Nằm lòng những nguyên tắc này để giấc mơ an cư không trở thành gánh nặng tài chính
Trong bối cảnh thị trường bất động sản biến động liên tục, cùng làn sóng quảng bá dồn dập từ các dự án chung cư và ngân hàng, không ít người đã vội vàng “xuống tiền” mua nhà mà chưa cân nhắc kỹ bài toán tài chính. Điều này vô tình biến giấc mơ an cư trở thành gánh nặng tài chính cho nhiều cặp vợ chồng trẻ.
Chuyên gia bất động sản tiết lộ mức thu nhập tối thiểu để mua nhà Hà Nội
Muốn mua nhà ở xã hội tại Hà Nội, khách hàng cần chú ý những thủ tục gì?
Tình trạng “vung tay quá trán” khi mua nhà đang trở nên phổ biến, đặc biệt ở nhóm người mua lần đầu, thường là các cặp vợ chồng trẻ có thu nhập trung bình. Với tâm lý muốn sở hữu nhà sớm, nhiều người chấp nhận vay tới 70-80% giá trị căn hộ, tự kê khai thu nhập cao hơn để được phê duyệt khoản vay lớn, dẫn đến áp lực trả nợ đè nặng trong nhiều năm.
Thay vì hiện thực hóa giấc mơ an cư, không ít trường hợp lại rơi vào vòng xoáy tài chính căng thẳng. Thu nhập hàng tháng bị bào mòn bởi các khoản trả góp, buộc người mua phải cắt giảm chi tiêu, hoãn kế hoạch sinh con, hoặc từ bỏ các mục tiêu dài hạn khác.

Anh Trần Mạnh Hùng (31 tuổi), nhân viên công nghệ tại một công ty startup ở Hà Nội, vừa ký hợp đồng mua căn hộ 2 phòng ngủ tại một dự án ở khu Tây Nam thành phố. Căn hộ trị giá gần 3 tỷ đồng, trong khi tổng thu nhập của hai vợ chồng anh khoảng 40 triệu đồng/tháng.
“Ban đầu chỉ định mua căn 2,3 tỷ thôi, nhưng thấy bạn bè khuyên cố thêm chút cho thoải mái. Mình tự kê khai thu nhập cao hơn để vay ngân hàng được gần 70%, giờ mỗi tháng trả cả gốc lẫn lãi hơn 20 triệu, chưa kể các chi phí phát sinh”, anh Hùng chia sẻ.
Áp lực trả nợ khiến vợ chồng anh cắt giảm nhiều khoản chi tiêu. Những kế hoạch như sinh con, đi du lịch, hay đầu tư thêm cho công việc đều phải gác lại. “Có lúc tôi tự hỏi liệu mình có ‘vung tay quá trán’ không, vì lỡ rồi nên phải cố gồng”, anh tâm sự.
Không riêng gì vợ chồng anh Hùng, nhiều người trẻ hiện nay cũng trong tình trạng "vung tay quá trán" khi mua nhà, bị cuốn vào guồng quay "vay - trả - nợ" trong nhiều năm.
Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia bất động sản Tô Anh Hùng - Giám đốc điều hành A-City (AFA Group) khẳng định, tình trạng “vung tay quá trán” khi mua nhà không phải hiếm, đặc biệt ở nhóm người trẻ lần đầu sở hữu bất động sản. “Nhiều người không tính toán kỹ, thậm chí tự kê khai thu nhập cao hơn để được vay, nhưng khi phải trả nợ hàng tháng mới thấy áp lực”, ông nói.

Để tránh rơi vào bẫy truyền thông hoặc "vung tay quá trán", chuyên gia khuyến nghị người mua nhà cần tuân thủ một số nguyên tắc cốt lõi.
Trước hết, người mua cần xác định rõ năng lực tài chính và chỉ vay trong khả năng chi trả. Mức vay hợp lý là khi tổng tiền trả nợ hàng tháng không vượt quá 30-40% thu nhập. Tránh vay quá nhiều để mua căn hộ lớn vượt quá nhu cầu, vì thực tế “nhiều bạn trẻ tự khai khống thu nhập để được vay nhiều, sau đó rơi vào cảnh áp lực tài chính kéo dài”. Nếu chưa đủ khả năng chi trả, nên chấp nhận thuê nhà một thời gian để tích lũy.
Bên cạnh đó, người mua cần kiểm chứng kỹ thông tin dự án, đọc rõ hợp đồng, tìm hiểu chi tiết về pháp lý và tránh tin theo quảng cáo giật gân. Những dự án được quảng bá là “quá rẻ so với thị trường” có thể tiềm ẩn rủi ro pháp lý.
Việc lựa chọn căn hộ cũng cần phù hợp với nhu cầu thực tế, ưu tiên diện tích vừa phải, vị trí thuận tiện thay vì chạy theo những căn quá rộng, sang trọng nhưng vượt quá khả năng tài chính.
Ngoài ra, người mua nên tham khảo ý kiến từ chuyên gia, người thân có kinh nghiệm, đồng thời theo dõi các báo cáo chính thống từ Bộ Xây dựng để có cái nhìn toàn diện hơn về thị trường.
"Tuân theo những nguyên tắc này giúp người mua nhà tránh rơi vào tình trạng áp lực nợ nần, bị cuốn vào cơn sốt thông tin hay mua phải nhà không phù hợp năng lực. Tóm lại, hãy mua nhà khi thực sự sẵn sàng về tài chính và tâm lý, không chạy đa theo đám đông hay quảng cáo thổi phồng thị trường", ông Hùng nhấn mạnh.