Tiếp Thị Gia Đình

Thứ bảy, 14/09/2024, 11:21 (GMT+7)

Giải pháp phòng ngừa bệnh Sởi cho trẻ nhỏ, thai phụ để không xảy ra biến chứng nặng

Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình dịch bệnh sởi đang diễn biến phức tạp. Các bệnh viện của TP HCM ghi nhận đã có 3 ca tử vong do mắc bệnh sởi. Đa số các trường hợp mắc bệnh đều chưa tiêm vắc xin hoặc chưa tiêm vắc xin đầy đủ.

Các chuyên gia cảnh báo năm 2024 là năm dịch sởi có nguy cơ bùng phát theo chu kỳ 4-5 năm/lần, cần tiêm bù, tiêm vét cho số trẻ chưa được tiêm vắc xin. Hai chu kỳ gần nhất là 2019 và 2014, cả nước đều ghi nhận số ca mắc sởi tăng cao, riêng năm 2014 có hơn 110 trẻ tử vong. Thai phụ mắc sởi ngoài gặp biến chứng có thể tăng nguy cơ sảy thai, sinh non.

90-100% người mắc sởi nếu chưa tiêm vắc xin hoặc chưa từng mắc bệnh

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết sởi là bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan cực nhanh, 90-100% người chưa tiêm vắc xin hoặc chưa từng mắc bệnh tiếp xúc với nguồn bệnh sẽ bị mắc. Một người nhiễm bệnh có thể lây cho 20 người khỏe mạnh. Người nhiễm virus sởi có thể lây nhiễm cho người khác thông qua giọt bắn, dịch tiết từ niêm mạc mũi họng khi ho, hắt hơi, nói chuyện. Do vậy, bệnh sởi rất dễ lây lan ở những nơi đông người như khu dân cư, khu công nghiệp, trường học, ký túc xá, bệnh viện… Các triệu chứng ban đầu của sởi giống cảm cúm thông thường như sốt, chảy nước mắt, mũi, viêm đường hô hấp, phát ban. Giai đoạn lây nhiễm bệnh thường xảy ra từ 4 ngày trước đến 4 ngày sau khi phát ban.

benh-soi
90-100% người mắc sởi nếu chưa tiêm vắc xin hoặc chưa từng mắc bệnh

Trẻ em đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi là đối tượng rất dễ bị mắc bệnh sởi do hệ miễn dịch non yếu và giảm dần kháng thể bảo vệ từ mẹ sau khi sinh ra. Việc tiêm chủng không đầy đủ có thể khiến dịch sởi bùng phát bất cứ lúc nào, tỷ lệ tiêm chủng bao phủ cần thiết để ngăn chặn sởi lây truyền trong cộng đồng là ít nhất phải đạt 95%. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và gián đoạn trong chương trình tiêm chủng mở rộng, tỷ lệ tiêm chủng sởi trong cộng đồng đang sụt giảm, số ca bệnh tích lũy qua các năm lớn sẽ là nguy cơ cho dịch bùng phát. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vào năm 2021 đã có khoảng 128.000 trường hợp tử vong được xác định nguyên nhân do sởi, hầu hết là trẻ em dưới 5 tuổi. 

Sởi nguy hiểm khi có thể gây suy giảm miễn dịch, khiến trẻ dễ bị bội nhiễm các vi khuẩn khác và gặp nhiều biến chứng như:

  • Viêm tai giữa cấp xảy ra ở 1/10 số trẻ bị nhiễm sởi.

  • Viêm phổi nặng xảy ra khoảng 1/20 số trường hợp bị mắc sởi, có thể dẫn đến tử vong. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Mỹ, cứ 20 trẻ nhiễm sởi thì một trẻ mắc viêm phổi. Biến chứng này có thể xảy ra khi đang mắc sởi hoặc sau khi khỏi khoảng một đến hai tuần, khiến nhiều bệnh nhi tái nhập viện hoặc không kịp điều trị kịp thời, tử vong sau đó. 

  • Viêm não, xảy ra ở khoảng 1/1.000 số người mắc bệnh sởi.

  • Tiêu chảy và ói mửa do sởi, thường xảy ra ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ nhũ nhi.

  • Mờ hoặc loét giác mạc có thể gây mù lòa. 

  • Suy dinh dưỡng, còi xương sau khi mắc sởi, ảnh hưởng sự phát triển toàn diện của trẻ. 

Ở thai phụ, bệnh sởi có thể gây biến chứng viêm phổi, viêm kết mạc, viêm màng não cấp tính và bùng phát lao tiềm ẩn. Nếu mắc sởi trong 3 tháng đầu thai kỳ, thai phụ có thể bị sảy thai. Nếu tuổi thai lớn, sởi có thể gây sinh non hoặc thai chết lưu.

tre-em-tiem-vac-xin-soi-t
Trẻ tiêm vắc xin tại Hệ thống tiêm chủng VNVC

Bác sĩ Chính giải thích khi mắc sởi, cơ thể người mẹ chống lại virus sởi bằng cách gây sốt. Trong khi đó, nhiệt độ ở tử cung luôn cao hơn nhiệt độ cơ thể 1-1,5 độ. Nếu mẹ bị sốt 39-40 độ, thai nhi sẽ gặp nguy hiểm khi phải chịu nhiệt độ trong tử cung là 40-41,5 độ C. Tại các vụ dịch sởi ở Việt Nam năm 2018 và 2019, nhiều bệnh viện khu vực phía Nam đã từng ghi nhận nhiều thai phụ sinh non, thai lưu.

Bên cạnh vắc xin, mọi người cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh sởi như sau: 

  • Không tiếp xúc với người mắc sởi: Hạn chế tối đa trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc sởi vì bệnh có khả năng lây lan rất nhanh qua đường hô hấp. Người tiếp xúc cần sử dụng khẩu trang y tế và rửa tay, khử trùng, vệ sinh cơ thể ngay sau khi tiếp xúc với bệnh nhân. Đối với người bệnh, cần nghỉ học, nghỉ làm, cách ly hoàn toàn, không để tiếp xúc với người khỏe mạnh khi không cần thiết, thời gian cách ly an toàn nên bắt đầu từ khi nghi ngờ mắc sởi đến sau 5 ngày sau khi phát ban xuất hiện.

  • Giữ vệ sinh: Giữ vệ sinh cá nhân và vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát, khử trùng thường xuyên và làm sạch đồ chơi trẻ em, dụng cụ, vật dụng của người bệnh bằng dung dịch cloramin để tiêu diệt virus sởi trong không gian sống. 

  • Dinh dưỡng khoa học: Người bệnh cần vệ sinh thân thể sạch sẽ, ăn uống đầy đủ các dưỡng chất, tăng cường các loại rau xanh, trái cây có nhiều vitamin C như cam, quýt, bưởi và uống nhiều nước, có thể uống thuốc hạ sốt khi sốt từ 38,5 độ trở lên, nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý, bổ sung vitamin A để bảo vệ mắt theo hướng dẫn của bác sĩ. Trẻ còn bú mẹ vẫn tiếp tục cho bú và ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, nấu chín kỹ, chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày. 

  • Xây dựng hệ miễn dịch khỏe mạnh: Mọi người cần xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đầy đủ chất và duy trì chế độ vận động, luyện tập thể dục thể thao khoa học để xây dựng hệ thống miễn dịch và sức đề kháng khỏe mạnh, từ đó giảm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm. 

  • Khám bệnh kịp thời: Nếu có các dấu hiệu của bệnh như ho, sốt, chảy nước mũi, phát ban, cần cách ly và đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Tỷ lệ chủng ngừa sởi trong cộng đồng cần đạt trên 95%

Nhận định về dịch sởi quay trở lại sau một năm không có ca mắc ở TP HCM, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP HCM cho biết nguyên nhân chính là do “lỗ hổng” chích ngừa, tích lũy số trẻ chưa được tiêm vắc xin qua mỗi năm. 

“Nếu tỷ lệ chích ngừa không đạt trên 95-96% thì chắc chắn bệnh sởi sẽ quay lại. Nếu trong 100 trẻ có 10 trẻ không chích ngừa mỗi năm thì 5 năm sau sẽ có 50 trẻ và số trẻ này mắc bệnh sẽ lây rất nhanh cho toàn bộ trẻ chưa chích ngừa hoặc chưa chích ngừa đủ”, bác sĩ Khanh dẫn chứng. 

tre-em-tiem-vac-xin-soi-t
Trẻ em đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi là đối tượng rất dễ bị mắc bệnh sởi do hệ miễn dịch non yếu và giảm dần kháng thể bảo vệ từ mẹ sau khi sinh ra.

Cũng theo bác sĩ Khanh, nguồn lây sởi trong cộng đồng không chỉ là các trẻ nhỏ mắc bệnh sởi mà còn là những trẻ lớn, người lớn mắc bệnh sởi nhưng không có triệu chứng điển hình. Đây chính là lý do nhiều ca mắc sởi không rõ nguồn lây. Ví dụ ở người lớn, triệu chứng sởi nhẹ hơn, không sốt cao và gây mệt mỏi như ở trẻ nhỏ, dễ nhầm với sốt siêu vi hoặc sốt phát ban thông thường. Người bệnh vẫn đi học, đi làm bình thường.

“Hiện ca bệnh sởi vẫn tiếp tục tăng chứng tỏ phụ huynh ý thức đến việc chích ngừa vắc xin sởi chưa đúng - đủ, nếu tiếp tục như vậy thì chắc chắn bệnh sởi sẽ còn tăng nữa”, bác sĩ Khanh bày tỏ lo ngại và khuyến cáo tất cả mọi người cần tiêm chủng đầy đủ để tạo miễn dịch cộng đồng đầy đủ. 

Bác sĩ Khanh cảnh báo trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi, chưa đến tuổi chích ngừa và đặc biệt các trẻ không chích ngừa được như mắc bệnh tim bẩm sinh, đang mắc bệnh lý điều trị nặng, suy giảm miễn dịch… rất dễ gặp biến chứng và tử vong cao nếu mắc sởi. Do đó, việc ý thức chích ngừa đầy đủ, kịp thời rất quan trọng vì không chỉ bảo vệ bản thân người tiêm mà còn bảo vệ cho cộng đồng, đặc biệt là các trẻ không tiêm chủng được hoặc chưa đủ tuổi tiêm vắc xin. 

VNVC có đầy đủ vắc xin chất lượng cao, tiêm an toàn

Bà Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Cung ứng, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, với mạng lưới kho lạnh và dây chuyền lạnh bảo quản đạt chuẩn GSP và GDP rộng khắp của gần 200 trung tâm tiêm chủng VNVC trên toàn quốc, VNVC luôn có đầy đủ các vắc xin ngừa các bệnh hô hấp như cúm, sởi, rubella, ho gà, thủy đậu…

Tất cả vắc xin đều được nhập chính hãng, thực hành tiêm chủng bởi đội ngũ gần 10.000 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế giàu kinh nghiệm, giỏi tay nghề, giúp cho trẻ em và người lớn, người dân có thể chủ động phòng bệnh, bảo vệ sức khoẻ và tính mạng.

Cùng chuyên mục