Thứ năm, 01/05/2025
logo
Tài chính - Ngân hàng

Tiền nhàn rỗi 5,6 triệu tỷ vẫn ‘kẹt’ trong ngân hàng: Vì sao người Việt chưa chịu đầu tư?

Hồng Phúc Thứ năm, 01/05/2025, 09:20 (GMT+7)

Hơn 5,6 triệu tỷ đồng tiền nhàn rỗi đang trong các ngân hàng Việt Nam, tương đương gần 70% GDP, cho thấy một nguồn vốn khổng lồ chưa được kích hoạt vào các kênh đầu tư.

Trong khi các nền kinh tế phát triển đã chuyển mạnh từ tiết kiệm thụ động sang đầu tư chủ động, dòng tiền cá nhân tại Việt Nam vẫn chủ yếu “đóng băng” trong tài khoản ngân hàng. 

Theo Ngân hàng Nhà nước và các chuyên gia, tâm lý thận trọng, thiếu kiến thức tài chính và thị trường đầu tư kém hấp dẫn là những nguyên nhân chính khiến người Việt vẫn ưu tiên gửi tiết kiệm thay vì mạo hiểm đầu tư. Thực tế, chỉ 0,4% dân số tham gia các quỹ đầu tư công chúng, một con số rất thấp so với các nước phát triển, phản ánh sự hạn chế trong nhận thức về các kênh tài chính sinh lời cao hơn.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho rằng, tâm lý “ăn chắc mặc bền” của người Việt khiến gửi tiết kiệm trở thành lựa chọn hàng đầu, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế biến động. 

Người dân thường xem ngân hàng là kênh an toàn, không đòi hỏi kiến thức chuyên môn và được bảo hiểm tiền gửi lên đến 125 triệu đồng mỗi tài khoản. Trong khi đó, kiến thức về chứng khoán, trái phiếu, hay quỹ mở còn hạn chế, đặc biệt ở các khu vực ngoài đô thị, khiến nhiều người e ngại rủi ro và không tự tin quản trị tài sản.

vietstock_s_tien-trong-ngan-hang-ngay-cang-dat_20220729083236-0915
Hơn 5,6 triệu tỷ đồng vẫn “nằm yên” trong ngân hàng, trong khi chỉ 0,4% dân số tham gia các quỹ đầu tư.

Thị trường đầu tư tại Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, làm giảm sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư cá nhân. Theo Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), thị trường chứng khoán (VN-Index) liên tục biến động, với giá trị giao dịch bình quân năm 2024 giảm 20% so với năm 2022. 

Trong khi thị trường bất động sản đang rơi vào giai đoạn “đóng băng”, với thanh khoản thấp và pháp lý phức tạp, đặc biệt sau quy định cấm phân lô, bán nền tại 105 thành phố, thị xã theo Luật Kinh doanh Bất động sản 2023. 

“Nhà đầu tư không tìm thấy cơ hội sinh lời rõ ràng, nên họ giữ tiền trong ngân hàng để chờ thời cơ” ông Lê Đình Chung, thành viên Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định.

Bên cạnh đó, việc thiếu các sản phẩm đầu tư thân thiện cũng góp phần khiến dòng tiền nhàn rỗi bị “kẹt”. Báo cáo từ Viện Nghiên cứu Phát triển Ngân hàng Việt Nam cho thấy, tỷ lệ tài chính hóa xã hội tại Việt Nam chỉ đạt 6,5%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu (gần 100%). 

Tổng tài sản các quỹ đầu tư công chúng chỉ chiếm 0,8% GDP, chủ yếu từ các tổ chức, trong khi nhà đầu tư cá nhân gần như vắng bóng. Các sản phẩm như chứng chỉ quỹ hay trái phiếu doanh nghiệp thường phức tạp, chi phí tham gia cao, hoặc thiếu minh bạch, khiến người dân khó tiếp cận. 

“Thị trường cần những sản phẩm đầu tư đơn giản, minh bạch hơn để kích thích dòng tiền,” ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản EZ đề xuất.

Ngoài ra, bối cảnh kinh tế bất ổn và niềm tin thị trường suy giảm càng khiến người dân do dự. Các vụ việc như Vạn Thịnh Phát hay sự cố mất tiền gửi tại một số ngân hàng đã làm xói mòn niềm tin vào hệ thống tài chính. Thói quen tích lũy truyền thống của người Việt, với ưu tiên giữ tiền mặt hoặc vàng như tài sản trú ẩn, cũng khiến dòng tiền khó chảy vào các kênh đầu tư mạo hiểm. Ước tính từ năm 2018, khoảng 60 tỷ USD tiền nhàn rỗi trong dân chủ yếu nằm ở dạng vàng, bất động sản hoặc tiền gửi.

Để khơi thông dòng tiền nhàn rỗi, các chuyên gia nhấn mạnh cần kết hợp nhiều giải pháp. Trước hết, cần đẩy mạnh giáo dục tài chính thông qua chương trình giảng dạy phổ thông và đào tạo cộng đồng để nâng cao nhận thức về đầu tư. Đồng thời, thị trường cần phát triển các sản phẩm tài chính đơn giản, minh bạch như quỹ ETF hoặc trái phiếu có bảo lãnh, phù hợp với nhà đầu tư cá nhân.

Cải thiện khung pháp lý, tăng cường minh bạch trong bất động sản và chứng khoán, cũng như kiểm soát rủi ro hệ thống tài chính, sẽ giúp hồi phục niềm tin. Ngoài ra, chính sách ưu đãi như giảm thuế hoặc khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược như công nghệ, năng lượng tái tạo có thể là đòn bẩy hiệu quả.

Chỉ khi người dân cảm thấy an tâm và được trang bị kiến thức, họ mới sẵn sàng rời bỏ “vùng an toàn” để tham gia vào các kênh đầu tư sinh lời cao hơn.

Đọc thêm
Đừng bỏ lỡ
Cùng chuyên mục