Nhân viên GenZ xóa dữ liệu khi nghỉ việc và lổ hỗng lớn trong quản trị doanh nghiệp
Vừa qua, hai nữ nhân viên GenZ tại TP.HCM xóa dữ liệu khi nghỉ việc đã tạo ra những phản ứng trái chiều từ dư luận xã hội. Chưa vội nói về việc ai đúng ai sai, nhìn về góc độ quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ, sẽ thấy một lổ hỗng rất lớn trong công tác xây dựng hệ thống quản trị. Đặc biệt với những doanh nghiệp thuần công nghệ.
Để tìm hiểu thêm về góc nhìn quản trị doanh nghiệp, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Nguyễn Phạm Hữu Hậu – Chuyên gia tái cấu trúc doanh nghiệp, Phó chủ tịch Hanita Master về vấn đề trên.
Nghỉ việc không bàn giao: không chỉ có GenZ
Thưa ông, vụ việc hai nữ nhân viên GenZ nghỉ việc nhưng xóa dữ liệu của doanh nghiệp và chậm trễ bàn giao, được cho là sai và vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
Trước tiên, khoan hãy nói đến chuyện “đúng hay sai” trong trường hợp này vì chúng ta cần lắng nghe thông tin hai chiều. Còn việc xóa dữ liệu nằm trong Google Drive cá nhân của nhân viên đó khi nhân viên nghỉ việc, cũng chưa hoàn toàn gọi là sai. Tiên trách kỹ, hậu trách nhân. Doanh nghiệp cũng nên nhìn lại về hệ thống quản trị của mình một lần nữa. Xác định rõ, tài sản nào là của doanh nghiệp và tài sản nào là của cá nhân. Nếu đã là tài sản doanh nghiệp thì khi nhân viên nghỉ việc bắt buộc phải bàn giao và chỉ định chi tiết ai là người nhận bàn giao trong thời gian xác định. Về việc nhân viên xóa dữ liệu doanh nghiệp khi chưa ký biên bản bàn giao là vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp. Cần chấn chỉnh thái độ làm việc của hai nhân viên GenZ đã nêu.
Trước đây, ông đã từng gặp trường hợp nào như thế chưa?
Có chứ. Nhưng không nhiều lắm. Thời buổi nào cũng có những trường hợp như thế. Họ bức xúc hay bất mãn với doanh nghiệp thì nguy cơ phá hoại doanh nghiệp khi nghỉ việc là có thật. Văn hóa sa thải nhân sự là một trong bốn trụ cột của văn hóa doanh nghiệp. Theo tôi, văn hóa sa thải nhân sự của doanh nghiệp trong vụ “tố” hai nữ nhân viên trên cần phải xem lại đã chuẩn mực chưa. Mặt khác, nên nhớ rằng tính cách thế hệ GenZ khá “bốc đồng” và “cái tôi” cao hơn những thế hệ khác. Thay vì “kỳ thị” họ thì hãy quan tâm họ nhiều hơn, vì họ cần được dẫn dắt và định hướng nghề nghiệp rõ ràng.
Ông có nhắc đến bốn trụ cột của văn hóa doanh nghiệp, ông có thể nói rõ hơn?
Văn hóa doanh nghiệp được cấu thành bởi “bốn trụ cột” quan trọng: Văn hóa kinh doanh và tổ chức kinh doanh, Văn hóa tuyển dụng, Văn hóa phát triển và giữ chân nhân sự và cuối cùng là Văn hóa sa thải nhân sự. Văn hóa vốn dĩ là một khái niệm rộng lớn, không có định nghĩa cụ thể. Nó được hình thành bởi ba yếu tố quan trọng: “Chân – Thiện – Mỹ”. Khi doanh nghiệp sa thải nhân sự cần có yếu tố “mỹ học” và nhân văn để nhân sự bị sa thải còn cảm nhận được nét văn hóa “ấm áp” của doanh nghiệp.
Quản trị nhân sự: đừng chỉ nhắm vào lương
Hai nữ nhân sự nghỉ việc cho rằng doanh nghiệp giam lương khiến họ bức xúc và bất mãn với doanh nghiệp. Theo ông, doanh nghiệp giam lương của nhân viên quá 25 giờ là đúng hay sai?
Nếu hai nhân viên nêu trên có ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) với doanh nghiệp, thì việc giam lương 25 giờ gần nhất cho đến khi ký biên bản bàn giao nghỉ việc là hoàn toàn đúng. Bởi, theo khoản 1, điều 48 Bộ Luật Lao động năm 2019 quy định chi tiết về việc thanh tóan tiền lương và các khoản tiền như sau: “Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ trường hợp sau đây có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày...”.
Tuy nhiên, tôi được biết cũng có một số doanh nghiệp giam lương của nhân viên quá lâu (trên 14 ngày) mà không có lý do chính đáng. Theo luật định, khi nhân viên khởi kiện, doanh nghiệp sẽ bị phạt rất nặng.
Theo ông, doanh nghiệp có quyền giam lương, phạt tiền và trừ lương nhân viên không?
Giam lương của người lao động như đã nêu chỉ xuất hiện trong trường hợp nhân viên nghỉ việc theo điều 48 Bộ luật Lao động năm 2019, những trường hợp khác đều bị nghiêm cấm. Phạt tiền người lao động trong bất kỳ trường hợp nào đều là hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Lao động năm 2019.
Riêng đối với việc trừ lương người lao động khi và chỉ khi người lao động buộc phải bồi thường thiệt hại đã gây ra cho doanh nghiệp (được quy định cụ thể tại Khoản 3 Điều 102 và Điều 129 Bộ Luật Lao động năm 2019). Doanh nghiệp cần lưu ý rằng, lương là mồ hôi, công sức và là gánh nặng mưu sinh của người lao động. Những hành vi cắt xén, giảm lương, trừ lương, phạt tiền người lao động ngoài việc vi phạm Bộ Luật Lao động hiện hành còn là hành vi “vi phạm đạo đức nghề nghiệp” trong hoạt động sử dụng lao động.
Một trong hai nhân viên nghỉ việc đã bức xúc khi công ty đã đăng hình ảnh cá nhân lên mạng xã hội nên đã đề nghị doanh nghiệp gỡ xuống và đăng bài đính chính. Theo ông, doanh nghiệp có sai trong vấn đề này không?
Dưới góc độ quản trị truyền thông, doanh nghiệp này đã sai. Vô tình hay cố ý họ đã tạo ra cơn “khủng hoảng truyền thông” cho chính doanh nghiệp. Trước khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền thì vụ việc “đấu tố nhau” giữa doanh nghiệp và nhân viên là tranh chấp dân sự.
Việc đưa thông tin, hình ảnh của hai nhân viên bị sa thải lên mạng xã hội là sai hoàn toàn. Doanh nghiệp có thể sẽ bị khởi kiện hình sự về tội “làm nhục người khác” hay tội “vu khống” nếu nữ nhân viên nêu trên có đơn tố giác.
Xin cảm ơn ông.
- Tháp tài sản là gì? Bí quyết quản trị tài chính thành công
- Quản trị học là gì? Yếu tố nào tạo nên nhà quản trị giỏi
- ĐHCĐ ABBANK 2023: Ra mắt Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới, quyết liệt với mục tiêu tăng trưởng