Tiếp Thị Gia Đình

Thứ tư, 16/08/2023, 16:00 (GMT+7)

Máy đuổi muỗi sử dụng công nghệ sóng từ, sóng siêu âm có hiệu quả như quảng cáo?

Dịch sốt xuất huyện tăng nhanh, nhiều gia đình mua máy đuổi muỗi về sử dụng nhưng lại không biết rằng những loại máy này vô tác dụng, thậm chí gây hại cho sức khỏe.

Không có nghiên cứu nào chứng minh hiệu quả của máy đuổi muỗi

Thời gian gần đây, dịch bệnh sốt xuất huyết ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp tại Hà Nội. Để ứng phó với tình hình hiện tại, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã nhanh chóng triển khai các hoạt động cao điểm, chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết trong tháng 8 và tháng 9. Cụ thể cần thực hiện vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại những nơi có nguy cơ cao, phun diện rộng tại các địa phương có ổ dịch phức tạp. Tăng cường giám sát chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh. Bên cạnh đó, CDC cũng yêu cầu 100% các khu vực có ca bệnh, ổ dịch phải giám sát côn trùng để đánh giá nguy cơ và triển khai các biện pháp phù hợp.

Để phòng chống dịch bệnh, nhiều hộ gia đình ở Hà Nội đã nhanh chóng mua các thiết bị diệt muỗi như máy đuổi muỗi, đèn bắt muối về dùng. Như đã thông tin ở bài viết trước, trên thị trường hiện nay quảng cáo rất nhiều thiết bị diệt muỗi với giá thành từ vài chục tới vài trăm nghìn. Mặt hàng này đa dạng từ sóng điện từ tới sóng siêu âm, ánh sáng vật lý… Không những quảng cáo bắt được muỗi, mà còn đuổi được các loài côn trùng khác như nhện, gián, ve sầu và thậm chí là chuột.

máy đuổi muỗi
Máy đuổi muỗi sóng siêu âm được quảng cáo nhiều trên thị trường

Xuất phát từ nhu cầu của người tiêu dùng nên hiện nay sản phẩm diệt muỗi, bắt và đuổi muỗi được quảng cáo, rao bán rất nhiều. Trước việc người dân đổ xô mua loại thiết bị này, TS Nguyễn Văn Khải (Nguyên cán bộ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) khẳng định, dù được quảng cáo làm từ công nghệ gì đi chăng nữa thì cũng không có loại máy nào đuổi được côn trùng.

Theo ông Khải, những dòng sản phẩm này được quảng cáo bằng các thuật ngữ nghe rất khoa học, thế nhưng đó lại là trò bịp bợm. Thực tế sóng điện từ có thể đuổi được côn trùng nhưng chỉ có tác dụng trong môi trường với cường độ sóng nhất định. Ở môi trường sống bình thường của con người thì loại sóng này không tác động gì mấy tới côn trùng. Đáng chú ý là loại sóng này vốn không hề có lợi đối với sức khỏe con người.

Còn đối với dòng máy công nghệ sóng siêu âm, TS Khải cho biết, dưới ngưỡng 20Hz gọi là sóng hạ âm, còn trên 20KHz (20.000HZ) gọi là sóng siêu âm. Trong khoảng tần số âm thanh từ 20 - 20KHz, tai con người đều có thể nghe được. Hiện nay các loại máy diệt muỗi, đuỗi muỗi lại sử dụng sóng có tần số từ 16 – 65KHz và quảng cáo hoàn toàn an toàn với người dùng. Điều này cho thấy dù không ảnh hưởng tới thính lực cũng như cấu trúc tai nhưng có thể tác động xấu tới sức khỏe của con người.

máy đuổi muỗi2
Những dòng máy này được bán rất nhiều trên các sàn thương mại điện tử

Rất nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng sóng hạ âm gây ra những ảnh hưởng tới sức khỏe như nôn nao, khó chịu, chóng mặt, nhức đầu, đau nhức xương khớp. Những phản ứng này được cho là do sóng hạ âm làm các phân tử ở thế bào dao động mức vi thể.

Cũng quan điểm với TS Khải, GS Bùi Công Hiển (Đại học KHTN, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay không có cơ sở khoa học hay nghiên cứu nào chứng minh những thiết bị đuổi muỗi này có tác dụng. Về nguyên lý, âm thanh trong giao tiếp sinh học có thể xua đuổi hoặc hấp dẫn côn trùng, tuy nhiên với loại muỗi nào, tần số bao nhiêu thì phải có những tính toán cụ thể.

GS Hiển cho rằng nhiều khi người bán hàng quảng cáo sản phẩm chỉ dựa trên nguyên lý, bởi các thiết bị muỗi công nghệ sóng siêu âm không có tác dụng ngăn ngừa muỗi cắn.

Các cách diệt và đuổi muỗi hiệu quả

Theo các chuyên gia y tế, để phòng tránh côn trùng, đặc biệt là muỗi một cách hiệu quả thì nhà cửa phải sạch sẽ, rác thải được thu gom cẩn thận, không có những nơi chứa nước lưu cữu. Ở những nơi trồng cây thì cần thường xuyên cắt tỉa, dọn dẹp, tránh tình trạng biến vườn cây xanh thành nơi ẩn nấp, sinh sôi của côn trùng. Bên cạnh đó, chúng ta có thể áp dụng các biện pháp xông tinh dầu, đốt vỏ cam, quýt khô….

Được biết các loại muỗi, nhất là muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thường gây bùng dịch ở những nơi dân cư đông đúc, khu vực vệ sinh môi trường kém. Ở những nơi có nước, muỗi sẽ tồn tại bởi chúng thích đẻ trứng ở những nơi nước sạch, nước mưa.

xông tinh dầu
Có thể xua đuổi muỗi bằng cách xông tinh dầu

Điều đáng lưu ý là bọ gậy thường chỉ sống ở môi trường nước ngọt do nồng độ muối thấp. Chúng thường xuyên ngoi lên mặt nước để thở. Để diệt bọ gậy, cách tốt nhất là đổ muối hoặc dùng dầu ăn, dầu nhớt để hòa cùng với nước.

Thời tiết nồm ẩm là điều kiện thuận lợi nhất để sinh sản, vì vậy muỗi sẽ tìm mọi cách để hút máu và đây cũng là thời điểm diệt muỗi hiệu quả nhất. Chúng ta có thể mở nắp lọ dầu gió trong nhà, khi ngửi thấy muỗi sẽ tự bay đi. Hoặc đốt bồ kết, hương nhu, bã mía… để tạo khói xua đuổi muỗi.

GS Bùi Công Hiển cũng chỉ ra cách đuổi muối khá đơn giản đó là dùng những chai lọ không sử dụng, cho vào đó 3 – 5ml bia hoặc nước đường. Sau đó đặt vào nơi có nhiều muỗi, ruồi trú ẩn. Những con côn trùng này sẽ tự động bay đến dính vào chai và chết.

Cùng chuyên mục