Thứ năm, 11/05/2023, 18:14 (GMT+7)

Ngày mai (12/5), triển lãm điêu khắc của Hoàng Tường Minh chính thức mở cửa

Là một trong những tên tuổi nổi bật trong lĩnh vực điêu khắc tại Việt Nam, Hoàng Tường Minh quyết định ra mắt triển lãm cá nhân đầu tiên tại Hội Mỹ thuật TP.HCM từ ngày 12/5 đến ngày 17/5.

Những tác phẩm được chắt lọc, tuyển chọn khắt khe trong triển lãm cũng là lời giới thiệu cô đọng của ông với công chúng sau hơn 30 liên tục hoạt động nghệ thuật bền bỉ. 

Nhà điêu khắc Hoàng Tường Minh sinh năm 1962 tại Tuyên Quang. Sau khi tốt nghiệp, ông định cư và hoạt động nghệ thuật tại TPHCM. Ngoài những cuộc triển lãm chung về điêu khắc, Hoàng Tường Minh đã tham gia hơn 10 trại điêu khắc chuyên nghiệp tại Việt Nam và quốc tế.

Hoang Tuong Minh 2
Chân dung điêu khắc gia Hoàng Tường Minh.

Bước vào độ tuổi lục thập, khi đã đạt độ chín về nghề và đủ thời gian cân nhắc thành bại của nghề, Tường Minh tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên “Áp lực ngược” như một giới thiệu ngắn gọn cho hành trình nghệ thuật bản thân.

02 Nguồn II

Triển lãm “Áp lực ngược” của nhà điêu khắc Hoàng Tường Minh trưng bày 20 tác phẩm điêu khắc chất liệu đá và kim loại, hơn 10 phác thảo được ông ấp ủ nhiều năm, là một câu chuyện khá thú vị. Đây cũng là hai mạch ngôn ngữ nghệ thuật và tư duy tạo hình khác nhau, được đánh số và đặt tên gợi mở về nội dung là “Nguồn” và “Áp lực”.

04 Nguồn IV

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Ngọc Thuyên nhận định: “Áp lực sáng tác theo hướng chú trọng ý tưởng, tiếp cận các vấn đề xã hội và ngôn ngữ nghệ thuật đương đại phổ quát, dấu ấn cá nhân nghệ sĩ - hiểu theo quan niệm về phong cách tạo hình riêng được đưa xuống hàng thứ yếu do đó tác phẩm có thể phù hợp cho mọi không gian xã hội, không bắt buộc phải gắn với những ngữ cảnh cụ thể của quốc gia, vùng miền”.

05 Nguồn V

“Nguồn” là loạt sáng tác có ngôn ngữ hình khối, phần nào tương tự các tác phẩm điêu khắc đá Hoàng Tường Minh từng thực hiện tại một số tỉnh thành. Nội dung tác phẩm xoay quanh chủ đề lớn về tính nữ, tính phồn thực, gợi ý về các đại tự sự truyền thuyết nguồn gốc dân tộc và tôn giáo.

09 Nguồn IX

Về ngôn ngữ nghệ thuật, “Nguồn” đáng chú ý ở các biến thể cơ quan sinh nở theo dạng khối kim loại từ đặc đến rỗng, cường điệu, khái quát và biểu tượng hoá hướng tới hình thái tôn vinh như các dạng đền đài thu nhỏ. “Nguồn” tương đối phù hợp với tâm lý sáng tạo dựa trên bản sắc truyền thống cũng như sự yêu thích của Hoàng Tường Minh với lịch sử, nhất là cổ sử Việt.

20 Áp lực XI

Loạt tác phẩm “Áp lực” không tìm kiếm các dạng thức biểu hiện của khối tích trong không gian theo cách thức chủ đạo của điêu khắc truyền thống. Nhà điêu khắc Hoàng Tường Minh pha trộn ngôn ngữ tối giản và nhấn mạnh tâm lý thị giác theo cách thách thức kinh nghiệm tri giác để từ đó gợi ra những câu hỏi về các cặp đối lập như cứng mềm, nặng nhẹ và hướng suy tưởng hoài nghi cố hữu về cái không thể hoặc có thể.

12 Áp lực III

Thách thức kinh nghiệm tri giác về vật chất là thao tác tạo hình của Hoàng Tường Minh. Ông “uốn vặn” những lát đá phiến, những viên gạch kim loại lớn, biến chúng từ vật chất cứng rắn - từ biểu tượng nền móng vững chắc thành vật chất “có vẻ dễ thao túng”. Ông can thiệp, tạo ra các điểm mở vô hình ở các biểu tượng bạo lực như dây thép gai, xích sắt, ống thép ở mức độ vừa đủ tạo ra tâm lý thắc mắc, đẩy “áp lực” kiến giải theo chiều ngược lại – chiều hướng về người xem.

13 Áp lực IV

Triển lãm điêu khắc cá nhân “Áp lực ngược” của Hoàng Tường Minh tạo ra một không gian vừa thưởng thức nghệ thuật thị giác vừa gợi mở khả năng tương tác tư duy, “áp lực” sẽ là lực đẩy hai chiều giữa người sáng tạo và công chúng. 

Dự kiến sau triển lãm này của Hoàng Tường Minh, các điêu khắc gia khác ở TP.HCM như Phan Phương, Trần Việt Hưng… sẽ tiếp nối mang đến giới mỹ thuật TP các triển lãm mới. Như vậy, chỉ tính riêng những tháng đầu năm 2023, sẽ có gần chục triển lãm cá nhân về điêu khắc. Đây được xem là tín hiệu tốt cho giới nghệ thuật tạo hình đang trầm lắng trong nhiều năm qua.  

Cùng chuyên mục