4 phương pháp để tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ do cúm gây ra
Cúm là bệnh đường hô hấp truyền nhiễm do virus cúm gây ra. Bệnh có thể nhẹ hoặc tiến triển nặng, đôi khi dẫn đến tử vong. Và có một số dấu hiệu cảnh báo bệnh chuyển nặng cần phải đi bệnh viện gấp.
Triệu chứng bị cúm
Cúm là bệnh đường hô hấp truyền nhiễm do virus cúm gây ra. Bệnh có thể nhẹ hoặc tiến triển nặng, đôi khi dẫn đến tử vong.
Các triệu chứng cúm thường xuất hiện đột ngột. Người bệnh thường có một số hoặc tất cả dấu hiệu và triệu chứng như sốt hoặc cảm thấy ớn lạnh, ho, đau họng, sổ mũi hay nghẹt mũi, đau cơ hoặc đau mỏi khắp cơ thể, đau đầu, mệt mỏi. Một số người có thể nôn mửa và tiêu chảy - triệu chứng này phổ biến ở trẻ em hơn so với người lớn. Không phải tất cả người bị cúm đều sốt.
Hầu hết người bệnh hồi phục trong vài ngày đến dưới hai tuần. Một số người phát triển các biến chứng, có thể đe dọa tính mạng và dẫn đến tử vong. Trong đó, nhiễm trùng xoang và tai là biến chứng ở mức độ vừa phải của cúm. Viêm phổi là biến chứng nặng, nguyên do có thể nhiễm virus cúm đơn thuần hoặc đồng nhiễm virus cúm và vi khuẩn. Các biến chứng nghiêm trọng khác gồm viêm cơ tim, viêm não hoặc các mô cơ (viêm cơ, tiêu cơ vân), suy đa tạng như suy hô hấp và suy thận.

Virus cúm có thể gây ra phản ứng viêm cực độ trong cơ thể, dẫn đến nhiễm trùng huyết - phản ứng đe dọa tính mạng của cơ thể đối với nhiễm trùng. Cúm cũng có thể khiến vấn đề sức khỏe mạn tính trở nên tồi tệ hơn như cơn hen suyễn, bệnh tim.
Ai cũng có nguy cơ mắc cúm, kể cả người khỏe mạnh. Các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến cúm có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Nhóm có nguy cơ gặp biến chứng nặng là người từ 65 tuổi trở lên, người mắc một số bệnh mạn tính như hen suyễn, tiểu đường hoặc bệnh tim, phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi.
Người mắc cúm có các dấu hiệu cảnh báo bệnh chuyển nặng
Ở trẻ em: Thở nhanh hoặc khó thở, môi hoặc mặt tím tái, xương sườn co rút với mỗi nhịp thở, đau ngực, đau cơ nghiêm trọng đến mức trẻ không chịu đi lại. Trẻ có thể mất nước, dấu hiệu là không đi tiểu trong 8 giờ, khô miệng, không có nước mắt khi khóc. Ngoài ra, trẻ không tỉnh táo hoặc không tương tác khi thức, co giật, sốt trên 40 độ C không hạ được bằng thuốc hạ sốt. Trẻ dưới 12 tuần tuổi bớt sốt bớt ho nhưng sau đó tái phát hoặc nặng hơn, bệnh mạn tính trở nên trầm trọng hơn.
Ở người lớn: Những dấu hiệu cúm nặng gồm khó thở hoặc thở ngắn, đau, tức ngực hoặc bụng dai dẳng, chóng mặt kéo dài, lú lẫn, không thể đánh thức, co giật, không đi tiểu. Đồng thời, người bệnh cũng có thể đau cơ, suy yếu nghiêm trọng hoặc cơ thể không vững. Cũng như trẻ em, người lớn bệnh nặng có thể bớt sốt hoặc ho sau đó tái phát nặng hơn, các bệnh mạn tính trở nên trầm trọng.

Nếu bị cúm, bạn cần chăm sóc bản thân. Trong hầu hết trường hợp, nên nghỉ ngơi nhiều, uống nhiều nước, chườm ấm lên các cơ bị đau, tạo thêm độ ẩm không khí, tránh tiếp xúc mọi người và thử thuốc giảm đau không kê đơn theo triệu chứng trước khi bệnh chuyển nặng.
4 phương pháp để tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ do cúm gây ra
Nếu bị cúm, bạn cần chăm sóc bản thân. Trong hầu hết trường hợp, nên nghỉ ngơi nhiều, uống nhiều nước, chườm ấm lên các cơ bị đau, tạo thêm độ ẩm không khí, tránh tiếp xúc mọi người và thử thuốc giảm đau không kê đơn theo triệu chứng trước khi bệnh chuyển nặng.

Tăng cường chức năng miễn dịch, kiểm soát viêm mạn tính, cải thiện giấc ngủ và thói quen tập thể dục, bổ sung các chất dinh dưỡng cụ thể. Chế độ ăn uống cân bằng và bổ sung probiotic giúp duy trì sức khỏe đường ruột, tăng cường chức năng miễn dịch. Nên tránh thực phẩm nhiều đường, đồ ăn chế biến sẵn, chọn nhiều cá, hạt lanh, quả óc chó, nghệ và catechin trong trà xanh để kiểm soát viêm mạn tính. Tắm nắng vừa phải hàng ngày hoặc bổ sung vitamin D có thể tăng cường hệ miễn dịch.
Khuyến cáo từ cơ quan chức năng
Ngày 7/2, Sở Y tế TPHCM đã có văn bản khẩn gửi các đơn vị liên quan về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm mùa.
Theo Bộ Y tế, hệ thống giám sát dựa vào sự kiện tại Việt Nam ghi nhận các thông tin về đợt bùng phát dịch cúm mùa tại Nhật Bản. Theo dữ liệu công bố (ngày 31/01/2025) của Viện Truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản, từ ngày 02/9/2024 - 26/01/2025 tại Nhật Bản ghi nhận khoảng 9,5 triệu trường hợp mắc cúm mùa. Trong đó, tuần cuối cùng của năm 2024 (từ 23-29/12/2024) đã ghi nhận hơn 317.000 trường hợp.
Tại Việt Nam, hiện tại, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho 8 bệnh nhân mắc cúm. Một trong số 8 bệnh nhân đang phải đặt ECMO. Tại TPHCM, theo thống kê, báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) và các bệnh viện chuyên khoa nhi, nhiễm, đến thời điểm hiện tại thành phố chưa phát hiện bất thường trong công tác tiếp nhận, điều trị bệnh nhân cúm.
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm, nhất là trong thời điểm hiện tại với thời tiết thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp lây lan, Sở Y tế TPHCM đề nghị các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố tập trung triển khai một số biện pháp phòng, chống dịch cúm, tăng cường khuyến cáo người dân đến khám, điều trị, liên hệ công tác tại các cơ sở y tế phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang trong khuôn viên cơ sở y tế. Tăng cường phòng, chống bệnh cúm gia cầm lây sang người.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM chủ trì, phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh, Trung tâm Y tế quận, huyện, Thành phố Thủ Đức giám sát các trường hợp cúm, nghi ngờ viêm phổi nặng do virus (SVP) trên địa bàn thành phố đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đồng thời, tăng cường các hoạt động thông tin, truyền thông, thông điệp để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh hiệu quả.
Các Phòng Y tế triển khai nội dung công văn này đến các phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa trên địa bàn quản lý. Cần lưu ý, đề nghị các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập trên địa bàn báo cáo các ca bệnh hoặc nghi ngờ bệnh viêm phổi do virus, cúm về trạm y tế, Trung tâm Y tế quận, huyện, Thành phố Thủ Đức để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời.
Để chủ động phòng chống cúm mùa, người dân thực hiện tốt các nội dung sau:
- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay, khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
- Đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi).
- Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
- Tiêm vaccine cúm mùa phòng bệnh; thực hiện lối sống lành mạnh; ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm; tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
Lưu ý: Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.