Gọi vốn bằng trái phiếu doanh nghiệp cuối năm 2023 dễ hay khó?
Nhiều doanh nghiệp công bố muốn huy động tiền của nhà đầu tư qua kênh trái phiếu doanh nghiệp trong giai đoạn nửa cuối năm 2023. Nhưng trước tình trạng “vỡ nợ trái phiếu” tràn lan, các doanh nghiệp này liệu có chiếm được lòng tin của nhà đầu tư và gọi vốn thành công?
Nửa đầu năm 2023: Doanh nghiệp bất động sản thu tiền từ trái phiếu nhiều nhất
Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, trong tháng 6/2023, có 13 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị hơn 8.000 tỉ đồng. Đáng chú ý là không có đợt phát hành ra công chúng nào được ghi nhận.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là gần 43.000 tỉ đồng, chỉ có 7 đợt phát hành ra công chúng trị giá hơn 5.500 tỷ đồng (chiếm 13% tổng giá trị phát hành). Trong đó, ngành bất động sản phát hành nhiều nhất với hơn 23.000 tỉ đồng (chiếm 55%), theo sau là nhóm hàng tiêu dùng (gần 11.000 tỉ đồng, chiếm 25%).
Tình trạng vỡ nợ trái phiếu tràn lan cộng với động thái kiểm soát mạnh tay hoạt động trên thị trường trái phiếu của cơ quan quản lý, đã khiến doanh nghiệp ồ ạt mua lại trước hạn trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành. Trong tháng 6/2023, các doanh nghiệp đã mua lại trước hạn gần 32.000 tỉ đồng trái phiếu, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2022. VBMA ước tính, trong 6 tháng cuối năm 2023, có khoảng gần 159.000 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn.
Dù thị trường trái phiếu nửa đầu năm 2023 được đánh giá là khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn phát hành thành công. Điển hình như Công ty TNHH Phát triển Kinh doanh Xây dựng 3, phát hành thành công 2.250 tỉ đồng – lớn nhất trong tháng 6/2023. Công ty này có trụ sở tại Hà Nội, thành lập từ năm 2019, chuyên kinh doanh bất động sản. Vốn điều lệ ban đầu là 2 tỉ đồng nhưng được tăng lên 252 tỉ đồng (gấp 126 lần) vào ngày 25/5/2023. Đến ngày 20/6/2023 thì công ty phát hành lô trái phiếu trên.
Công ty có giá trị phát hành lớn thứ hai là Vinam Land (1.500 tỉ đồng). Vinam Land tiền thân là Công ty Cổ phần Đầu tư Tài nguyên và Năng lượng Việt Nam, được thành lập ngày 14/2/2007. Tháng 12/2009, công ty đổi tên thành Công ty Cổ phần Vinam. Tháng 4/2023, công ty chuyển trụ sở đến tỉnh Phú Yên, đổi tên thành Công ty Cổ phần Vinam Land, chuyển hoạt động kinh doanh chính sang bất động sản, nâng vốn điều lệ lên 490 tỷ đồng.
Ẩn số TPDN cuối năm 2023
Đánh giá về tiềm năng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong giai đoạn nửa cuối năm 2023, chuyên gia tài chính - Tiến sĩ Đinh Thế Hiển cho rằng, điều đó vẫn còn là dấu hỏi.
Theo ông Hiển, trái phiếu doanh nghiệp hiện là kênh huy động vốn chính. trái phiếu doanh nghiệp có nhiều ưu điểm hơn so với vốn vay ngân hàng. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn không cần tài sản thế chấp như vay ngân hàng, nợ trả cuối kỳ chứ không theo giai đoạn hàng năm, doanh nghiệp chủ động sử dụng toàn bộ tiền huy động chứ không theo tiến độ giải ngân của ngân hàng. Dù lãi suất có cao hơn, nhưng TPDN là nguồn vốn trung và dài hạn hiệu quả hơn vốn vay từ ngân hàng.
Từ đó, nhà đầu tư nên nhận diện được rằng, không phải khoản trái phiếu nào cũng là trái phiếu doanh nghiệp . Có nhiều khoản trái phiếu phải gọi đúng là trái phiếu bất động sản, bản chất chỉ là các khoản vay ngân hàng. “trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn thay thế ngân hàng vì có nhiều ưu điểm hơn. Đừng cho rằng vay ngân hàng không được thì phát hành trái phiếu doanh nghiệp hoặc là doanh nghiệp không đủ chuẩn vay ngân hàng mới phát hành trái phiếu doanh nghiệp , sẽ chuyển rủi ro đó cho nhà đầu tư”, ông Hiển đánh giá.
Trong nửa cuối năm 2023, dễ thấy rằng, nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ ưu tiên gửi tiền ngân hàng hơn là mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành qua kênh đại chúng. Bởi lẽ, họ muốn rút tiền ra được khi cần, do đó, trái phiếu doanh nghiệp sẽ khó thu hút được nhà đầu tư mới. Nói cách khác, doanh nghiệp có đủ tài sản thế chấp vẫn có thể tiếp cận tốt vốn vay ngân hàng trong nửa cuối năm 2023. Đối với sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ hoạt động từ tháng 7/2023, theo ông Hiển, có thể thu hút được nhiều nhà đầu tư cổ phiếu tham gia, khi họ thấy được sự hấp dẫn của kiểu đầu tư lướt sóng.
Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho biết, doanh nghiệp khó phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nửa cuối năm 2023 do niềm tin nhà đầu tư nhỏ lẻ chưa được củng cố.
Theo ông Hiếu, thị trường vẫn xuất hiện một số đợt phát hành thành công, nhưng đó là trái phiếu riêng lẻ, nghĩa là doanh nghiệp phát hành một lần cho các tổ chức đầu tư – những người mà doanh nghiệp quen biết trước. Đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành rộng rãi ra công chúng mà ai cũng mua được, nhà đầu tư vẫn đang e dè.
Nguyên nhân là có khá nhiều doanh nghiệp trả không đúng hạn hoặc không trả được nợ như đã hứa. Chừng nào tình trạng “vỡ nợ trái phiếu” không còn, nhà đầu tư được nhận đủ tiền mua trái phiếu và lãi suất kèm theo, thì họ mới cân nhắc mua tiếp trái phiếu phát hành mới.
Bên cạnh đó, khi nào các khoản trái phiếu phát hành được các đơn vị trung gian đánh giá kĩ lưỡng, giúp nhà đầu tư nhận diện rõ rủi ro, thì họ mới mạnh dạn lựa chọn khoản trái phiếu yêu thích để mua tiếp. Hiện nay, hầu hết các khoản trái phiếu phát hành đều chưa được xếp hạng tín nhiệm bởi bên thứ ba, độ minh bạch thông tin còn khá thấp. Một số doanh nghiệp dù có thuê xếp hạng tín nhiệm nhưng không công bố kèm với thông tin phát hành trái phiếu, do sức khỏe tài chính quá kém. Nhà đầu tư nhỏ lẻ thiếu thông tin nên phải ngậm trái đắng.
Theo quy định, trái phiếu chào bán rộng rãi ra công chúng phải thực hiện xếp hạng tín nhiệm với một số trường hợp (giá trị phát hành lớn hơn 500 tỷ đồng/năm và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu hoặc tổng dư nợ trái phiếu lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu). Đối với trái phiếu riêng lẻ, quy định xếp hạng tín nhiệm dời sang đầu năm 2024 mới thực hiện. Do đó, ông Hiếu cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể hồi sinh trở lại từ năm 2024 trở đi.