Làm cơm rượu chuẩn Bắc - Trung - Nam cho mâm cúng Tết Đoan Ngọ
Cơm rượu là một trong những món không thể thiếu trong mâm cỗ Tết Đoan Ngọ 5/5 âm lịch của người Việt. Trong đó, hương vị và cách chế biến món ăn này sẽ có sự khác nhau ở mỗi miền Bắc - Trung - Nam.
Hãy cùng Tiếp thị và Gia đình tham khảo công thức thực hiện món cơm rượu chuẩn vị 3 miền ngay dưới đây.
Làm cơm rượu Tết Đoan Ngọ miền Bắc
Cơm rượu nếp miền Bắc có vị bùi và ăn giòn, được nấu bằng gạo nếp cái hoa vàng hoặc nếp cẩm thơm ngon.
Nguyên liệu cần có
- 1kg gạo nếp cẩm hoặc nếp hoa vàng
- 30 - 50g men rượu tốt
- 1,5 lít nước sạch
- 1 tàu lá chuối
Ngoài ra, cần chuẩn bị thêm:
- 1 chiếc nồi to có nắp đậy
- 1 chiếc rổ có thể để lọt vào trong nồi. Mục đích chính là để róc nước trong quá trình ủ rượu
Cách chế biến món cơm rượu
- Bước 1: Gạo nếp vo sạch rồi ngâm với nước
Nếp cẩm sẽ ngâm trong khoảng 1 tiếng, không nên ngâm quá lâu, khi nấu lên màu sắc của gạo sẽ không đẹp. Đối với gạo nếp cái hoa vàng, ngâm trong vòng 8 tiếng.
- Bước 2: Khi gạo ngâm đủ thời gian, cho cả gạo và phần nước ngâm vào nồi cơm để nấu. Gạo sẽ vừa mềm và vừa không bị mất màu.
- Bước 3: Sau khi cơm chín, dùng đũa đánh tơi và thổi quạt cho bay bớt hơi nước
- Bước 3: Để cơm nguội khoảng 70% mới đủ điều kiện để trộn men
- Bước 4: Lá chuối rửa sạch, để ráo, hơ qua lửa (hoặc trần nước nóng) cho mềm dẻo, tránh bị rách.
- Bước 5: Xếp lá vào rổ rồi đặt vào trong nồi
Lưu ý: Không xếp lá kín phần đáy rổ để tránh bị ứ, nước rượu không chảy xuống được.
- Bước 6: Men rượu nhặt bỏ phần vỏ trấu dính còn dính và thực hiện thao tác giã mịn
- Bước 7: Cho từng phần cơm nếp vào rổ rồi rắc men vào trộn đều.
- Bước 8: Trùm phần cơm lại bằng 1 lớp lá chuối sau đó đậy nắp nồi và ủ trong khoảng 3 ngày. Trong lúc ủ cơm, không được mở ra hay trộn cơm, bởi ngấm men, cơm dễ bị vỡ hạt
Cơm rượu được ủ bằng lá chuối sẽ có mùi thơm, vị ngon ngọt, hạt cơm vẫn còn nguyên vỏ và không bị nát. Khi ăn có thể trộn thêm đường nếu không thích vị cay nồng của cơm rượu.
Làm cơm rượu Tết Đoan Ngọ miền Trung
Cơm rượu Tết Đoan Ngọ miền Trung có dạng từng miếng nhỏ vuông vức, được ủ theo phương pháp lên men truyền thống.
Nguyên liệu cần có
- 1kg gạo nếp (nên chọn loại nếp ngỗng cũ màu trắng đục)
- 5 đến 7g men rượu (dạng viên)
- 300g - 500g đường
Ngoài ra, cần chuẩn bị thêm:
- Màng bọc thực phẩm
- 1 chiếc mẹt to
- Hộp đựng để ủ cơm
Cách chế biến món cơm rượu
- Bước 1: Gạo nếp vo sạch, ngâm trong nước khoảng 8 tiếng
- Bước 2: Cho phần nước và gạo vào nấu chín
- Bước 3: Sau khi cơm chín, dùng đũa đánh tơi rồi để nguội khoảng 70%
- Bước 4: Men rượu giã nát, lọc sạch bã trấu, tạp chất rồi trộn đều với 1 thìa cà phê đường
- Bước 5: Cơm nấu xong đem trải trên mẹt rồi rải men lên trên và trộn đều
- Bước 6: Cho phần cơm đã trộn vào hộp đựng, nén dẹt xuống, bọc kín bằng màng bọc thực phẩm và cất nơi khô ráo 2 ngày để cơm nếp lên men
- Bước 7: Khi cơm đã lên men, cắt từng miếng nhỏ
- Bước 8: Nấu nước đường theo tỉ lệ 500ml nước với 200g đường, để nguội sau đó cho vào cơm rồi đậy trong hộp kín
Phần cơm rượu cùng nước đường có thể dùng được sau nửa ngày. Nước rượu nếp có thể bảo quản tủ lạnh, khi uống cho thêm đá, ăn kèm cơm rượu nếp sẽ rất ngon.
Làm cơm rượu Tết Đoan Ngọ miền Nam
Cơm rượu nếp miền Nam có hương vị mềm thơm, ngọt dịu. Người miền Nam thường bắt đầu Tết Đoan Ngọ cùng món cơm rượu - xôi vò để diệt trừ sâu bọ, sau đó thưởng thức thêm món bánh ú truyền thống.
Nguyên liệu cần có
- 1kg gạo nếp
- 1 lít nước
- 15 viên men nhỏ
- 1 xấp lá chuối
Ngoài ra, cần chuẩn bị thêm:
- Thố đựng cơm
Cách chế biến món cơm rượu
- Bước 1: Lá chuối rửa sạch, để ráo
- Bước 2: Gạo nếp vo sạch, để ráo
- Bước 3: Men làm sạch trấu sau đó giã nhuyễn
- Bước 3: Đun sôi 1 lít nước sau đó cho nếp và nước vào nồi, nấu chín
- Bước 4: Sau khi cơm chín, xới ra khay thành lớp mỏng, để nguội.
- Bước 5: Rây đều men lên mặt cơm sau đó nặn thành những viên nhỏ rồi dùng lá chuối cuốn lại
- Bước 6: Dùng lá chuối lót đáy và thành thố đựng rồi xếp viên cơm thành từng lớp, trên cùng tàu lá để đậy
- Bước 7: Đậy nắp thố, trùm thêm 2 lớp nylon rồi buộc kín lại ủ trong 3 đến 5 ngày
Sau thời gian ủ, lấy lá chuối ra và xếp cơm rượu cùng nước rượu vào thố khác rồi bảo quản tủ lạnh. Khi thưởng thức, nếu thích cơm có vị ngọt hơn, bạn có thể thêm nước đường vào.