Tháp tài sản là gì? Bí quyết quản trị tài chính thành công
Tháp tài sản là mô hình phân bổ khối tài sản theo nhiều lớp khác nhau nhằm tạo lập khối tài sản bền vững. Việc hiểu về mô hình này sẽ giúp bạn xây dựng kế hoạch chi tiêu hợp lý, phân bổ tài sản và đầu tư hiệu quả hơn.
Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ về tháp tài sản, vai trò, đặc điểm cũng như cách ứng dụng để tiến gần hơn tới mục tiêu tài chính.
Tháp tài sản là gì?
Tháp tài sản có thể được hình dung như một tòa nhà có nhiều tầng với kết cấu giống kim tự tháp thời Ai Cập cổ đại. Mỗi tầng tương ứng với một loại tài sản khác nhau và được sắp xếp theo mức độ ưu tiên, đảm nhận các vai trò khác nhau để nâng đỡ nhau. Tầng dưới cùng lớn nhất có nhiệm vụ làm nền móng vững chắc cho các tầng phía trên.
Tháp tài sản có ý nghĩa quan trọng trong việc phân bổ số tiền sao cho hợp lý. Nếu trước đây bạn kiếm ra tiền nhưng không biết sắp xếp các khoản chi tiêu, đầu tư, tiết kiệm thì việc xây dựng tháp tài sản sẽ giúp bạn biết cách phân bổ thu nhập đúng nơi, đúng chỗ, đúng mục đích. Từ đó xây dựng được một nền móng tài chính vững vàng cho tương lai.
Vai trò và đặc điểm của tháp tài sản
Tháp tài sản có một số đặc điểm và vai trò như sau:
-
Cơ cấu phân tầng: Tháp tài sản có các tầng với độ rộng khác nhau tương ứng với mức độ ưu tiên khác nhau và giảm dần theo chiều từ dưới lên trên.
-
Các tầng có mối liên hệ mật thiết và tác động qua lại lẫn nhau: Mỗi tầng trong tháp tài sản đều đảm nhận những vai trò khác nhau giúp hỗ trợ và nâng đỡ nhau để tạo sự vững vàng.
-
Tính rõ ràng: Nhìn vào từng tầng trong tháp tài sản, bạn sẽ dễ dàng xác định được lộ trình cần thực hiện, từ đó đảm bảo khối tài sản tăng trưởng đúng mục tiêu. Nếu như áp dụng các nguyên tắc trong quản lý tài chính cá nhân chỉ giúp bạn phân bổ được tiền cho các khoản chi, thì tháp tài sản sẽ giúp bạn biết cách phân bổ thu nhập của mình đúng nơi, đúng chỗ.
-
Tính thực tiễn: Các tầng trong tháp tài sản đều cần thiết để đáp ứng đầy đủ nhu cầu của mỗi cá nhân nhằm giúp họ gia tăng tài sản và đạt được các mục tiêu tài chính, hướng đến tự do tài chính trong quản lý tài chính cá nhân.
Việc xây dựng tháp tài sản giúp bạn quản lý tài chính cá nhân hiệu quả hơn. Bạn có thể tự lập ra các kế hoạch tài chính ổn định không chỉ cho tương lai mà cho cả hiện tại. Khi hiểu rõ hơn về tháp tài sản, bạn sẽ có ý thức rõ ràng hơn là cần phải làm gì trên con đường dẫn tới thành công, không vội vàng tích lũy tài sản mà có kế hoạch cũng như lộ trình thực hiện phù hợp và đúng đắn hơn.
Ưu và nhược điểm khi áp dụng tháp tài sản
Ưu điểm
-
Có được góc nhìn rõ ràng và tổng thể: Việc phân tầng trong tháp tài sản cá nhân giúp bạn quản lý tài sản tốt hơn, hiểu được khối tài sản có thể được chia nhỏ thành những phần nào, từ đó có thể xây dựng lộ trình phát triển tài chính vững vàng. Bên cạnh đó, tháp tài sản giúp bạn biết cách phân bổ nguồn lực tài chính một cách hợp lý đối với từng hoàn cảnh. Giúp bạn hiểu được nên ưu tiên mục tiêu nào trước, mục tiêu nào sau.
-
Giảm thiểu rủi ro: Tầng đặt nền móng và là tầng vững chắc nhất trong tháp tài sản là tầng bảo vệ. Áp dụng tháp tài sản trong quản lý tài chính cá nhân giúp bạn sẽ có một nền tảng tài chính vô cùng vững chắc. Nó giúp đảm bảo cuộc sống của bạn và tầng mạo hiểm trên cùng nhỏ nhất giúp bạn giảm thiểu tối đa rủi ro rủi ro trong lĩnh vực đầu tư.
-
Quản lý linh hoạt: Tháp tài sản cung cấp khả năng điều chỉnh và tái cân nhắc đầu tư vào các tầng khác nhau. Điều này giúp đáp ứng được các thay đổi trong môi trường có nhiều biến động như hiện nay. Ngoài ra, nó còn đáp ứng được sự thay đổi theo nhu cầu và khả năng của mỗi người.
-
Tiết kiệm thời gian: Khi áp dụng tháp tài sản trong quản lý tài chính cá nhân, bạn sẽ không bị mất quá nhiều thời gian để ra quyết định xem nên hay không nên bỏ tiền ra mua tài sản mới bởi khi nhìn tổng quan tháp tài sản hiện có, bạn đã có câu trả lời cho câu hỏi có nên mua hay không. Nhờ đó, bạn cũng có thể tiết kiệm được khá nhiều thời gian và dùng nó cho việc phát triển bản thân hoặc chăm lo cho đời sống tinh thần của mình phong phú hơn mà vẫn đạt được mục tiêu tài chính nếu tiếp tục đi theo lộ trình đã vạch sẵn trước đó.
Mặc dù có nhiều ưu điểm, nhưng áp dụng tháp tài sản trong quản lý tài chính cá nhân cũng có một số hạn chế sau:
-
Hạn mức các tầng chưa rõ ràng: Đây là một trong những hạn chế dễ nhận thấy khi áp dụng tháp tài sản vào quản lý tài chính cá nhân. Tháp tài sản chỉ cho bạn biết thứ tự ưu tiên thông qua các tầng cũng như độ rộng hẹp của nó mà không có con số cụ thể. Điều này khó trong việc phân bổ. Bạn sẽ không biết khi nào thì các tầng ở lớp cơ sở (dưới cùng) là ổn định để từ đó phát triển tiếp lên các tầng phía trên.
-
Mối quan hệ phức tạp, chồng chéo: Vì các tầng có tác động qua lại lẫn nhau, tầng trước nâng đỡ cho tầng sau nên khi áp dụng tháp tài sản, bạn rất khó để có thể điều chỉnh một tầng duy nhất mà phải điều chỉnh đồng thời và điều này có thể khiến bạn gặp nhiều khó khăn trong việc phân bổ tài sản vào các tầng đang có. Do đó, quá trình điều chỉnh này có thể sẽ gặp một số sai sót vì thiếu cơ sở đảm bảo, dẫn đến việc làm cho tháp tài sản cá nhân có thể yếu đi, không đảm bảo tính bền vững.
-
Cấu trúc phức tạp: So với các nguyên tắc quản lý tài chính cá nhân như 70/10/10/10, 50/30/20, 6 chiếc lọ hoặc phương pháp đơn giản khác, các tầng của tháp tài sản cá nhân khá phức tạp khiến cho việc phân bổ để xây dựng một tháp tài sản phù hợp cũng như đảm bảo được tính vững vàng sẽ gặp phải những khó khăn nhất định.
-
Đòi hỏi kiến thức về đầu tư cao và có thể phát sinh chi phí chìm hoặc chi phí cơ hội: Tháp tài sản được xây dựng theo các tầng nhằm phân bổ tài sản và đa dạng hóa đầu tư để giảm thiểu rủi ro. Theo đó, để áp dụng được tháp tài sản, bạn cần am hiểu về một số lĩnh vực đầu tư và điều này đòi hỏi nhiều kiến thức giúp cho việc đầu tư được hiệu quả.
Ngoài ra, việc đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau thường phát sinh những chi phí nhỏ như chi phí giao dịch mà đôi khi bạn thường hay bỏ qua, hoặc việc phải dành quá nhiều thời gian để học tập nâng cao kiến thức về một số lĩnh vực đầu tư sẽ chiếm nhiều thời gian khiến bạn có thể bỏ qua một vài cơ hội đầu tư ở hiện tại.
Tất cả chúng đều có thể đo lường bằng tiền bạc. Những chi phí này, với các bạn không làm trong lĩnh vực tài chính thì rất khó để nhận biết và phát hiện bởi nó không thể nhận biết thông qua mắt thường được.
Với một số ưu và nhược điểm trên, hy vọng các bạn có thể áp dụng tháp tài sản cho phù hợp với tình hình tài chính cá nhân ở hiện tại cũng như giúp bạn đạt được các mục tiêu tài chính đã đề ra.
Nguyên tắc xây dựng tháp tài sản
Tháp tài sản trong quản lý tài chính cá nhân thường được xây dựng dựa trên 2 nguyên tắc chính như sau:
-
Xây từ dưới lên: Tầng dưới cùng của tháp tài sản được ví như nền móng của một ngôi nhà. Nền móng càng vững chắc thì tháp càng kiên cố. Do đó, nguyên tắc đầu tiên khi xây dựng tháp tài sản bạn cần tuân thủ nguyên tắc xây từ dưới lên.
-
Độ hẹp giảm dần: Nguyên tắc quan trọng thứ hai khi xây dựng tháp tài sản là nguyên tắc độ hẹp giảm dần. Càng lên càng thì diện tích của tầng càng được thu hẹp để đảm bảo giảm thiểu tối đa rủi ro trong quản lý tài chính cá nhân. Ngoài ra, khi các tầng trên nhẹ hơn sẽ giảm trọng tải và áp lực cho các tầng dưới. Đó là lý do vì sao mặc dù tầng dưới rộng nhưng sẽ kiên cố hơn so với việc xây các tầng bằng nhau. Độ hẹp ở đây sẽ được giảm một cách uyển chuyển vì thế tháp tài sản mới vững chãi như kim tự tháp thời Ai Cập cổ đại.
Ngoài ra, còn có những nguyên tắc khác, tuy nhiên hai nguyên tắc trên là hai nguyên tắc quan trọng nhất trong việc xây dựng tháp tài sản.
Cách xây dựng tháp tài sản hiệu quả
Tháp tài sản có năm tầng và được xây dựng từ dưới lên trên theo trình tự từng tầng như sau:
Lớp tài sản vô hình
Đây là lớp tài sản nằm dưới cùng của tháp và được tích lũy sớm nhất nhằm tạo nền móng cho các tầng phía trên. Vì là tài sản vô hình nên rất khó nhìn thấy, tuy nhiên nó lại đóng vai trò quan trọng nhất và là tiền đề để tạo các lớp tài sản phía trên.
Lớp tài sản vô hình bao gồm: Kiến thức, kinh nghiệm, các kỹ năng và mối quan hệ của bản thân. Nếu bạn càng có nhiều trải nghiệm và chịu khó trau dồi học hỏi kinh nghiệm của bản thân, của người khác cũng như học hỏi liên tục, không ngừng thì bạn càng tạo ra nhiều tài sản này.
Mặc dù là tầng dưới cùng và quan trọng nhất, là tầng đầu tiên trong tháp tài sản, tuy nhiên lớp tài sản này bạn lại không thể cân đo đong đếm được. Bạn chỉ có thể ước lượng được chúng ở mức tương đối mà thôi.
Lớp tài sản bảo vệ
Tài sản bảo vệ bao gồm: Tiền (tiền mặt, tiền tiết kiệm, tiền gửi ngân hàng), vàng, trái phiếu, bảo hiểm... Lớp tài sản này có nhiệm vụ giúp bạn an tâm và vững vàng hơn trong cuộc sống, đảm bảo cho bạn về cả mặt vật chất lẫn mặt tinh thần.
Tài sản trong lớp bảo vệ chủ yếu được dùng cho mục đích dự phòng khi ốm đau, bệnh tật hoặc xảy ra tai nạn, biến cố bất ngờ. Khi đó, tài sản trong lớp này sẽ giúp bạn dễ dàng vượt qua được những khó khăn và biến cố trong đời.
Lớp tài sản tạo thu nhập
Lớp tài sản này có đặc điểm nhỏ hơn hai lớp trên nhưng lại ở vị trí cao hơn. Tài sản trong lớp này là những loại tài sản trực tiếp tạo ra thu nhập cho bạn. Tài sản trong lớp này có thể liệt kê như tiền lương, tiền thu được từ công việc kinh doanh hoặc tiền thu từ gửi tiết kiệm, cổ tức bạn nhận được khi doanh nghiệp trả cho cổ đông mà bạn đầu tư vào...
Khuyến khích bạn nên có nhiều hơn một nguồn thu nhập chính từ tiền lương tiền công. Bạn có thể làm thêm một công việc khác, hoặc đầu tư vào công việc kinh doanh sinh lợi nhuận. Bạn nên có nguồn thu nhập động ở tầng này sẽ giúp bạn đến gần hơn với mục tiêu tài chính của mình.
Lớp tài sản tăng trưởng
Khi đạt đến một ngưỡng an toàn nhất định, bạn hoàn toàn có thể bồi thêm một lớp tài sản cao hơn và lớp tài sản này sẽ đưa lại cho bạn nguồn thu nhập tốt hơn đồng thời đi kèm với đó là rủi ro cao hơn. Ở lớp tài sản này bạn có thể lựa chọn vào các hình thức đầu tư như cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản...
Có một lưu ý trước khi đầu tư vào lớp tài sản tăng trưởng, bạn cần trang bị cho mình những kiến thức nền tảng trước khi xây dựng lớp này để giảm thiểu rủi ro và xây dựng được lớp tài sản tăng trưởng vững mạnh hơn.
Lưu ý thứ hai, bạn luôn nhớ rằng, lợi nhuận luôn đi kèm với rủi ro. Lợi nhuận càng cao, rủi ro càng lớn. Ngoài kiến thức đầu tư ra, bạn cũng cần chuẩn bị tâm lý và những kỹ năng ứng biến khi gặp tình huống xấu xảy ra khi xây dựng lớp tài sản này.
Lớp tài sản mạo hiểm
Lớp này nằm trên cùng của tháp tài sản và được xây dựng cuối cùng sau khi xây dựng xong các lớp ở phía dưới đủ chắc chắn và vững chãi. Điều đó nói nên rằng, khi cuộc sống của bạn còn chưa đảm bảo về tài chính thì chưa nên đầu tư mạo hiểm. Bạn chỉ nên đầu tư mạo hiểm khi bạn đã xây cho mình một nền tảng tài chính vững chắc ở các tầng dưới. Kiến thức cần có ở lớp tài sản này cũng đòi hỏi cao hơn so với các tầng phía dưới và như vậy, nó được tích lũy dần dần để bạn chuẩn bị trước khi xây dựng lớp tài sản này.
Bạn có thể nghiên cứu đầu tư vào các dự án kinh doanh mạo hiểm. Nếu dự án tăng trưởng tốt, tài sản của bạn sẽ nhân lên rất nhanh, rất nhiều lần. Ngược lại, nếu dự án thất bại, bạn sẽ mất toàn bộ số tài sản bạn đã đầu tư vào.
Luôn nhớ rằng, rủi ro càng cao, lợi nhuận càng lớn.
Nếu là người không có tính cách thích phiêu lưu, mạo hiểm thì bạn không nhất thiết phải xây tầng này bởi có thể bạn sẽ luôn phải sống trong lo sợ tài sản của mình bị mất trắng. Lớp này sẽ phù hợp hơn với những người thích phiêu lưu, mạo hiểm.
Hoặc trước khi xây dựng lớp này, bạn cần trang bị thêm cho mình những kỹ năng liên quan tâm lý ngoài kỹ năng cao hơn về đầu tư cần đòi hỏi so với lớp trước.
Kết luận
Mặc dù áp dụng tháp tài sản vào quản lý tài chính cá nhân sẽ giúp bạn quản lý tài chính cá nhân vô cùng hiệu quả. Tuy nhiên hạn chế lớn nhất ở đây chính là việc xây tháp không phải là chuyện dễ dàng đối với những người không có nhiều kinh nghiệm liên quan tài chính. Việc xây dựng theo lộ trình, nhưng phân bổ tài sản trong tháp cũng là cả vấn đề.
Một lưu ý quan trọng nữa mà có thể bạn sẽ bỏ qua đó là, khi các tầng ở phía dưới xây xong rồi không có nghĩa là bạn dừng lại không xây nữa, mà tài sản sẽ luôn luôn được phân bổ vào các tầng theo tỷ lệ sao cho luôn đảm bảo tháp tài sản có hình dáng giống kim tự tháp giúp cho tháp đảm bảo sự vững chắc.
Khi bạn có một tháp tài sản vững chắc thì bạn nhất định sẽ có tương lai vững chắc về tài chính.