Tiếp Thị Gia Đình

Thứ ba, 03/09/2024, 11:52 (GMT+7)

Người đàn ông mắc bệnh gout, sốt cao, toàn thân nổi bọng nước chỉ vì thói quen của nhiều người Việt

Người đàn ông ở Thái Nguyên nhập viện trong tình tình trạng sốt cao, toàn thân nổi nhiều bọng nước rải rác, loét trợt niêm mạc vùng môi, miệng và sinh dục vì tự ý mua thuốc uống điều trị bệnh gout.

Nhập viện do tự ý mua thuốc uống khi bị bệnh gout

Gia đình & Xã hội thông tin, vừa qua, các bác sĩ Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết đã tiếp nhận và điều trị khỏi cho người bệnh là ông T.V.T. (58 tuổi, ở Phú Bình, Thái Nguyên). Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao, toàn thân nổi nhiều bọng nước rải rác, loét trợt niêm mạc vùng môi, miệng và sinh dục.

Qua thăm khám và khai thác kĩ tiền sử bệnh, người bệnh T có tiền sử gout, phản vệ độ III (phản ứng sốc ở mức độ nguy kịch) do thuốc Allopurinol (một loại thuốc điều trị Gout).

Trước đó 10 ngày, người Bệnh ở nhà bị đau khớp đã tự đến quầy thuốc mua thuốc điều trị bệnh gout, trong đó có Allopurinol.

dieutri
Người đàn ông nhập viện do tự ý mua thuốc uống khi bị bệnh gout (Ảnh minh họa)

Sau khi uống được 3 ngày, ông bị sốt. Đến ngày thứ 7, cơ thể của bệnh nhân nổi phỏng nước ngoài da, loét trợt niêm mạc môi miệng và vùng sinh dục. Bác sĩ chẩn đoán ông bị dị ứng thuốc thể nặng (hội chứng Lyell) do sử dụng thuốc Allopurinol. 

Hội chứng Lyell (hay còn gọi là bệnh hoại tử thượng bì nhiễm độc) là một bệnh nằm trong nhóm dị ứng thuốc chậm, và cũng là bệnh gây hậu quả nghiêm trọng nhất trong nhóm này, tính mạng người bệnh bị đe dọa nghiêm trọng.

Các nhóm thuốc thường gây hội chứng Lyell là: nhóm thuốc điều trị gout (allopurinol), nhóm thuốc điều trị bệnh lý thần kinh (cacbamazebin-tegretol), các nhóm thuốc kháng sinh; thuốc giảm đau chống viêm không steroid và các loại thuốc nam, thuốc bắc không rõ nguồn gốc.

Bác sĩ khuyến cáo, khi bị bệnh, người dân cần đi khám và dùng thuốc theo đơn của bác sỹ, không tự ý dùng thuốc, nên có sổ theo dõi ghi lại các thuốc nghi ngờ hoặc đã biết chắc chắn là dị ứng. Khi vào bệnh viện điều trị những lần tiếp theo, người bệnh cần phải thông báo cho bác sỹ, dược sỹ biết về tiền sử dị ứng và mức độ nghiêm trọng.

Những rủi ro có thể gặp do tự ý dùng thuốc

- Tự chẩn đoán sai tình trạng bệnh

- Chậm trễ trong việc tìm kiếm lời khuyên y tế khi cần thiết, lựa chọn điều trị sai.

- Gặp các phản ứng bất lợi nghiêm trọng, tương tác thuốc nguy hiểm, tăng khả năng nhiễm độc.

- Cách dùng sai, liều lượng không đúng, nguy cơ lệ thuộc và lạm dụng thuốc.

- Việc giảm nhẹ các triệu chứng trong thời gian ngắn thực sự có thể che giấu căn bệnh tiềm ẩn.

- Về tự dùng kháng sinh nếu liều lượng không đủ, thời gian điều trị ngắn, dừng điều trị khi các triệu chứng bệnh cải thiện, dùng chung thuốc với người khác... dễ dẫn đến kháng thuốc.

tu-y-dung-thuoc
Ảnh minh họa

- Việc sử dụng thuốc bừa bãi cũng có thể làm tăng khả năng nhiễm độc. Thuốc là tác nhân gây ngộ độc phổ biến thứ hai ở người. 

- Tự chẩn đoán sai tình trạng bệnh.

Mặc dù việc tự dùng thuốc dường như là không thể tránh khỏi, nhưng bạn cần nhận thức về những rủi ro của việc tự dùng thuốc. Dùng thuốc có trách nhiệm thúc đẩy việc sử dụng thuốc hợp lý. 

Cùng chuyên mục