Tiếp Thị Gia Đình

Thứ hai, 22/01/2024, 14:47 (GMT+7)

Lên bản người Mông khám phá lễ hội Gầu Tào đầu xuân

Đến với lễ hội Gầu Tào, du khách không chỉ có cơ hội thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc mang đậm bản sắc văn hóa của người Mông mà còn được tham quan các gian hàng ẩm thực, nông sản, các sản phẩm đặc trưng của đồng bào nơi đây.

Gầu Tào (Grauk Tax) theo tiếng Mông có nghĩa là “địa điểm chơi”, “chơi ngoài trời”. Đây là một lễ hội quan trọng, thể hiện nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người Mông được giữ gìn từ xưa đến nay. 

Theo truyền thuyết, những cặp vợ chồng không có con hoặc sinh con một bề, muốn sinh con được như ý muốn thì người chồng sẽ lên một quả đồi nào đó để cầu xin thần đồi, thần núi phù hộ gia đình sinh được con. Gia đình sẽ tổ chức lễ hội Gầu Tào trong 3 năm hoặc 5 năm để mời anh em, họ hàng, bà con người Mông đến chia vui và tạ ơn các vị thần đã giúp đỡ. Sau một thời gian về nhà mà người vợ mang thai, sinh được người con như ý muốn thì gia đình sẽ nhờ thầy cúng xem bói, gieo quẻ xin được tổ chức lễ hội Gầu Tào như đã hứa với các vị thần.

gautao
Lễ hội Gầu Tào của người Mông. (Ảnh: Hồng Phong)

Ngày nay, bên cạnh việc cầu con - cầu phúc thì lễ hội Gầu Tào còn được tổ chức với mục đích cầu mệnh nếu gia đình có người ốm đau bệnh tật, con cái yếu ớt. Ngoài ra còn cầu cho dân bản mùa màng bội thu, thóc lúa đầy sân, trâu bò, gia súc, gia cầm đầu chuồng. Theo đó, mục đích của lễ hội Gầu Tào là để cúng tạ ơn trời đất, thần linh phù hộ cho gia đình  khỏe mạnh, phúc may, an lành; dân làng thịnh vượng. 

Về phần lễ, nếu gia chủ muốn cầu phúc thì phải nhờ người có cả con trai và con gái còn nếu muốn cầu mệnh thì phải cử hai thanh niên khỏe mạnh trong dòng họ vào rừng, chặt mai về dựng nêu. Cây mai được chọn phải thẳng, không cụt ngọn, ngọn dài có lá, thân cây không được chạm đất trong quá trình di chuyển. Trước khi chặt cây, gia đình phải làm lễ xin chặt cây, sau đó mới được chặt. Lễ dựng nêu thường được tổ chức ở những quả đồi gần đường đi, tương đối bằng phẳng và thoáng đáng, trên đỉnh đồi là nơi chôn cây nêu.

4xhs_21a_w550
Các cô gái Mông trong trang phục dân tộc sặc sỡ vui trong trò ném còn. (Ảnh: Thanh Thuận)

Tùy từng vùng mà cây nêu trong lễ hội Gầu Tào của người Mông có sự khác nhau. Chẳng hạn, ở Mường Khương cây nêu chỉ treo một miếng vải đỏ và dải vải đen, ở Sapa lại chỉ treo một dải vải đỏ. Phía dưới sợi vải treo lủng lẳng bầu rượu ngon và một dây tiền giấu bản. Sau khi dựng xong cây nêu, gia chủ sẽ làm lễ cúng ở ngay chân cây nêu để mời tổ tiên và các thần phù hộ cho có con, gia đình, dân làng khỏe mạnh, mùa màng bội thu.

Sau những những thủ tục lễ bái của thầy cúng, mọi người không kể trai gái, già trẻ đều hòa mình vào các hội chơi: thi bắn nỏ, chọi quay, múa khèn, hát sinh tiền, múa hát Gâu Phềnh… 

Lễ hội Gầu Tào là một trong những lễ hội tiêu biểu, thể hiện những giá trị văn hóa truyền thống, mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc của đồng bào dân tộc Mông. Qua đó cho thấy mong ước rất nhân văn của con người: mong được khỏe mạnh, may mắn, phát tài phát lộc, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm, bản làng yên vui, được gặp gỡ giao lưu sau những ngày lao động vất vả. 

20150223165848-dsc-0311
Lễ hội thu hút nhiều người tham gia. (Ảnh: Quốc Dũng)

Đây còn là dịp để mỗi người được giao hòa với thế giới tâm linh và thế giới thực tại, giao hòa giữa người với thiên nhiên, nơi lưu giữ và truyền lại những vốn văn hóa truyền thống cho các thế hệ kế tiếp.

Lễ hội thường diễn ra trong 2-3 ngày đầu xuân. Năm nay, lễ hội Gầu Tào huyện Mường Khương sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ mùng 4 đến mùng 6 tháng Giêng Tết Giáp Thìn; huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang sẽ diễn ra trong 2 ngày mùng 4 và mùng 5 tháng Giêng Tết Giáp Thìn...

Đến với lễ hội Gầu Tào, ngoài việc được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc mang đậm bản sắc văn hoá, du khách còn được tham quan các gian hàng ẩm thực, nông sản, các sản phẩm đặc trưng của đồng bào vùng cao. Lễ hội hứa hẹn sẽ mang đến những trải nghiệm thú vị đối với du khách dịp đầu xuân. 

Cùng chuyên mục