Quảng cáo lòng xe điếu rầm rộ trên mạng xã hội: Chiêu trò kéo khách hay gian lận thương mại?
Là đặc sản thuộc hàng hiếm, không phải muốn ăn lúc nào cũng có, thế nhưng lòng xe điếu lại được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội, thậm chí có kích thước lên đến 40 mét. Thực hư của những lời quảng cáo này ra sao?
Đặc sản hiếm được 'phù phép'?
Những ngày qua, "lòng xe điếu" đã và đang là thành chủ đề thu hút sự quan tâm, từ mạng xã hội đến hành lang Quốc hội liên tục có những thông tin xoay quanh chủ đề này. Đặc biệt, khi cộng đồng mạng chia sẻ lại một đoạn clip quảng cáo về cỗ lòng xe điếu dài 40 mét của một chủ nhà hàng quay vào năm 2024. Theo giới thiệu, chủ cơ sở này sở hữu chuỗi quán chuyên về các món lòng lợn ở Hà Nội và TP HCM.
Đoạn clip này sau khi được chia sẻ rầm rộ đã gây tranh cãi. Bởi lâu nay, món lòng se điếu là một đặc sản hiếm, không phải muốn ăn lúc nào cũng có. Trao đổi với báo chí, ông Phạm Xuân Dinh, chủ một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm xuất khẩu tại tỉnh Thanh Hóa cho biết, thực ra thì lòng se điếu chủ yếu xuất hiện ở lợn nái (lợn sề), cứ khoảng 100 con thì mới có 1, 2 bộ, gần như không gặp ở lợn sữa hay lợn nuôi công nghiệp.

Liên quan đến cỗ lòng se điếu dài 40 mét của một chủ nhà hàng chia sẻ trên mạng xã hội, ông Dinh cho rằng điều đó là không thể, tổng cả chiều dài bộ lòng cũng chưa đến mức đó. Nếu có xuất hiện lòng se điếu cũng chỉ khoảng 0,5 mét.
Một chủ lò mổ heo lâu năm tại TP. Hà Nội cũng cho biết, lòng se điếu tự nhiên cực kỳ hiếm, thường chỉ xuất hiện ở những con heo cái sống lâu năm và gầy yếu. “Mỗi tối làm 50-70 con nhưng nhiều khi hai ba tháng không có con nào có lòng se điếu. Trên mạng quảng cáo tràn lan nhưng thật ra giờ không có đâu”, ông khẳng định.
Tuy nhiên, trên các nền tảng mạng lòng se điếu lại được rao bán rầm rộ với giá cao gấp nhiều lần lòng heo thông thường. Điều này làm dấy lên nghi ngờ về nguồn gốc mặt hàng lòng xe điếu được rao bán trên thị trường.
Nhiều người cho rằng, lòng se điếu tự nhiên không thể có số lượng lớn, càng không thể đạt kích thước 'khổng lồ' như một số cửa hàng quảng cáo. Thậm chí, có người còn cho rằng, đây có thể là sản phẩm đã qua "can thiệp" bằng việc ngâm tẩm hóa chất để tạo hình dáng khác thường, tạo độ giòn và tăng giá trị.
Thông tin với báo chí, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM nhận định, việc lòng se điếu được quảng cáo rầm rộ trên thị trường là hành vi gian lận thương mại để tăng lợi nhuận. Hiện, Sở ATTP đã và đang tiến hành kiểm tra một số cơ sở và lấy mẫu mặt hàng này, kiểm nghiệm các yếu tố gây hại cho sức khỏe; đồng thời, truy xuất nguồn gốc và làm rõ có sự giả mạo hay không.
Tại Hà Nội, ông Nguyễn Quang Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cũng cho biết đã tiếp nhận và phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ theo đúng thẩm quyền. Các bước truy xuất nguồn gốc thực phẩm đang được triển khai.
Chiêu trò quảng cáo tiềm ẩn rủi ro pháp lý
Trong bối cảnh thương mại điện tử và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, việc sử dụng các nội dung quảng cáo độc lạ, thậm chí phóng đại để thu hút sự chú ý không còn xa lạ. Hình ảnh một món ăn “hiếm có khó tìm” không chỉ kích thích tò mò mà còn đánh vào tâm lý sợ bỏ lỡ (FOMO) của người tiêu dùng, thúc đẩy họ chi tiền để trải nghiệm. Tuy nhiên, hình thức quảng cáo này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về pháp lý.
Liên quan đến vụ quảng cáo cỗ lòng se điếu mới đây, luật sư Trần Thị Loan - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, chủ quán đã đạt được mục đích quảng bá thương hiệu và thu hút khách hàng thông qua chiêu trò quảng cáo cỗ lòng se điếu dài 40 mét.
Tuy nhiên, việc quảng cáo này đối mặt với nhiều ý kiến phản bác từ các chuyên gia trong ngành chăn nuôi và giết mổ, cho thấy dấu hiệu thiếu trung thực. Nếu không chứng minh được nguồn gốc, chất lượng sản phẩm và tính xác thực của nội dung quảng cáo, chủ quán có thể vi phạm quy định về quảng cáo sai sự thật, thổi phồng sản phẩm để tăng giá trị và lợi nhuận. Đây là dấu hiệu của gian lận thương mại, có thể bị xử lý theo quy định pháp luật.

Cũng theo luật sư, Điều 8 Luật quảng cáo năm 2012 quy định một trong những hành vi bị cấm trong quảng cáo là: “Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố”.
Theo đó, nếu như qua quá trình kiểm tra, xác minh, cơ quan có thẩm quyền có kết quả cho thấy chủ quán lòng này đã quảng cáo không đúng sự thật về khản nằn cung cấp sản phẩn, chất lượng và đặc điểm của sản phẩm lòng thì hành vi của chủ quán là hành vi vi phạm pháp luật. Với hành vi này, chủ quán có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng theo quy định tại khoản 5 Điều 34 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP. Ngoài ra, người có hành vi vi phạm sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc xóa nội dung quảng cáo vi phạm và phải cải chính lại thông tin.
Hiện nay, việc các thương nhân, các cơ sở kinh doanh quảng cáo thương hiệu, sản phẩm của mình đến người tiêu dùng là một trong những phương thức xúc tiến thương mại đang mang lại hiệu quả cao, đặc biệt trong hoàn cảnh bùng nổ cả thời đại truyền thông và thương mại điện tử như hiện nay. Tuy nhiên, để xây dựng thương hiệu, uy tín là cả một quá trình dài để gặt hái được thành quả.
Luật sư khuyến cáo, các thương nhân, cơ sở kinh doanh khi thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại nói chung và hoạt động quảng cáo nói riêng cần hết sức cân nhắc và cẩn trọng, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật để nội dung quảng cáo vừa đạt được hiệu quả truyền thông nhưng cũng giữ được tính trung thực, khách quan cho thương hiệu, sản phẩm của mình. Không nên vì chút hiệu ứng truyền thông nhất thời mà đánh mất niềm tin của người tiêu dùng.
Người dân cần hết sức tỉnh táo khi tiếp cận với các nội dung quảng cáo, tránh tình trạng phải bỏ ra một số tiền rất lớn để nhận về một sản phẩm không xứng đáng với giá trị thực tế, thậm chí là những sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng và không đảm bảo chất lượng. Nếu không may trở thành nạn nhân của những nội dung quảng cáo không đúng sự thật và nhận về những sản phẩm không đạt chất lượng, người dân có thể liên hệ, phản ánh với các cơ quan có thẩm quyền để các cơ quan này vào cuộc xác minh và bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.