Thứ bảy, 20/04/2024, 08:09 (GMT+7)

Nhiều nhà hàng ăn uống ở Đông Nam Á ‘mất khách’ sau COVID-19

Các ứng dụng giao đồ ăn như Grab hay Shopee có thêm người dùng do thói quen ăn uống bên ngoài thay đổi nhường chỗ cho việc đặt đồ ăn online.

Ở khắp Châu Á, ngay cả khi đại dịch COVID-19 đã lùi xa, thực khách vẫn chưa quay trở lại các nhà hàng như trước. Ăn ngoài ở nhà hàng hiện chiếm khoảng 60% mảng dịch vụ ăn uống tại Đông Nam Á, theo công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor. Con số này giảm mạnh từ mức 76% của năm 2019. Phần chênh lệch thay đổi nay thuộc về tay của các ứng dụng giao đồ ăn như Grab hay Shopee.

Screenshot 2024-04-19 at 21.16.16
Thói quen ăn ngoài của nhiều người đã thay đổi hoàn toàn sau COVID-19. (Ảnh: Reuters).

Trong thời gian hạn chế di chuyển vì đại dịch, nhiều người đã chuyển sang đặt đồ ăn/uống và vẫn duy trì thói quen cho tới sau này. Euromonitor ước tính mảng giao đồ ăn chiếm khoảng 8% dung lượng thị trường đồ ăn/uống vào năm 2018. Con số này tăng lên 21% vào năm 2023. Tới năm 2028, tỷ trọng này được kỳ vọng sẽ chạm mốc 23%. Euromonitor tính toán dữ liệu từ 46 thị trường Châu Á. Mảng dịch vụ ăn uống mà Euromonitor tính đến bao gồm cả nhóm đồ ăn chuẩn bị sẵn, như đồ ăn mà các nhà hàng và ki-ốt cung cấp.

“Nó rất tiện và nhanh”, Dao Chan, người từng dùng các ứng dụng ở Việt Nam để gửi đồ ăn cho người thân khi bị cách ly vì COVID-19, chia sẻ. Ví dụ, hiện nay, “nếu tôi thích ăn bún bò và tôi không biết nấu, tôi có để đặt nó ngay”.

Ăn ở các nhà hàng có thể sẽ chiếm tỷ trọng 67% thị trường ở thời điểm năm 2028, Euromonitỏ dự đoán. Điều này đồng nghĩa với việc phân khúc thị trường này sẽ không phục hồi về mức trước COVID cho ít nhất 5 năm tới. Công ty nghiên cứu thị trường này cho rằng các thực khách đang đón nhận loại hình đồ ăn chuẩn bị sẵn, bao gồm các món đồ ăn được giao từ nhà hàng, nhờ “cải thiện dịch vụ và sự tiện lợi” của các ứng dụng trên smartphone. Xu hướng này đặc biệt quan sát thấy rõ ở khu vực Đông Nam Á.

Dù vậy, cơn sốt giao đồ ăn đang thải ra vô số các hình thức hộp, túi đựng dùng một lần. Thuy Le, một người dùng, nói với Nikkei Asia rằng cô cảm thấy “tội lỗi” và đã cắt giảm sử dụng, song cô cho rằng các công ty cần có trách nhiệm giảm thiểu đồ nhựa. “Tôi thực sự nhận ra gia đình và bản thân tôi sử dụng quá nhiều hình thức đóng gói. Việc tiêu thụ nhựa như vậy nghiêm trọng hơn tôi nghĩ”, cô nói.

Screenshot 2024-04-19 at 21.16.23
Thị trường giao đồ ăn Đông Nam Á theo tổng giá trị hàng hoá giao dịch (GMV). (Nguồn: Nikkei/Momentum Works, đơn vị: tỷ USD).

Người dùng cũng đang cảm thấy những áp lực từ vấn đề lạm phát. Theo Euromonitor, việc doanh số chỉ tăng trưởng 1% cho thấy quy mô các đơn hàng đặt đồ ăn của người dùng đang không tăng. Công ty này cho biết 72% người tham gia khảo sát ở Việt Nam lo lắng về vấn đề giá cả tăng, trong khi đó ở Indonesia, các lựa chọn giá rẻ hơn như các quán cà phê hay ki-ốt đồ ăn được đón nhận nhiều hơn các nhà hàng đầy đủ dịch vụ.

Cạnh tranh khốc liệt cũng khiến các ứng dụng giao đồ ăn khó kiếm tiền. Năm ngoái, Baemin quyết định rút khỏi thị trường Việt Nam. Trên phạm vi cả khu vực, Grab vẫn tiếp tục lỗ trong năm 2023 mặc dù đã có lãi trong quý IV.

Dù vậy, một số dữ liệu khác vẫn cho thấy mảng giao đồ ăn có nhiều tiềm năng phát triển. Mảng này có tỷ lệ tăng trưởng giao thu cao nhất, lên tới 60%, so với các hình thức kinh doanh số khác, bao gồm mảng di chuyển hay TMĐT, theo số liệu Google, Temasek và Bain công bố năm ngoái.

Các nhà hàng cũng cần phải thay đổi để thích nghi với bối cảnh cạnh tranh mới, theo Emil Fazira, giám đốc nghiên cứu mảng ẩm thực của Euromonitor Châu Á, nói. “Bên cạnh cải thiện điểm bán và các hình thức xử lý đơn hàng, các đơn vị vận hành dịch vụ ăn uống cũng cần phải nâng tầm giá trị của việc ăn ngoài trực tiếp, ví dụ như cung cấp thực đơn hoàn thiện hơn và đưa ra nhiều lựa chọn khác nhau ở các mức giá khác nhau”, bà chia sẻ.

Từ khóa:
Cùng chuyên mục