Thứ bảy, 12/10/2024, 07:18 (GMT+7)

Liên tiếp phát hiện, thu hồi các loại thuốc vi phạm chất lượng, nghi không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn Hà Nội, người tiêu dùng cần biết để tránh mua phải

Hàng loạt loại thuốc vi phạm chất lượng về các chỉ tiêu độ mịn, tính chất, định lượng và nghi ngờ thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ vừa được Sở Y tế Hà Nội ra thông báo thu hồi.

Thu hồi hàng loạt loại thuốc vi phạm chất lượng trên địa bàn Thủ đô

Cụ thể, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội ra thông báo thu hồi trên địa bàn Hà Nội và các cơ sở đã mua lô thuốc Cendemuc (Acetylcystein 200mg); số GĐKLH: VD-21773-14; số lô: 03/0123; Ngày sản xuất: 27/01/2023; Hạn dùng: 27/01/2026 do Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Dương Nhung cung cấp, Công ty CP Dược Trung ương 3 sản xuất, vi phạm chất lượng về chỉ tiêu độ mịn, theo Cổng thông tin điện tử Sở Y tế Hà Nội.

Mẫu thuốc do Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương lấy tại Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Dương Nhung (quầy 511, tầng 5, Hapu Medicenter, số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội).

thuoc1
Ảnh minh họa.

Tiếp đó, Sở Y tế Hà Nội cũng ra thông báo thu hồi trên địa bàn thuốc viên nang mềm SOS Fever® Fort (Ibuprofen 400mg), SĐK: VN-26102-17, số lô: B4001, NSX: 22/02/2024, HD: 22/02/2027, do Công ty CP dược phẩm Ampharco U.S.A sản xuất, Công ty CP Dadison Hoa Kỳ (có địa chỉ tại quầy 431, tầng 4, Hapu Medicenter, số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân) cung cấp, không đạt yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu tính chất (vi phạm chất lượng mức độ 3).

Được biết, thuốc SOSFever Fort là thuốc được cấp phép dưới dạng thuốc kê đơn, được điều chế dạng viên nang mềm, có công dụng giúp điều trị đau mỏi vai gáy, đau nhức xương khớp, hạ sốt, chống viêm hoặc chấn thương do thể thao dây ra.

Tương tự, Sở Y tế Hà Nội thông báo thu hồi trên địa bàn Hà Nội và các cơ sở đã mua lô thuốc do Công ty TNHH Quốc tế Nhật Thành Pharma cung cấp: Thuốc viên nén Alphatrypa DT (Chymotrypsin 4,2mg); SĐT: VN-26281-17; số lô: 84324; Ngày sản xuất: 25/05/2024; Hạn dùng: 25/05/2026; Nơi sản xuất, phân phối: Công ty CP Dược phẩm Trung ương I- Pharbaco; không đạt tiêu chuẩn chất lượng về các chỉ tiêu định lượng (vi phạm chất lượng mức độ 2).

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các doanh nghiệp nêu trên thực hiện thu hồi triệt để thuốc Cendemuc (Acetylcystein 200mg), thuốc viên nang mềm SOS Fever® Fort, thuốc viên nén Alphatrypa DT (Chymotrypsin 4,2mg) không đảm bảo chất lượng nêu trên và gửi báo cáo, hồ sơ thu hồi về Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) và Sở Y tế Hà Nội theo quy định.

Cùng đó, các cơ sở y tế, cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc trên địa bàn khẩn trương rà soát, thu hồi lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng nêu trên. Phòng Y tế các quận, huyện, thị xã thông báo đến các cơ sở hành nghề trên địa bàn quản lý; tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện thu hồi của cơ sở (nếu có). Sở Y tế Hà Nội sẽ kiểm tra, giám sát việc thu hồi của các đơn vị.

Ngoài ra, Sở Y tế Hà Nội cũng thông báo đến các cơ sở y tế, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn, Phòng Y tế 30 quận, huyện, thị xã về thuốc Zinnat tablets 500mg nghi ngờ không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Trước đó, ngày 4/10/2024, Sở Y tế Hà Nội nhận được văn bản của Cục Quản lý Dược thông báo thuốc Zinnat tablets 500mg nghi ngờ không rõ nguồn gốc xuất xứ. Cụ thể trên nhãn ghi: Zinnat tablets 500mg; nhãn bao bì ngoài của thuốc không tuân thủ các quy định tại Thông tư số 01/2018/TT-BYT ngày 18/01/2018 của Bộ Y tế quy định ghi nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc (được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 23/2023/TT-BYT ngày 30/11/2023 của Bộ Y tế).

Theo đó,  những nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn thuốc không được ghi bằng tiếng Việt; không có thông tin nhà nhập khẩu; không có số giấy đăng ký lưu hành hoặc số giấy phép nhập khẩu. Các mẫu thuốc trên được phát hiện tại TP Hà Nội, TP HCM (các nhà thuốc xung quanh khu vực Bệnh viện Chợ Rẫy), TP Cần Thơ, tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Tiền Giang.

Để đảm bảo hiệu quả điều trị và an toàn cho người sử dụng, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở y tế, các cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc trên địa bàn không kinh doanh, phân phối, sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ; rà soát hoạt động của cơ sở, nếu phát hiện thấy thuốc Zinnat tablets 500mg có thông tin như đã nêu, khẩn trương thông báo về Sở Y tế (Thanh tra Sở) để có biện pháp xử lý.

Phòng Y tế các quận, huyện, thị xã thông báo đến các cơ sở hành nghề trên địa bàn quản lý không kinh doanh, phân phối, sử dụng các thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ; tiếp nhận thông tin từ cơ sở, phối hợp với các phòng ban liên quan tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn, xác minh thông tin và truy tìm nguồn gốc thuốc Zinnat tablets 500mg nêu trên, xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội rà soát thuốc nêu trên trong quá trình đi lấy mẫu; tăng cường lấy mẫu kiểm tra chất lượng thuốc đối với các thuốc có nguy cơ bị làm giả hoặc kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, báo cáo về Sở Y tế để có biện pháp xử lý.

Văn phòng Sở Y tế phối hợp với các cơ quan truyền thông, thông tin tới các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc và người dân biết để không buôn bán, sử dụng các thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ. Khuyến cáo người dân thông tin đến đường dây nóng của Sở về thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ ngay khi phát hiện.

Hệ lụy khi sử dụng thuốc kém chất lượng

Những thông báo về thu hồi thuốc khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng, bởi khi thông báo thu hồi được đưa ra thì nhiều loại thuốc kém chất lượng đã “chễm chệ” nằm trên quầy thuốc của một số cơ sở kinh doanh, nhà thuốc bệnh viện, trong tủ thuốc của nhiều gia đình, nhiều bệnh nhân và cả ở trong... dạ dày nhiều người.

Thực tế đã và đang có nhiều những sai phạm liên quan đến chất lượng thuốc mà ngành Y tế phát hiện được qua công tác kiểm tra, giám sát như hàm lượng không đúng với công bố; một số thuốc có chứa chất cấm, gây hại sức khỏe người dùng; tờ hướng dẫn sử dụng thuốc không cập nhật chống chỉ định và cảnh báo đối với các thuốc có chứa hoạt chất có thể tác động tiêu cực tới sức khỏe người dùng.

Theo khoản 2, Điều 63 Luật Dược 2016 quy định về hình thức thu hồi, mức độ vi phạm, phạm vi và thời gian thu hồi và xử lý thuốc bị thu hồi, theo đó có 3 mức độ vi phạm chất lượng của thuốc bao gồm: a) Mức độ 1 là mức độ mà thuốc có nguy cơ gây tổn hại nghiêm trọng đối với sức khỏe hoặc ảnh hưởng đến tính mạng của người sử dụng;

b) Mức độ 2 là mức độ mà thuốc có bằng chứng không bảo đảm đầy đủ hiệu quả điều trị hoặc có nguy cơ không an toàn cho người sử dụng nhưng chưa đến mức gây tổn hại nghiêm trọng đối với sức khỏe hoặc chưa ảnh hưởng đến tính mạng của người sử dụng;

c) Mức độ 3 là mức độ không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này mà do các nguyên nhân khác nhưng không ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị và an toàn khi sử dụng.

Thông tin trên báo chí, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, người bệnh sẽ phải đối diện với những di chứng khó lường khi không may sử dụng phải thuốc kém chất lượng. Chẳng hạn, với một bệnh nhân bị đái tháo đường được chỉ định sử dụng thuốc hạ đường huyết, nhưng do mua phải thuốc kém chất lượng nên đường huyết chẳng những không xuống mà còn tăng cao, rất dễ tử vong. Bên cạnh đó, ngoài không bảo đảm các hoạt chất như đã đăng ký, thuốc kém chất lượng còn có thể chứa các chất có tác dụng phụ gây hại cho sức khỏe như gây dị ứng, nhiễm độc...

Theo các chuyên gia y tế, nạn thuốc giả, thuốc kém chất lượng hoành hành gây nguy hại rất lớn cho người bệnh. Khi dùng thuốc giả, người bệnh có thể phải tốn rất nhiều tiền để trả tiền mua thuốc, nhưng bệnh không thuyên giảm, thậm chí còn nặng hơn.

Nhiều trường hợp người bệnh nặng cần phải sử dụng các loại thuốc đặc trị, kháng sinh, nhưng do dùng phải thuốc giả nên “thời điểm vàng” để cứu sống bệnh nhân trôi qua, dẫn đến hậu quả bệnh ngày càng nặng thêm, thậm chí có thể tử vong.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để kiểm soát tốt chất lượng thuốc chữa bệnh, người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức về thuốc, luôn khám bệnh và nhận tư vấn, kê đơn của bác sĩ; chọn mua thuốc ở những cơ sở lớn, có tên tuổi, địa chỉ tin cậy; tuyệt đối không nghe theo quảng cáo, truyền miệng, mua thuốc bán trên mạng.

Khi mua thuốc cần quan sát kỹ bao bì, thời hạn sử dụng ghi trên sản phẩm; ghi nhớ thông tin về những loại thuốc đã bị làm giả, thuốc kém chất lượng do cơ quan quản lý dược công bố để tránh “tiền mất tật mang”. Người dân tuyệt đối không mua thuốc xách tay, thuốc được bán qua mạng internet từ các quốc gia chưa có luật pháp kiểm soát loại hình bán thuốc này. Khi sử dụng thuốc, nếu có sự nghi ngờ về tác dụng, hiệu quả nên dừng ngay và nhờ các dược sĩ, bác sĩ tư vấn.

Trả lời kiến nghị của cử tri về tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng đang tồn tại dai dẳng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế đang xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược 2016; trong đó có sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến công tác quản lý chất lượng thuốc theo hướng minh bạch, chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, Bộ Y tế tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực dược theo quy định của pháp luật, nhằm ngăn chặn việc sản xuất và đưa ra lưu thông thuốc giả, thuốc kém chất lượng.

Cùng chuyên mục