Mua xe ô tô điện thời gian tới người dùng sẽ được hưởng ưu đãi “hời” nào?
Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Chính phủ các đề xuất ưu đãi phát triển ô tô điện. Trong đó, kiến nghị nổi bật là trợ cấp tiền trực tiếp; miễn, giảm lệ phí trước bạ; lệ phí đăng ký biển số với xe ô tô điện...
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), hiện ngành sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam đang chịu sự điều chỉnh của các chính sách mang tính đặc thù, thường xuyên sửa đổi, bổ sung, đặc biệt là các chính sách thuế đối với phát triển ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ. Trong khi đó, chính sách khuyến khích sử dụng xe ô tô điện nước ta mới chỉ tập trung vào dòng xe điện chạy pin (BEV) thông qua các ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ.
Theo Nghị định số 10/2022/NĐ-CP, trong vòng 3 năm kể từ ngày 1/3/2022, mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô điện chạy pin là 0%. Từ ngày 1/3/2025 - 28/2/2027, lệ phí trước bạ đối với ô tô điện chạy pin từ 9 chỗ ngồi trở xuống bằng 50% mức thu lệ phí trước bạ của xe xăng có cùng số chỗ ngồi.
Bộ GTVT cũng cho biết thêm, có 3 nhóm chính sách chủ yếu mà các quốc gia đang áp dụng để phát triển xe ô tô điện bao gồm: ưu đãi cho nhà sản xuất; hỗ trợ người mua ô tô điện; hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho ô tô điện.
Do đó, Bộ GTVT đề xuất khung chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang ô tô điện với 3 loại xe gồm: chạy pin, sử dụng pin nhiên liệu, dùng năng lượng mặt trời thay vì chỉ một loại là xe ô tô điện chạy pin (BEV) như chính sách hiện hành.
Đối với xe ô tô điện nhập khẩu, Bộ GTVT đề xuất tạo cơ chế ưu đãi thuế. Với riêng ô tô điện sản xuất lắp ráp, Bộ GTVT kiến nghị, rà soát, bổ sung các chính sách ưu tiên phát triển ô tô điện (đặc biệt là phương tiện giao thông công cộng) trong các luật liên quan. Điển hình như xây dựng, ban hành các quy định nâng cao mức tiêu chuẩn khí thải, giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu để hạn chế phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch; đồng thời, sửa đổi, bổ sung các quy định về xử lý pin ô tô điện thải bỏ.
Ngoài ra, Bộ GTVT đề xuất ban hành các quy chuẩn về trạm sạc điện; cho phép xây dựng trạm sạc điện công cộng; ưu đãi tiền thuê đất, tiếp cận quỹ, miễn, giảm thuế cho các tổ chức, cá nhân đầu tư trạm sạc điện; ưu đãi đầu tư, hỗ trợ lãi suất vốn vay sản xuất, nhập khẩu trang thiết bị, linh kiện để xây dựng hạ tầng trạm sạc...
Bên cạnh đó, Bộ GTVT còn đề xuất miễn thuế nhập khẩu linh kiện, thiết bị để lắp đặt trạm sạc điện và miễn thuế đất trong 5 năm đầu, giảm 50% trong 5 năm tiếp theo; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm đầu và giảm 50% cho 5 năm tiếp theo; ưu đãi giá bán điện bằng giá điện phục vụ sản xuất.
Với cơ chế ưu đãi cho người sử dụng, Bộ GTVT đề xuất miễn, giảm lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký biển số đối với người sử dụng xe ô tô điện; thúc đẩy tiếp cận tín dụng, trợ giá trực tiếp cho người mua xe; ưu tiên phát triển xe ô tô điện tham gia kinh doanh vận tải và ưu đãi vốn vay đối với các doanh nghiệp vận tải chuyển đổi sử dụng ô tô điện và trợ giá cao hơn đối với xe buýt điện.
Cơ quan này kiến nghị tiếp tục miễn, giảm lệ phí trước bạ với ô tô điện trong 5 năm đầu kể từ ngày 1/3/2022. Trong vòng 2 năm tiếp theo (kể từ 1/3/2027) lệ phí trước bạ lần đầu bằng 50% mức thu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi. Miễn lệ phí cấp biển 3 năm đầu, giảm 50% lệ phí cấp biển cho ô tô điện cho 2 năm tiếp theo.
Đáng chú ý, Bộ GTVT đề xuất trợ cấp cho người dân một khoản tiền hỗ trợ khi mua xe ô tô điện để chuyển dịch hành vi tiêu dùng từ xe ô tô chạy xăng, dầu sang xe ô tô điện khoảng 1.000 USD/xe (tương đương hơn 23 triệu đồng theo tỷ giá hiện tại). Việc này theo Bộ GTVT sẽ nhằm kích thích, chuyển dịch hành vi tiêu dùng từ xe ô tô chạy xăng, dầu sang xe ô tô điện của người dân Việt Nam.
Về khai thác, vận hành, Bộ GTVT kiến nghị ưu tiên phát triển ô tô điện kinh doanh vận tải; tăng quyền ưu tiên với ô tô điện khi hoạt động trong khu vực đô thị, vùng lõi đô thị; ưu tiên đỗ xe (chỗ, giá), giờ cao điểm; thiết lập các khu vực không phát thải tại vùng lõi đô thị chỉ dành cho các phương tiện không phát thải được hoạt động.
Theo thống kê của Bộ GTVT, đến tháng 7/2023, cả nước có gần 12.600 xe ô tô điện. Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) dự báo Việt Nam sẽ đạt mức 1 triệu xe điện hóa vào năm 2028 và đến năm 2040 số lượng xe điện sẽ đạt 3,5 triệu chiếc.
Doanh số bán xe điện trong nước năm 2023 dự kiến tăng ít nhất gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 18.000 chiếc. Thị trường ô tô điện Việt Nam hiện do VinFast nắm giữ hơn 50% thị phần, phần còn lại thuộc về các thương hiệu Trung Quốc.