trước thông tin UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo kiểm tra, rà soát toàn bộ hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn Thủ đô, PV Tiếp thị và Gia đình đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam để có cái nhìn tổng thể về ngành quảng cáo và đưa ra các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của ngành Quảng cáo trên địa bàn Thủ đô.

PV: Ông đánh giá như thế nào về việc Thành phố Hà Nội rà soát toàn bộ hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn Thủ đô?

Ông Nguyễn Trường Sơn: Thủ đô Hà Nội là thành phố đặc biệt, được coi là Trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa của cả nước, là nơi thu hút rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây cũng là nơi hội tụ của nhiều đơn vị, doanh nghiệp và cũng là trung tâm quảng cáo phát triển nhất nhì cả nước.

Nhiều năm nay, khi khách trong và ngoài nước đến với Hà Nội đều cảm nhận được đời sống kinh tế, xã hội rất đặc trưng của Hà Nội thông qua các loại hình quảng cáo. Đặc biệt là quảng cáo ngoài trời với những hình thức quảng cáo truyền thống như bảng vẽ, hộp đèn, bảng điện tử đến những hình thức quảng cáo công nghệ cao như màn hình LED, màn hình LCD.

Nguyen-Truong-Son
Ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam

Việc UBND thành phố vừa giao Sở Văn hóa Thể thao Thành phố và các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát toàn bộ hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn Thủ đô thì Hiệp hội luôn ủng hộ. Với tinh thần mong muốn góp phần cùng Thành phố đưa hoạt động quảng cáo ngoài trời vào nền nếp, Hiệp hội đã có văn bản yêu cầu các đơn vị hội viên nghiêm túc báo cáo đầy đủ với Thành phố về tình hình hoạt động, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp để Thành phố xem xét, giải quyết.

Nhiều năm nay Thành phố đã có những chủ trương cứng rắn, mạnh mẽ như Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 03/8/2016 của UBND Thành phố Hà Nội “Về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động quảng cáo trên địa bàn Thành phố Hà Nội”; Quyết định số 3347/QĐ-UBND ngày 23/6/2016 của Chủ tịch UBND TP “Về việc thành lập Đoàn thanh tra liên ngành thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hoạt động quảng cáo trên địa bàn Thành phố”; Quyết định số 1997/QĐ-UBND ngày 24/4/2018 của UBND TP “Phê duyệt quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” hay Kế hoạch số 115/KH-UBND ngày 08/4/2022” để chấn chỉnh đưa hoạt động quảng cáo vào nền nếp.

Sau những đợt rà soát, kiểm tra này cũng chỉ mang lại kết quả trong một thời gian rồi tình trạng quảng cáo sai trái vẫn tiếp tục tái diễn và trở thành bài toán không có lời giải.

PV: Những vướng mắc, khó khăn trong việc quản lý quảng cáo ngoài trời ở Thủ đô để đưa vào nề nếp là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Trường Sơn: Lĩnh vực Quảng cáo ngoài trời tại Thủ đô Hà Nội cũng bộc lộ nhiều khiếm khuyết, trong đó tình trạng đặt dựng quảng cáo tùy tiện sai quy hoạch, vượt kích cỡ, không thông báo nội dung sản phẩm quảng cáo gây mất mỹ quan Thành phố còn khá phổ biến khiến dư luận phải quan tâm. Vậy tại sao tình trạng này cứ tái diễn?

quang-cao-ngoai-troi-170033 (1)
Lãnh đạo Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho rằng, do vướng quy hoạch, các văn bản quản lý, hướng dẫn ban hành chưa đồng bộ, chậm được điều chỉnh nên ngành quảng cáo ngoài trời ở Thủ đô gặp nhiều khó khăn.

Trong đơn thỉnh cầu các doanh nghiệp đã tự nhận xét: “Hầu hết các doanh nghiệp làm ăn chính đáng không bao giờ muốn vi phạm pháp luật để bị xử lý. Nhưng trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, đòi hỏi chi phí đầu tư ngày càng cao, doanh nghiệp muốn đẩy mạnh kinh doanh nhưng lại gặp nhiều vướng mắc do các văn bản pháp quy còn có những bất cập, chậm được tháo gỡ nên đã phải tìm cách vượt rào để đáp ứng yêu cầu của khách hàng và duy trì sự tồn tại của doanh nghiệp...”.

Trong kết luận của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng tại Hội nghị giao ban Thành ủy Hà Nội quý I/2023 về công tác quản lý lòng đường, hè phố., đã đánh giá: “Từ trước đến nay, điệp khúc bất cập trong quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường cứ ‘đến hẹn lại lên’ với những đợt ra quân mạnh mẽ, nhưng hết ra quân xong đâu lại vào đấy. Mặc dù các cấp, ngành, lực lượng chức năng ngày đêm vất vả kiểm tra, xử lý, nhưng khi xe lực lượng chức năng đi tới thì bà con cất hàng hóa vào, xe đi khỏi lại bày hàng quán lại nhô ra”.

Nguyên nhân được Bí thư Hà Nội chỉ ra: “Lòng đường, vỉa hè thực tế là gắn với sinh kế của người dân, phần nào đó là kinh tế đô thị. Cho nên, nguyên nhân sâu xa và lớn nhất của những khó khăn, bất cập hiện nay là thiếu quy hoạch. Từ chỗ thiếu quy hoạch thì người dân cứ ‘tràn ra tràn vào’ vì kế sinh nhai của người dân là chính đáng, vì vậy cần xác định đúng nguyên nhân để tìm giải pháp khắc phục”. Hiệp hội cho rằng kết luận của Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng hoàn toàn sát hợp với tình trạng quảng cáo ngoài trời ờ Hà Nội.

z4277578544307_f53f777fbb057a1769608f12de9ade7e
Việc gặp nhiều khó khăn vướng mắc trong khâu chậm quy hoạch cho nên nhiều biển quảng cáo của nhiều doanh nghiệp chưa được gia hạn thông báo sản phẩm.

Nhìn lại những năm vừa qua trong lĩnh vực quảng cáo có thể nhận ra một số vướng mắc như: Văn bản quản lý, hướng dẫn ban hành chưa đồng bộ, chậm được điều chỉnh. Quy hoạch Quảng cáo ngoài trời đã có quyết định ban hành từ năm 2018, nhưng đến nay vẫn chưa được công bố công khai, người làm quảng cáo chưa được tiếp cận; Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời ban hành từ tháng 1/2016 chưa điều chỉnh kịp với những văn bản hướng dẫn sau này của các bộ, ngành; Việc tiếp nhận thông báo sản phẩm quảng cáo lúc nhận, lúc dừng...Những điều này gây khó khăn, thiệt hại cho việc kinh doanh của các doanh nghiệp quảng cáo, đặc biệt trong lúc đang có cố gắng phục hồi sau mấy năm đại dịch, làm ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ Đô.

PV: Ông có thể cho biết Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đã đề xuất như thế nào để đưa hoạt động quảng cáo ngoài trời vào nề nếp, đồng thời tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp quảng cáo?

Ông Nguyễn Trường Sơn: Để ngành Quảng cáo ở Thủ đô Hà Nội có thể đạt được mục tiêu và chỉ tiêu đóng góp cho các ngành công nghiệp văn hóa ở Thủ đô như Nghị quyết 09/NQ-TU “Về phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến nãm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Thành ủy Hà Nội, Hiệp hội cho rằng, công tác quản lý quảng cáo cần thực hiện như ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy về công tác quản lý sử dụng lòng đường, hè phố. “Giải pháp đầu tiên phải quan tâm thực hiện lập quy hoạch thiết kế đô thị để quản lý; Nghiên cứu áp dụng các mô hình quản lý của các nước phát triển... Trên cơ sở đó, công bố công khai quy hoạch để lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp. Sau khi có quy hoạch, có sự đồng thuận của nhân dân thì tiến hành ‘số hóa’ để tổ chức thực hiện”.

z4277578544336_3927fbea7298f37ff10e4e2eb2078f33
Hiệp hội Quảng cáo vừa có văn bản đề xuất gửi UBND thành phố Hà Nội Những giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với ngành quảng cáo ngoài trời.

Muốn làm được điều đó, UBND TP cần sớm cho bổ sung, sửa đổi quy hoạch, quy chế quản lý quảng cáo ngoài trời trên địa bàn Hà Nội cùng những văn bản liên quan cho phù hợp với tình hình và công bố công khai để các tổ chức cá nhân biết và thực hiện.

Còn việc UBND thành phố vừa giao Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố rà soát, kiểm tra của chấn chỉnh hoạt động quảng cáo thì Hiệp hội luôn ủng hộ. Tuy nhiên, để tránh việc xử lý cực đoan như đợt kiểm tra năm 2016 với quan điểm chỉ đạo xóa đi làm lại của Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung lúc đó đã gây ra những tổn thất nặng nề cho các doanh nghiệp và tài sản xã hội, các ban ngành Thành phố cần phân loại bảng vi phạm để có mức độ, lộ trình  xử lý công bằng, thích hợp, không gây xáo trộn, thiệt hại nhiều và công bố công khai cho doanh nghiệp thực hiện.

Cụ thể, đối với loại bảng quảng cáo thương mại đơn thuần đã nằm trong quy hoạch từ trước và bị tạm dừng tiếp nhận hồ sơ thông báo sản phẩm để chờ quy hoạch mới thì không thể coi là vi phạm, cần cho duy trì kế thừa quy hoạch trước; tiếp tục cho tiếp nhận thông báo sản phẩm quảng cáo để các doanh nghiệp được kinh doanh bình thường.

Còn với loại bảng đã được cho phép xây dựng dưới hình thức xã hội hóa để phục vụ nhiệm vụ chính trị - xã hội kết hợp làm quảng cáo và các bảng được Thành phố cấp phép tạm thời nếu bảng nào sử dụng đúng mục đích trong tương lai phù hợp với quy hoạch mới thì có thể cho giữ lại. Nếu bảng nào sử dụng sai mục đích hoặc không nằm trong quy hoạch mới thì cho lộ trình di dời sau khi hết thời hạn hợp đồng với khách.

anh bang quang cao
Để đưa đưa hoạt động quảng cáo ngoài trời ở Thủ đô vào nề nếp UBND Thành phố Hà Nội cần có Những giải pháp để sửa đổi quy hoạch, quy chế quản lý quảng cáo.

Đối với các văn bản quy định về diện tích quảng cáo còn quá nhỏ, hẹp làm hạn chế nhiều đến việc thu hút khách hàng và nguồn thu về quảng cáo, các doanh nghiệp và Hiệp hội đã được các địa phương và Hà Nội đồng tình, đã phản ánh nhiều lần với cấp trên nhưng chưa kịp điều chỉnh. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã phải làm bảng vượt diện tích quy định  để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, duy trì sự sống còn của đơn vị. Trong trường hợp này Hiệp hội đề nghị Thành phố xem xét, giảm mức độ xử phạt và yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh phù hợp với quy định. Còn những loại bảng tự đặt, dựng vô tổ chức, bất chấp quy định cần được xử lý tháo dỡ triệt để.

Ngoài ra, Hiệp hội cũng đã có đề xuất UBND Thành phố cho Sở Văn hóa Thể thao tiếp tục tiếp nhận hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo theo như đề xuất của Sở Văn hóa công văn số 2848/CV-VHTT ngày 24/8/2022. Qua đó, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc chính đáng của doanh nghiệp kèm với chế độ thưởng, phạt công minh để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp quảng cáo trên địa bàn Hà Nội có cơ hội phục hồi và phát triển, đáp ứng được các mục tiêu của Thành phố đặt ra.

Về lâu dài, Hiệp hội Quảng cáo cũng đề xuất gửi UBND Thành phố Hà Nội có ý kiến với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và cơ quan chức năng về những vướng mắc, bất cập do Luật Quảng cáo. Từ đó có sự điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung tạo thuận lợi cho Thành phố trong việc quản lý hoạt động quảng cáo tại Hà Nội.

Cùng chuyên mục