Có nên tin vào hàng giảm giá? Mẹo tránh bị 'hớ' khi mua hàng khuyến mãi
Hàng giảm giá, khuyến mãi, xả kho... luôn có sức hấp dẫn khó cưỡng. Tuy nhiên, không ít người sau khi “chốt đơn” mới phát hiện ra mình bị "mua hớ".
6 biểu hiện âm thầm cho thấy bạn đang 'lên hạng' tài chính
Mua sắm thông minh như phụ nữ tuổi trung niên: Chọn đồ xịn, sống gọn, không mua theo cảm xúc
'Mua 1 tặng 0': Cảnh báo chiêu trò khuyến mãi giả đánh lừa người tiêu dùng
Hàng giảm giá: Lợi thật hay chiêu trò?
Không thể phủ nhận rằng, các chương trình giảm giá giúp người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm với mức giá rẻ hơn so với thông thường. Nhiều người đã tận dụng các đợt sale lớn như Black Friday, 11.11 hay lễ Tết để mua sắm đồ điện tử, thời trang, đồ gia dụng với mức giá hời.
Tuy nhiên, mặt trái của khuyến mãi là tình trạng nâng giá trước khi giảm hoặc gắn mác “giảm sâu” cho hàng tồn kho, lỗi mốt, cận date. Một chiếc áo trị giá 300.000 đồng có thể được đẩy giá lên 500.000 đồng rồi giảm còn 350.000 đồng. Điều này khiến người tiêu dùng tưởng mình lãi, nhưng thực chất vẫn đang mua đắt hơn giá trị thật.
4 mẹo nhận diện giảm giá thật - giả
Để tránh trở thành “con mồi” của những chiêu trò khuyến mãi, người tiêu dùng nên trang bị một vài nguyên tắc cơ bản!
Theo dõi giá sản phẩm từ trước
Đừng đợi đến đúng ngày sale mới bắt đầu tìm hiểu. Hãy so sánh giá sản phẩm từ nhiều nguồn, nhiều thời điểm, nhất là với những món có giá trị lớn như điện thoại, tủ lạnh, máy hút bụi… Một số công cụ và app theo dõi giá sẽ giúp bạn biết liệu mức giá hiện tại có thực sự "giảm sâu".

Kiểm tra giá gốc “ảo”
Nhiều cửa hàng cố tình niêm yết giá gốc cao bất thường để tạo cảm giác giảm giá sốc. Nếu một đôi giày đang giảm 70% mà vẫn có giá bằng hoặc cao hơn những nơi khác không giảm, hãy đặt dấu hỏi.
Mẹo nhỏ: So sánh giá với website chính hãng hoặc sàn uy tín khác. Nếu chênh lệch quá nhiều, khả năng bạn đang đối mặt với chiêu trò "thổi giá".
Kiểm tra thông tin đổi trả và bảo hành
Nhiều món hàng giảm giá không được áp dụng chính sách đổi trả. Đây có thể là cách các shop “đẩy” hàng lỗi, hàng cận date hoặc hàng không còn hot.
Trước khi mua, hãy đọc kỹ chính sách đổi trả, đặc biệt là đối với sản phẩm điện tử, mỹ phẩm và thực phẩm.
Cẩn trọng với các combo “mua 1 tặng 1” hoặc giảm giá kèm điều kiện
“Mua 2 sản phẩm giảm 50% sản phẩm thứ 3” nghe có vẻ hời, nhưng thực tế bạn đang bị “dụ” mua thêm những thứ không cần thiết để đạt được ưu đãi. Hãy tỉnh táo tính tổng chi phí thay vì chỉ nhìn vào phần trăm giảm giá.
Đâu là thời điểm “vàng” để săn hàng giảm giá thật sự?
-
Cuối mùa thời trang: Cuối mùa hè hoặc cuối đông là thời điểm các thương hiệu cần xả kho để nhập hàng mới, đây là lúc bạn có thể mua được hàng chất lượng với giá tốt.
-
Sau Tết hoặc sau dịp lễ lớn: Các mặt hàng như bánh kẹo, đồ trang trí, gia dụng thường được giảm mạnh để “dọn kho”.
-
Sinh nhật thương hiệu, đại tiệc sale của sàn thương mại điện tử: Lúc này, nhiều hãng sẽ tung ưu đãi thật để thu hút khách hàng mới.
Đừng để “giảm giá” dẫn dắt túi tiền của bạn
Một món đồ dù được giảm 90% vẫn là phí tiền nếu bạn không cần đến nó. Trước khi mua bất kỳ sản phẩm nào, hãy tự hỏi: Mình có thực sự cần không? Sản phẩm này có đáng giá với chất lượng và nhu cầu hiện tại?
Ngoài ra, bạn nên ưu tiên mua hàng từ gian hàng chính hãng hoặc các cửa hàng có gắn mác “yêu thích”, “đảm bảo” để hạn chế mua nhầm hàng giả, hàng nhái.
Mua hàng khuyến mãi không xấu, nhưng mua một cách thiếu kiểm soát lại là cái bẫy khiến bạn tiêu nhiều hơn dự định. Sự tỉnh táo và hiểu biết sẽ giúp bạn tiết kiệm thực sự, thay vì “giả vờ tiết kiệm” qua những mức giảm giá ảo.