Thứ hai, 19/02/2024, 10:35 (GMT+7)

Nhập viện vì “ép cân” sau Tết

Sau Tết, nhiều người tìm đủ các biện pháp để “ép cân nặng” sau thời gian ăn thả cửa khiến không ít người phải nhập viện.

Lo ngại trước thân hình “quá khổ”, nhiều người đã dùng mọi biện pháp để giảm cân cấp tốc sau Tết. Thế nhưng, đâu mới thực sự là biện pháp giảm cân an toàn và tốt cho sức khỏe?

Là một người năng động, rất chăm chỉ tập luyện để giữ gìn vóc dáng, thế nhưng, đến những ngày cuối của kỳ nghỉ Tết, chị Đặng Phương Anh (28 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) tá hỏa khi cân nặng đã tăng hơn 3kg.

Chị Phương Anh thở dài: “Mặc dù kỳ nghỉ Tết chỉ kéo dài 7 ngày, nhưng thực tế việc “ăn Tết” đã diễn ra từ đầu tháng Chạp. Do tiệc tùng triền miên khiến cân nặng của tôi tăng mất kiểm soát. Để nhanh chóng lấy lại vóc dáng, từ mùng 4 Tết, tôi đã thực hiện chế độ ăn cắt giảm hết tinh bột, đường, chất béo và chỉ ăn rau xanh, dưa chuột, uống nước lọc”.

Empty

Việc tiêu thụ quá nhiều thức ăn trong Tết khiến không ít người bỗng dưng tăng cân (Ảnh minh họa)

Tương tự, chị Hồng (33 tuổi, Hà Nội) cũng rơi vào tình trạng cân nặng mất kiểm soát do Tết ăn uống quá đà.

"Tôi vốn dĩ là người dễ hấp thu đồ ăn, Tết lại ăn nhiều bánh chưng và đồ ngọt nên cân nặng tăng lên 2kg", chị Hồng nói.

Hốt hoảng vì cân nặng tăng, vòng hai bắt đầu xuất hiện mỡ thừa, chị Hồng bắt đầu tìm các cách "ép cân".

Sau khi tìm hiểu hàng loạt cách giảm cân, chị quyết định chỉ ăn rau và uống giấm chua. Thế nhưng sau 3 ngày áp dụng, cân nặng chưa kịp giảm, cơn đau dạ dày bắt đầu hành hạ khiến chị phải đến gặp bác sĩ.

Theo PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn - chủ nhiệm khoa phẫu thuật ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, rất nhiều chị em khi nhận thấy mình tăng cân liền nghĩ ngay đến việc "ép" cân, tìm mọi cách để có thể giảm cân nhanh chóng.

Thậm chí, thực hiện những phương pháp giảm cân thiếu khoa học như nhịn ăn, uống giấm chua, uống cà phê pha chanh, chỉ ăn rau... Nhiều người chẳng những không giảm được cân mà còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Bác sĩ Tuấn chỉ rõ nguyên tắc của giảm cân là giảm năng lượng dung nạp đầu vào và tăng cường vận động để loại bỏ mỡ thừa trong cơ thể. Bên cạnh đó, cần tuân thủ chế độ ăn phù hợp, có lộ trình giảm cân khoa học.

"Để đảm bảo việc giảm cân không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, cân nặng sau giảm ổn định lâu dài, chị em chỉ nên giảm dưới 1kg/tuần. Quá trình giảm cân đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, cần lên kế hoạch cho việc giảm cân từ việc kiểm soát ăn uống cho đến tập luyện", bác sĩ Tuấn cho hay.

Empty

Cần kiểm soát lượng thức ăn đưa vào cơ thể (Ảnh minh họa)

Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng quốc gia chia sẻ, để giảm cân an toàn, chị em không nên bỏ bữa, mà cần ăn đầy đủ nhóm dinh dưỡng.

Tuy nhiên, cần kiểm soát lượng thức ăn đưa vào cơ thể, chỉ ăn lượng thức ăn vừa đủ.

"Nhiều chị em nghĩ rằng việc cắt tinh bột, bỏ bữa... sẽ giúp giảm cân vì năng lượng đưa vào cơ thể ít hơn. Tuy nhiên, thực tế phương pháp giảm cân này sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi bỏ bữa sẽ khiến cơ thể mất sức, đặc biệt là bữa sáng.

Sau một đêm dài nghỉ ngơi, sáng dậy cơ thể cần nạp năng lượng cho một ngày mới. Việc nhịn bữa sáng sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, gây đói, dẫn đến bữa trưa có thể ăn nhiều hơn.

Vì vậy, thay vì cắt tinh bột hay bỏ bữa thì chị em chỉ nên giảm khẩu phần ăn và ăn các nhóm thực phẩm lành mạnh. Hạn chế những thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, thức uống có đường, đồ chiên xào…

Nên ăn nhiều rau xanh để bổ sung chất xơ. Việc ăn chậm và nhai thức ăn kỹ hơn cũng giúp dạ dày có đủ thời gian để báo hiệu cho não bộ cảm thấy no", bác sĩ Hưng cho hay.

Bên cạnh việc ăn uống lành mạnh để giảm cân, các chuyên gia khuyến cáo cần ngủ đủ giấc, không nên thức khuya.

Đặc biệt, cần phải duy trì tập luyện thể dục thể thao. Có thể lựa chọn một môn thể thao phù hợp với bản thân, có thể đơn giản nhất như đi bộ, chạy bộ. Đồng thời cố gắng vận động ở mọi lúc mọi nơi khi có cơ hội cũng sẽ giúp tiêu hao năng lượng.

Cùng chuyên mục