Thị trường chứng khoán 2025 sẽ thế nào, người mua nên đầu tư vào đâu?
Theo báo cáo “Hướng đến năm 2025” của ông Michael Kokalari, CFA - Giám đốc Phân tích Kinh tế Vĩ mô và Nghiên cứu Thị trường VinaCapital, năm 2025 dự báo sẽ là năm nhiều biến động đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.
VinaCapital nhìn nhận, tăng trưởng GDP có thể chậm lại trong nửa đầu năm và Việt Nam đồng chịu áp lực, nhưng tình hình này được kỳ vọng sẽ cải thiện vào cuối năm.
Ngoài ra, sự sụt giảm trên thị trường chứng khoán như một cơ hội để mua vào, đặc biệt khi định giá thị trường vẫn hấp dẫn với hệ số P/E dự phóng 12 lần, so với mức tăng trưởng EPS dự báo 17%.
Tuy nhiên, để đạt hiệu suất vượt trội so với VN-Index, việc lựa chọn cổ phiếu thông minh đóng vai trò quan trọng. Năm 2025, quỹ ngoại này ưu tiên 5 nhóm ngành chính: bất động sản, ngân hàng, hàng tiêu dùng, vật liệu và công nghệ thông tin.
Bất động sản được kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận khoảng 20% nhờ doanh số bán trước tăng mạnh trong năm 2024 và nhu cầu nhà ở vượt xa nguồn cung. Các cải cách pháp lý gần đây hứa hẹn thúc đẩy quá trình phê duyệt dự án, đặc biệt ở phân khúc nhà ở tầm trung.
Ngân hàng là nhóm ngành thứ hai, với dự báo tăng trưởng lợi nhuận từ 14% lên 17% trong năm 2025 nhờ chi phí tín dụng giảm. Dù lãi suất tiền gửi có thể tăng nhẹ, biên lợi nhuận ròng (NIM) dự kiến vẫn ổn định nhờ cho vay thế chấp và hạ tầng.
Hàng tiêu dùng sẽ phục hồi mạnh mẽ, với tăng trưởng doanh thu bán lẻ thực đạt 8-9%. Các sản phẩm không thiết yếu như điện thoại và laptop cũng sẽ ghi nhận doanh số cao khi người tiêu dùng quay lại chu kỳ thay thế sản phẩm.
Vật liệu và ngành chu kỳ cũng được kỳ vọng phát triển, với tiêu thụ thép tăng 10% và xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng dự kiến tăng 15-20%, giúp lợi nhuận toàn ngành tăng 25%.
Công nghệ thông tin nổi bật với FPT, dự báo tăng trưởng lợi nhuận khoảng 20%, nhờ nhu cầu gia công phần mềm và các dịch vụ AI, đặc biệt trong mối quan hệ với NVIDIA.
Ngoài ra, VinaCapital nhấn mạnh triển vọng dài hạn của ngành logistics và khu công nghiệp, được thúc đẩy bởi quá trình công nghiệp hóa và sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử tại Việt Nam. Sự gia tăng tầng lớp trung lưu càng củng cố nhu cầu dịch vụ giao hàng và logistics chuỗi lạnh.
Nhìn chung, VinaCapital lạc quan vào cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam, dù thách thức ngắn hạn vẫn hiện hữu.
Ở góc nhìn khác, tại chương trình “Việt Nam và các chỉ số: Tài chính Thịnh vượng”, ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh số của CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS), đã chia sẻ những quan điểm tích cực về triển vọng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong ngắn hạn và dài hạn.
Ông Đức cho biết, TTCK thường có xu hướng tăng điểm trước lễ Giáng sinh và trong 3-5 ngày giao dịch đầu năm mới, với xác suất thành công lên đến 70%. Ông lý giải rằng, các quỹ ETF thường tái cơ cấu danh mục vào thời điểm cuối năm, dẫn đến nhu cầu mua lại cổ phiếu tăng cao.
“Tâm lý nghỉ lễ thường là tích cực. Tại Việt Nam, 80% thời gian trước Tết Âm lịch, thị trường chứng khoán tăng điểm”, ông nhấn mạnh, đồng thời khuyến nghị nhà đầu tư nên nắm giữ cổ phiếu ít nhất cho đến 3 ngày sau phiên giao dịch đầu tiên của năm mới để hưởng lợi từ xu hướng hồi phục.
Nhìn về năm 2025, ông Đức dự báo đây sẽ là một năm triển vọng với VN-Index có khả năng vượt mốc 1.400 điểm, thậm chí đạt 1.420 điểm trong kịch bản tích cực. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý nhà đầu tư cần nhận diện rủi ro và điều chỉnh kỳ vọng khi thị trường có biến động ngoài dự kiến.
Theo ông, sau hai năm tăng trưởng chậm (10-12% mỗi năm), TTCK Việt Nam đang tích lũy động lực để bứt phá. Năm 2024, lợi nhuận doanh nghiệp dự kiến tăng 18% trong khi định giá thị trường vẫn ở mức hấp dẫn, với hệ số P/E chỉ khoảng 11-12 lần.
Một yếu tố quan trọng khác là xu hướng giao dịch của khối ngoại. Dù bán ròng trong phần lớn năm 2024, đến cuối năm, khối ngoại đã giảm cường độ bán ra và bắt đầu mua lại cổ phiếu. Nếu Việt Nam được nâng hạng thị trường vào năm 2025, ông Đức kỳ vọng dòng tiền nước ngoài sẽ đổ mạnh trở lại, thúc đẩy VN-Index vượt qua các mốc 1.400 và thậm chí 1.500 điểm.
Ngoài ra, các yếu tố vĩ mô cũng đóng vai trò hỗ trợ tích cực cho TTCK. Ông Đức dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 6,5-7% trong năm 2025, trong khi cung tiền dự kiến tăng khoảng 15%. Điều này tạo nền tảng vững chắc cho TTCK bứt phá, đồng thời khuyến khích nhà đầu tư định giá lại thị trường theo hướng tích cực hơn.
Như vậy, với những yếu tố tích cực về vĩ mô, dòng tiền và tâm lý thị trường, năm 2025 hứa hẹn sẽ là một năm bứt phá cho TTCK Việt Nam. Nhà đầu tư cần cân nhắc cơ hội, tận dụng các nhịp điều chỉnh để xây dựng danh mục hiệu quả.