Tiếp Thị Gia Đình

Thứ sáu, 14/07/2023, 13:42 (GMT+7)

Sẽ miễn, giảm và gia hạn khoảng 200.000 tỷ đồng thuế, phí trong năm 2023

Bộ Tài chính dự kiến quy mô các gói chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã và sẽ ban hành năm 2023 khoảng 200.000 tỷ đồng.

Hội nghị Sơ kết về tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính – NSNN (Ngân sách Nhà nước) 6 tháng đầu năm 2023, kế hoạch triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN 6 tháng cuối năm 2023 do Bộ Tài chính tổ chức vừa diễn ra vào ngày 13/7 tại Hà Nội. Tại Hội nghị, báo cáo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, dự kiến quy mô các gói chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã và sẽ ban hành năm 2023 khoảng 200.000 tỷ đồng. Trong đó, miễn, giảm 79.000 tỷ đồng; gia hạn 121.000 tỷ đồng. 

phi-ngan-hang
Ảnh minh họa

Kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm đã miễn, giảm, gia hạn ước tính khoảng 70.300 tỷ đồng. Cụ thể, miễn, giảm khoảng 28.300 tỷ đồng; gia hạn khoảng 42.000 tỷ đồng.

Trong 200.000 tỷ đồng thuế, phí dự kiến được miễn, giảm, gia hạn, đáng chú ý là chính sách giảm 2% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng VAT (từ 10% xuống 8%) để kích cầu tiêu dùng, áp dụng từ ngày 1/7/2023 đến 31/12/2023. Dự kiến việc giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng cuối năm 2023 sẽ làm giảm thu NSNN trong 6 tháng cuối năm 2023 khoảng 20.000 tỷ đồng và tháng 1/2024 khoảng 4.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước áp dụng từ 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023. Bộ Tài chính dự kiến chính sách sẽ làm giảm thu NSNN trong năm 2023 khoảng 8.000 - 9.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, chính sách gia hạn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023, dự kiến tác động làm giảm thu NSNN trong thời gian gia hạn khoảng 110.000 tỷ đồng. Việc gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước dự kiến tác động làm giảm thu NSNN trong thời gian gia hạn khoảng 10.400 - 11.200 tỷ đồng. 

o-to-sx-trong-nuoc
Giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước áp từ 1/7/2023

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, nhiệm vụ tài chính - NSNN được triển khai trong bối cảnh nền kinh tế vừa nỗ lực khắc phục những vấn đề hậu COVID-19, vừa phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới phát sinh từ môi trường quốc tế cũng như nội tại trong 6 tháng đầu năm. Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, rủi ro, nguy cơ bất ổn gia tăng.

Ở trong nước đã phát sinh các yếu tố tác động không thuận lợi đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN; hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn, thị trường thu hẹp, đơn hàng sụt giảm, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, chi phí vốn tăng cao, tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự kiến...

Nhờ có sự chỉ đạo sát sao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, ngay từ đầu năm, ngành tài chính đã quyết tâm, nỗ lực phấn đấu, tập trung thực hiện đầy đủ, đồng bộ các giải pháp tài chính - NSNN đã đề ra... Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tập trung triển khai công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, các đề án; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong lĩnh vực tài chính - NSNN.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được Bộ Tài chính thực hiện chủ động, cơ bản đáp ứng được yêu cầu về tiến độ, bảo đảm chất lượng, thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước... Công tác điều hành chính sách tài khóa chủ động, quyết liệt thu, chi NSNN, kịp thời ban hành và triển khai thực hiện các chính sách tài khóa, cân đối bảo đảm nguồn lực hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho biết thu NSNN trong 6 tháng đầu năm 2023, đạt 875.800 tỷ đồng, bằng 54% dự toán, giảm 7,8% so cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu ngân sách trung ương đạt 57,1% dự toán; thu ngân sách địa phương đạt 50,6% dự toán.

Theo thống kê, thu nội địa đạt 53,9% dự toán, giảm 4,7% so với cùng kỳ; thu từ dầu thô đạt 72,9% dự toán, giảm 15% so với cùng kỳ; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 52,9% dự toán, giảm 20,6% so cùng kỳ. Có 30 địa phương thu nội địa 6 tháng ước đạt trên 50% dự toán, trong đó 14 địa phương đạt trên 55% dự toán; 9 địa phương thu cao hơn cùng kỳ; 54 địa phương tiến độ thu dự toán đạt thấp hơn so cùng kỳ. Ở chiều ngược lại, chi NSNN 6 tháng đầu năm ước đạt 804.600 tỷ đồng, bằng 38,8% dự toán. Như vậy sau tháng đầu năm, NSNN bội thu hơn 71.000 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục