Mâm cỗ chay ngày 1/7 âm lịch của mẹ đảm khiến nhiều người ngưỡng mộ
Mâm cỗ lấy cảm hứng từ mùa thu Hà Nội, có "cốm mới, thị thơm" của mẹ đảm Hà Nội nhận được nhiều lời khen, ngưỡng mộ của cộng đồng mạng.
Theo quan niệm dân gian xưa, tháng 7 âm lịch có vị trí đặc biệt trong đời sống văn hóa, tâm linh của người Việt. Trong ngày 1/7, nhiều gia đình đã chuẩn bị những mâm cỗ tươm tất dâng lên tổ tiên để cầu bình an, may mắn.
Mới đây, chị Mai Trang (Hà Nội) đã chia sẻ hình ảnh mâm cỗ ngày đầu tháng do chính tay mình chuẩn bị và nhận về nhiều lời khen của hội chị em yêu bếp. Tác phẩm của chị được đánh giá là tinh tế, có màu sắc nhẹ nhàng và mang đầy hương vị thu Hà Nội.
Mâm cỗ của chị Mai Trang gồm 3 món bánh truyền thống là bánh nướng, bánh dẻo nhân cốm, bánh xu xê; món xôi hoa đậu; trái cây có thị, na cùng với trầu cau, hoa trang trí.
Thông thường, mỗi dịp đầu tháng, ngày rằm hay lễ Tết, chị Trang đều dành thời gian để tự tay chuẩn bị các mâm cúng tổ tiên. Với chị, dù không quá cao sang, nhưng mâm cỗ dâng lên bề trên cần đủ đầy, chỉn chu và cẩn thận. "Mình luôn muốn thổi hồn vào những món dân dã cũng như kết nối với ông bà, bố mẹ ở xa thông qua những món ăn" - chị bộc bạch.
Trong mâm cỗ, tất cả các món bánh và xôi, chị Trang đều tự tay làm. Để thực hiện những món này, chị phải chuẩn bị nguyên liệu và làm trước từ tối hôm qua.
Theo chị Trang, bánh nướng và bánh dẻo cần nhiều bước thực hiện nhưng món xôi hoa đậu lại tốn nhiều thời gian nhất. Cần phải ngâm gạo qua đêm với nước lá nếp cho thơm và có màu xanh đẹp mắt, xóc thêm muối rồi mới cho lên đồ. Xôi chín sẽ cho vào khuôn, nén thành hình tròn đầy.
Tiếp theo là giai đoạn làm hoa trang trí bằng đậu xanh. Đậu ngâm nước sau đó ninh nhừ và xay nhuyễn rồi cho lên bếp sên cùng đường, dầu ăn cho dẻo mịn. Từ đây, nặn đậu thành những bông hoa nhỏ xinh rồi gắn lên xôi để trang trí.
Chị Mai Trang chia sẻ, các món xôi do được mẹ dạy cách nấu còn bánh là chị tự tìm tòi, nghiên cứu và thực hành nhiều năm. Những món ăn được lấy cảm hứng từ chính mùa thu Hà Nội, có cốm mới, thị thơm. "Mình muốn đưa tất cả những món thơm thảo dâng hương, thể hiện lòng thành và cầu mong cha mẹ bình an, khỏe mạnh" - chị Trang nói.
Với chị Trang, làm những mâm cúng như trên tưởng chừng khó khăn nhưng lại không cầu kỳ như nhiều người nghĩ. Chỉ cần đủ chân thành, yêu thương và thêm một chút kéo léo, kiên nhẫn là có thể làm được.
Chia sẻ về ý nghĩa của những mâm cỗ cúng đối với gia đình người Việt, chị Mai Trang cho rằng đây là nét đẹp văn hóa chứa đầy ý nghĩa. Mâm cỗ vừa thể hiện tình yêu với văn hóa, truyền thống dân tộc, vừa thể hiện được tấm lòng hiếu thảo của bậc con cháu đối với ông bà, bố mẹ.
(Nguồn ảnh: Nhân vật cung cấp)