Thứ hai, 11/12/2023, 12:06 (GMT+7)

Tình hình vận chuyển, buôn bán gia cầm dịp cận Tết tăng mạnh, làm thế nào để ngăn chặn bệnh cúm gia cầm lây nhiễm sang người?

Thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển, đặc biệt là thời điểm cận Tết, khi tình hình chăn nuôi, vận chuyển và buôn bán gia cầm tăng mạnh.

Tăng cường phòng chống cúm gia cầm lây lan sang người

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường phòng chống cúm gia cầm lây sang người. Từ cuối tháng 11/2023, Campuchia ghi nhận thêm 2 trường hợp nhiễm cúm A (H5N1) tại tỉnh Kampot - giáp với biên giới phía Tây Nam của Việt Nam. Trong điều kiện giao lưu thương mại ngày càng rộng mở giữa Việt Nam và các nước, nguy cơ cúm gia cầm có thể xâm nhập là rất lớn.

cum gia cam
Dịch cúm gia cầm vẫn xảy ra rải rác ở nhiều địa phương.

Tại Việt Nam, dịch cúm trên gia cầm vẫn xảy ra rải rác tại các địa phương. Thời tiết chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển. Hơn nữa, người dân có xu hướng tăng nuôi gia cầm để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán, do đó hoạt động vận chuyển và buôn bán gia cầm tới đây có thể tăng, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.

Để chủ động ngăn chặn bệnh cúm gia cầm xâm nhập vào Việt Nam và lây nhiễm sang người, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo đơn vị trực thuộc: Khẩn trương tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh nhằm phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ/mắc bệnh nhất là người giết mổ, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm sống, người có tiền sử đến từ khu vực đang có dịch (gồm dịch trên gia cầm và ở người), kịp thời lấy mẫu xét nghiệm gửi về các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur để xét nghiệm chẩn đoán xác định; quản lý ca bệnh (nếu có) và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng.

Tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do virus và hội chứng cúm để phát hiện kịp thời ca bệnh cúm A (H5N1); bệnh viện sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị theo quy định của Bộ Y tế và thông báo kịp thời cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để có các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời. Phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan y tế, cơ quan thú y và chính quyền địa phương trong việc giám sát phát hiện dịch cúm trên gia cầm đặc biệt tại các cửa khẩu và các chợ gia cầm sống, kịp thời chia sẻ thông tin và xử lý triệt để ổ dịch….

Cúm gia cầm lây lan sang người qua đường nào?

Những trường hợp mắc cúm gia cầm thường có liên quan tới việc tiếp xúc với gia cầm sống hay gia cầm bị nhiễm bệnh chết.

Cúm gia cầm bao gồm các chủng như cúm A/H5N1, cúm A/H7N9, cúm A/H9N2… Trong đó, cúm A H5N1 là một trong những chủng cúm A phổ biến nhất.  Bệnh cúm gia cầm lây truyền qua những cách sau:

- Tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bị bệnh hoặc đã chết vì bệnh như giết mổ, mua bán, vận chuyển, sờ hoặc cầm vào gia cầm nhiễm bệnh.

- Lây gián tiếp qua đường ăn, uống:

+ Vô tình ăn phải thịt của gia cầm đã nhiễm bệnh.

+ Ăn các món ăn chế biến từ gia cầm chưa được nấu chín kỹ như tiết canh, trứng chưa luộc chín kỹ…

Khi nhiễm cúm gia cầm, người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng sau: sốt; cơ thể mệt mỏi, thường xuyên đau nhức người; ho và đau họng. Tùy theo mức độ nhiễm trùng đường hô hấp, người bệnh có thể xuất hiện tình trạng viêm phổi, khó thở, sốc…  Ngoài những biểu hiện giống như bệnh cúm thông thường, những người mắc cúm gia cầm còn có những dấu hiệu suy hô hấp như thở nhanh, thở khò khè, môi tái. Bệnh diễn biến rất nhanh, có thể gây suy hô hấp cấp và tử vong.

Các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm cúm gia cầm sang người

- Không tiếp xúc với gia cầm nhiễm bệnh.

- Không giết mổ gia cầm bị ốm, đã chết mà cần thông báo đến các cơ quan chức năng của địa phương. Trường hợp giết mổ cần chuẩn bị những trang bị phòng hộ như găng tay, khẩu trang. Không tiếp xúc với lông, chất thải hoặc máu của gia cầm.

cum gia cam
Cần trang bị cẩn thận khi tiếp xúc gia cầm sống

- Không mua bán, vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc.

- Không nên sờ hay chạm vào gia cầm. Trong trường hợp đã sờ, chạm vào gia cầm thì nên rửa tay bằng xà phòng ngay sau đó, dù chưa biết gia cầm có bệnh hay không.

- Đeo khẩu trang trong lúc dọn dẹp chuồng trại hoặc chăm sóc gia cầm.

- Không nên tiêu thụ các loại thịt gia cầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

- Đảm bảo ăn chín uống sôi. Sau khi chế biến, cần vệ sinh sạch sẽ dụng cụ chế biến.

- Không tiếp xúc hoặc dùng chung đồ dùng với người nhiễm bệnh cúm gia cầm. Cần đeo khẩu trang và rửa tay sau khi tiếp xúc với người bệnh.

Cùng chuyên mục