Xây dựng Hòa Bình tái cấu trúc đến đâu?
Có lẽ những người sở hữu cổ phiếu của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) đang khá lo lắng. Bởi kế hoạch 20 tỉ USD doanh thu đến năm 2032 mà ban lãnh đạo công ty đặt ra đang khá xa vời với họ. Khi mà những kế hoạch tăng trưởng đột phá chưa rõ ràng thì công ty đã lỗ lớn và ngập trong nợ nần.
Bán tài sản để cầm cự và lời hứa 20 tỉ USD với cổ đông
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho biết đưa cổ phiếu HBC của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình vào diện cảnh báo từ ngày 13/7/2023, do lỗ lũy kế tại thời điểm cuối năm 2022. Thông tin này như một cú bồi vào những khó khăn chồng chất mà Xây dựng Hòa Bình đang đối mặt.
Gần nhất, tập đoàn này công bố với nhà đầu tư khoản lỗ lớn trong năm 2022 kèm lưu ý quan trọng của đơn vị kiểm toán. Theo đó, Xây dựng Hòa Bình lỗ hơn 2.500 tỉ đồng trong năm 2022, lỗ lũy kế (lỗ từ trước đến nay) là hơn 2.100 tỉ đồng.
Đáng chú ý, kiểm toán cho biết “nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn” do có nhiều khoản nợ vay đã quá hạn. Gần đây, một số ngân hàng đã đồng ý gia hạn nợ cho Hòa Bình, nhưng các khoản này không đáng kể so với tổng nợ. Bên cạnh đó, nhiều nhà cung cấp và nhà thầu phụ đã đồng ý cấn trừ nợ bằng cổ phiếu của Hòa Bình (HBC), tổng giá trị khoảng 1.000 tỉ đồng. Như vậy vẫn chưa thể nói là hết khó.
Hãy xem kĩ nợ của Hòa Bình. Đến cuối năm 2022, Hòa Bình vay ngân hàng tổng cộng hơn 6.100 tỉ đồng, trong đó nợ đến hạn phải trả ngân hàng trong năm 2023 là hơn 5.100 tỉ đồng. Đến hết quý 1/2023, tập đoàn đã trả được hơn 2.000 tỉ đồng, tức gần một nửa khoản nợ ngân hàng. Dù vậy, khó khăn vẫn còn đó. Theo báo cáo tài chính quý 1/2023, tỉ lệ nợ ngắn hạn/vốn chủ sở hữu của tập đoàn này là gần 6 lần. Hơn nữa, tỉ lệ nợ phải trả/tài sản là gần 90%. Nói cách khác, đa số tài sản của Hòa Bình được hình thành từ gánh nặng nợ nần.
Trước tình cảnh khó khăn này, Hòa Bình đang xoay xở để thoát khó với kế hoạch tái cấu trúc toàn diện. Nghĩa là lời hứa với cổ đông trước đây về một quy mô mơ ước vẫn còn khá xa. Cuối năm 2020, ông Lê Viết Hải – Chủ tịch Hòa Bình đặt mục tiêu đạt 20 tỉ USD doanh thu vào năm 2028, trong dịp chuyển giao chức tổng giám đốc cho con trai Lê Viết Hiếu. Đến năm 2022, ông Hải nhắc lại mục tiêu này nhưng thời hạn là năm 2032. Dù là năm 2028 hay 2032 chăng nữa, trước tình cảnh tài chính chật vật hiện nay, cổ đông Hòa Bình có còn giữ được vẹn nguyên niềm tin vào mục tiêu lớn đó?
Để thoát khó, ngoài kế hoạch xin ngân hàng gia hạn nợ, Hòa Bình cũng thỏa thuận trả nợ cho đối tác bằng cổ phiếu. Tập đoàn này cũng cho biết, đã đạt được thỏa thuận bán Công ty TNHH MTV Máy xây dựng MATEC và một phần máy móc, thiết bị cho đối tác với giá 1.100 tỉ đồng. Ngoài ra, Hòa Bình cũng lên kế hoạch phát hành cổ phiếu mới để huy động thêm vốn. Đáng chú ý là tham gia vào liên minh các công ty xây dựng lớn để mong được tham gia xây dựng sân bay Long Thành. Các nỗ lực này có giúp Hòa Bình trở mình?
Tái cấu trúc đến đâu?
Nhận xét về kế hoạch tái cấu trúc của Hòa Bình, chuyên gia tài chính - Tiến sĩ Đinh Thế Hiển cho rằng, khó khăn đang hiện hữu tại Hòa Bình nằm ở vấn đề nhận diện, nếu nhận diện chưa đúng sẽ khó xử lý đúng. “Hòa Bình không chỉ đang gặp khó khăn mà là rất khó khăn. Trước khi tái cấu trúc, Hòa Bình cần tìm cách giải cứu doanh nghiệp. Để làm điều đó, tập đoàn này cần một nguồn vốn mới hoặc cổ đông chiến lược mới có uy tín đủ lớn”, ông Hiển nhìn nhận.
Theo đó, kế hoạch tái cấu trúc của Hòa Bình khó thành công nếu không có nguồn lực bên ngoài giúp sức. Nhận xét này cũng không phải không có lý. Ông Lê Viết Hải nắm quyền tối thượng tại Hòa Bình suốt 33 năm kể từ khi thành lập năm 1987. Đến khi chuyển giao quyền tổng giám đốc, ông Hải cũng trao cho con trai của ông là Lê Viết Hiếu.
Sự chi phối quyền lực này có vẻ vẫn còn kéo dài cho đến nay, dù tổng giám đốc hiện tại là nhân viên cũ của Hòa Bình. Nếu không, khoản lỗ lớn năm 2022 và tình trạng chật vật về tài chính đang diễn ra sẽ thuộc trách nhiệm của ai? Thực tế là sau những thiếu sót đó, không một ai trong số những người lãnh đạo tập đoàn bị trừng phạt, gồm cả ông Lê Viết Hải. Tại đại hội cổ đông năm 2023, ông Hải nhận hết trách nhiệm về mình rồi… tiếp tục đặt ra những kế hoạch đáng mơ ước khác. “Tại các nước phát triển trên thế giới, khi gặp khó khăn lớn, doanh nghiệp sẽ thay người lãnh đạo cao nhất. Tại Hòa Bình, doanh nghiệp vẫn chưa tái cấu trúc ban lãnh đạo”, ông Hiển nói.
Đứng ở góc độ khác, sẽ vẫn có nhà đầu tư cho rằng ông Hải là người sáng lập Hòa Bình và từng mang về thành quả hào hùng cho tập đoàn, khó khăn là do thị trường chung. Đánh giá về quan điểm này, ông Hiển cho rằng điều đó có thể đúng với các công ty gia đình. “Trên thế giới, doanh nghiệp cổ phần sẽ thay đổi nền tảng quản trị trước tiên”, Tiến sĩ Hiển lý giải.
Vừa qua, Hòa Bình cho biết đã có nhà đầu tư Australia sẵn sàng chi 60-100 triệu USD để mua cổ phiếu HBC. Nếu thỏa thuận thành công, Hòa Bình sẽ có nguồn vốn mới đáng kể giúp tập đoàn hồi sinh. Bên cạnh đó, cổ đông vẫn đang hi vọng tập đoàn này sẽ trúng thầu gói thầu 5.10 sân bay Long Thành. Đây là gói thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách, thuộc Dự án thành phần 3 Cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1) với quy mô lên đến 35.000 tỷ đồng.
Nguồn thu chính của Hòa Bình nhiều năm nay đến từ mảng xây dựng dân dụng và khu công nghiệp. Dù Hòa Bình công bố đã từng tham gia một số dự án đầu tư công (Dự án mở rộng Nhà ga quốc tế T2-Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nhà ga hành khách - Cảng Hàng không Quốc tế Phú Quốc…) nhưng khả năng trúng thầu hay không vẫn là một ẩn số. Bởi xây dựng đầu tư công chưa phải là năng lực nổi trội của Hòa Bình, trong khi đối thủ của Hòa Bình là những doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm và quy mô quốc tế. Vì vậy, cổ đông Hòa Bình sẽ buộc phải hi vọng tiếp.