Thứ hai, 01/05/2023, 07:26 (GMT+7)

Giao dịch lớn bất động sản, chuyển khoản... từ 400 triệu phải báo cáo NHNN

PV (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Tiếp thị Gia đình – Các giao dịch lớn liên quan đến bất động sản, cho vay, chuyển khoản từ 400 triệu... sẽ phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký ban hành Quyết định 11/2023/QĐ-TTg quy định mức giao dịch lớn phải báo cáo, áp dụng với một số đối tượng, ngành nghề nhất định. Quyết định này quy định mức giao dịch lớn phải báo cáo NHNN Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Phòng, chống rửa tiền.

Cụ thể, từ 1/12/2023, mức giao dịch lớn phải báo cáo là từ 400 triệu đồng trở lên. Hiện nay, Quyết định 20/2013/QĐ-TTg quy định mức giá trị của giao dịch lớn phải báo cáo là 300 triệu đồng. Đối tượng áp dụng là tổ chức tài chính; tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền

tien
Ảnh minh họa

Được biết, theo khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền, đối tượng báo cáo là tổ chức tài chính được cấp giấy phép thực hiện một hoặc một số hoạt động sau đây: Nhận tiền gửi; cho vay; cho thuê tài chính; dịch vụ thanh toán; dịch vụ trung gian thanh toán; phát hành công cụ chuyển nhượng, thẻ ngân hàng, lệnh chuyển tiền; bảo lãnh ngân hàng, cam kết tài chính; cung ứng dịch vụ ngoại hối, các công cụ tiền tệ trên thị trường tiền tệ; môi giới chứng khoán; tư vấn đầu tư chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán; quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; quản lý danh mục đầu tư chứng khoán; kinh doanh bảo hiểm nhân thọ; đổi tiền.

Đối tượng báo cáo là tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan theo quy định của pháp luật thực hiện một hoặc một số hoạt động sau đây: Kinh doanh trò chơi có thưởng, bao gồm: trò chơi điện tử có thưởng; trò chơi trên mạng viễn thông, mạng Internet; casino; xổ số; đặt cược.

Kinh doanh bất động sản, trừ hoạt động cho thuê, cho thuê lại bất động sản và dịch vụ tư vấn bất động sản; kinh doanh kim khí quý, đá quý. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ kế toán; cung cấp dịch vụ công chứng; cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư; Cung cấp dịch vụ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp; cung cấp dịch vụ giám đốc, thư ký công ty cho bên thứ ba; cung cấp dịch vụ thỏa thuận pháp lý cũng nằm trong đối tượng phải báo cáo.

Mới đây, ngày 28/4, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 19/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của luật Phòng, chống rửa tiền. Nghị định quy định cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu, báo cáo lưu trữ tại tổ chức, cá nhân và thông tin, hồ sơ, tài liệu tổ chức, cá nhân tiếp nhận, thu thập được trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để phục vụ công tác phân tích, trao đổi, cung cấp và chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền.

Cùng chuyên mục