Thứ tư, 10/05/2023, 09:00 (GMT+7)

Mèo Vạc, Hà Giang: Một thoáng Tây Bắc với các lễ hội, chợ phiên đặc sắc

PT (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Mèo Vạc là một Thị trấn nhỏ tại Hà Giang, nơi đây gây thương nhớ bởi nhiều cảnh đẹp thiên nhiên hữu tình, thơ mộng và nhiều lễ hội, chợ phiên đặc sắc.

Bài viết này thuộc series Du lịch

Xem thêm

Mèo Vạc, Hà Giang ở đâu?

Mèo Vạc là thị trấn huyện lỵ của huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, Việt Nam, cách trung tâm thành phố Hà Giang 164 km. Thị trấn Mèo Vạc có quốc lộ 4C đi qua và là điểm đầu cuối của đường tỉnh 176 và 217. 

Mèo Vạc là một trong những điểm thu hút nhiều khách du lịch Hà Giang những năm trở lại đây. Mèo Vạc với địa hình núi đá vôi là chủ yếu, ít đất nông nghiệp. Nhưng với đặc điểm của vùng cao Tây Bắc, Mèo Vạc vẫn sở hữu những ruộng bậc thang độc đáo, uốn lượn trùng điệp.  

Thị trấn Mèo Vạc được thiên nhiên ban tặng cho cảnh quan hùng vĩ, với đèo Mã Pì Lèng, chợ tình Khâu Vai, nền văn hóa và ẩm thực vô cùng độc đáo.

Mèo Vạc có thời tiết ra sao?

Hà Giang có khí hậu vô cùng khắc nghiệt, mùa đông kéo dài từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 9, còn lại là mùa khô. 

Theo kinh nghiệm du lịch Mèo Vạc, Hà Giang thì thời gian đẹp nhất để đến Mèo Vạc là khoảng tháng 10 đến tháng 12 – lúc những cánh đồng hoa tam giác mạch nở rộ.

mèo vạc tiepthigiadinh
Khí hậu tại Mèo Vạc, Hà Giang vô cùng khắc nghiệt (Ảnh:ST)

Di chuyển đến Mèo Vạc, Hà Giang như thế nào?

Nếu tự di chuyển, bạn có thể đến Hà Giang bằng phương tiện xe máy hoặc xe ô tô.

Dù đi xe máy hay xe ô tô , thì để đến được Hà Giang bạn phải đi qua 2 chặng, từ Hà Nội đến thành phố Hà Giang, rồi mới di chuyển đến Thị trấn Mèo Vạc.

Chi tiết các chặng đường di chuyển đến Mèo Vạc như sau:

Chặng 1

Hà Nội – QL32  Sơn – Tây – cầu Trung Hà – Cổ Tiết – cầu Phong Châu (qua cầu Phong Châu rẽ tay trái) – men theo sông Thao tới thị xã Phú Thọ – Đoan Hùng rồi rẽ đi Tuyên Quang – theo quốc lộ 2 tới Hà Giang (chiều dài khoảng 300 km).

Hà Nội – Vĩnh Phúc – Việt Trì – Phú Thọ – Tuyên Quang – Hà Giang (hay tới quốc lộ 2C và quốc lộ 2, dài khoảng 280 km).

Chặng 2

Từ trung tâm thành phố Hà Giang muốn tới Mèo Vạc thì du khách đi theo tuyến Quản Bạ – Yên Minh – Đồng Văn – Mèo Vạc thông qua quốc lộ 4C. Tuy nhiên do địa hình vùng núi Hà Giang khá khó di chuyển, nên bạn cần cẩn thận, chắc tay lái trong quá trình di chuyển.

Xe khách - Phương tiện được nhiều người lựa chọn

Để đi thẳng từ từ Hà Nội lên thẳng Mèo Vạc, bạn có thể chọn phương tiện di chuyển là xe khách với giá vé dao động từ 170.000 vnđ – 220.000 vnđ/lượt. Xe khách không chỉ thuận tiện mà còn đảm bảo an toàn tốt hơn.

Top các địa điểm nên đến ở Mèo Vạc và Hà Giang

Hẻm vực Tu Sản - đệ nhất hùng quan nơi địa đầu Tổ quốc

Một trong những kỳ vĩ Hà Giang mà bạn không thể bỏ lỡ là hẻm vực Tu Sản. Nằm dưới chân đèo Mã Pí Lèng - một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam. Hẻm vực Tu Sản tọa lạc trong khu vực thung lũng với kiến tạo địa chất độc đáo cùng cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, trữ tình. 

Đây cũng là hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á, với chiều cao vách đá lên tới 700 – 900m và có chiều dài lên tới 1.7m, mang đến một di sản địa chất độc nhất vô nhị cho mảnh đất Hà Giang hùng vĩ.

mèo vạc tiepthigiadinh
Hẻm vực kỳ vĩ nhất Đông Nam Á (Ảnh:ST)

Để chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp của hẻm vực Tu Sản và dòng sông Nho Quế, bạn có thể dừng chân trên đỉnh Mã Pí Lèng. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể thuê người dân bản địa chở xuống các bến thuyền để khám phá du lịch hẻm Tu Sản bằng đường sông.

Có 2 con đường xuống hẻm Tu Sản, một đường đi xe máy 16km/2 chiều, chi phí 150.000 đồng; một đường đi bộ gần 2 km leo vách núi có bậc thang dựng đứng. Giá vé đi thuyền dọc sông Nho Quế từ 100.000 đồng/lượt.

Những hoạt động nên trải nghiệm ở hẻm vực Tu Sản, Mèo Vạc

  • Ngồi thuyền lênh đênh trên dòng sông Nho Quế
  • Chèo thuyền kayak
  • Check-in với background thiên nhiên kỳ vĩ

Đèo Mã Pí Lèng - tứ đại đỉnh đèo Việt Nam

“Tứ đại đỉnh đèo” hùng vĩ ở vùng núi phía Bắc nước ta, bao gồm: đèo Ô Quy Hồ (nối liền Lào Cai và Lai Châu), đèo Pha Đin (nối liền Sơn La và Điện Biên), đèo Khau Phạ (Yên Bái) và cuối cùng là đèo Mã Pí Lèng (Mèo Vạc, Hà Giang).

mèo vạc tiepthigiadinh
Đèo Mã Pì Lèng - Một trong "tứ đại đỉnh đèo" Việt Nam (Ảnh:ST)

Đèo Mã Pì Lèng hay còn gọi là Mã Pí Lèng, Mã Pì Lèng (nghĩa là “sống mũi con ngựa”) được mệnh danh là vua của các con đèo ở vùng núi Tây Bắc, là cung đường đèo hiểm trở dài khoảng 20km, thuộc xã Pả Vi và Pải Lủng, huyện Mèo Vạc và xã Tả Lủng huyện Đồng Văn.

Đỉnh Mã Pì Lèng nằm ở độ cao 1.200m thuộc Cao nguyên đá Đồng Văn trên con đường mang tên Hạnh Phúc nối liền thành phố Hà Giang với các huyện Đồng Văn và Mèo Vạc. 

Từ trên đỉnh Mã Pì Lèng, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh Cao nguyên đá Đồng Văn. Khung cảnh núi non hùng vĩ với một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu sông Nho Quế nước xanh màu ngọc bích. 

Dọc đường đi du khách có thể dễ dàng thấy những dãy núi đá tai mèo cao vút với đầu đỉnh núi nhọn hoắt như đâm toạc bầu trời cao rộng, những dãy núi với đủ hình thù, chỗ thì phủ kín một màu tro xám, chỗ thì xanh mướt màu của cỏ cây,… mỗi một khung cảnh lại đem đến cho bạn những cảm nhận rất riêng, có lẽ chuyến đi này sẽ đem đến cho du khách nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

Làng dân tộc Lô Lô Chải

Làng dân tộc Lô Lô Chải nằm ngay dưới chân núi Rồng và cách Cột cờ Lũng Cú chỉ tầm 1km, là nơi sinh sống của tộc người Mông lẫn người Lô Lô xuyên suốt các thập kỷ. 

mèo vạc tiepthigiadinh
Làng Lô Lô Chải với nhiều làng nghề truyền thống (Ảnh:ST)

Làng Lô Lô Chải là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa cộng đồng trên cao nguyên đá Đồng Văn. Đây là địa điểm thích hợp dành cho những ai muốn trốn khỏi thành phố khói bụi, vội vã, bởi bao quanh ngôi làng là các nếp nhà yên bình chứ không phải những ngôi nhà cao tầng hay trung tâm thương mại.

Dạo quanh một vòng Làng Lô Lô Chải, bạn sẽ được chiêm ngưỡng kiến trúc nhà trình tường đặc trưng thường thấy ở cao nguyên đá Hà Giang. Các mái nhà lợp ngói máng nằm san sát nhau tạo nên khung cảnh bình dị, yên ả. Bên cạnh đó là các làng nghề truyền thống nổi tiếng như làm mộc, thêu thùa... cùng những lễ hội trứ danh như Lễ cúng Thần Rừng, lễ mừng lúa, mừng nhà mới…

Dinh thự nhà họ Vương

Dinh thự họ Vương (hay được biết đến là Dinh thự vua Mèo) là một công trình lớn được xây dựng từ cuối thế kỉ 19 với nét kiến trúc độc đáo kết hợp của nhiều nền văn hóa cũng như những câu chuyện bí ẩn xung quanh.

Dinh thự Vua Mèo nằm dưới chân một thung lũng được bao bọc phía trên bằng một vùng đất cao. Với kiểu địa thế này, toàn bộ công trình được bảo vệ bởi những cánh cung núi gọi là thế mai rùa, hỗ trợ phòng thủ rất tốt trong thời kỳ chiến tranh ác liệt. Trải qua hơn trăm năm tồn tại, mọi thứ trong dinh thự vẫn vẹn nguyên như ngày đầu, tạo sự kích thích với mọi người đến đây để khám giá ít nhất một lần trong đời.

mèo vạc tiepthigiadinh
Căn nhà cổ của vua mèo (Ảnh:ST)

Cửa khẩu Săm Pun

Cửa khẩu Săm Pun còn gọi là cửa khẩu Thượng Sơn, là cửa khẩu quốc gia tại vùng đất xã Xín Cái và Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang, Việt Nam. Đây là cửa khẩu giữa Việt Nam và Campuchia. 

Đường lên cửa khẩu Săm Pun là tour du lịch hấp dẫn, đi qua cao nguyên đá Đồng Văn, đèo Mã Pì Lèng,... Đó là một cung đường tuyệt đẹp cong vút có khả năng thách thức bất kỳ tay lái nào kể cả những người vững tay nhất. Suốt hành trình bạn sẽ cảm nhận được cảm giác dường như chỉ cần vươn tay ra là đã có thể chạm tới mây trời. Những áng mây vần vũ dày tới mức khiến bạn như đang lạc bước vào chốn địa đàng. Trên đường có những đoạn hai bên đường hàng lau cao ngang người tạo nên bức tranh hoang sơ và hùng vĩ nhưng không kém phần mềm mại và thơ mộng.

mèo vạc tiepthigiadinh
Cột mốc đánh dấu chủ quyền lãnh thổ Việt Nam (Ảnh:ST)

Cách di chuyển đến cửa khẩu Săm Pun, Mèo Vạc

Từ Thị trấn Mèo Vạc bạn có thể di chuyển theo hướng chân đèo Mã Pì Lèng, tại đây bạn sẽ thấy ngã rẽ tới Xín Cái cũng trên con đường này sẽ dẫn tới cửa khẩu Săm Pun. Từ đây bạn sẽ đi tiếp khoảng 50km nữa với những cung đường uốn lượn. Đi tiếp cho tới khi bạn thấy một cây cầu có tên Tràng Hương. Tiếp tục đi theo vành đai biên giới bạn sẽ đến được đường lên cửa khẩu. Đi thêm một đoạn nữa bạn sẽ tới được cột mốc 476 nơi đánh dấu chủ quyền lãnh thổ dân tộc ta nơi cực Bắc.

Cánh đồng hoa tam giác mạch rực rỡ

Tam giác mạch là loại hoa thoạt nhìn mỏng manh nhưng lại có sức sống kiên cường khi có thể mọc lên giữa vùng đất cao nguyên đầy sỏi đá tạo thành những cánh đồng hoa làm say lòng khách du lịch.

mèo vạc tiepthigiadinh
Cánh đồng hoa tam giác mạch rực rỡ ở Hà Giang (Ảnh:ST)

Mùa hoa tam giác mạch thường kéo dài từ tháng 10 đến tháng 12, nhưng sắc hoa thay đổi theo thời gian. Đầu mùa hoa sẽ có màu trắng, giữa mùa chuyển dần thành hồng nhạt, hồng đậm và cuối cùng là đỏ tím sau đó là tàn lụi. Nếu bạn có dự định ghé thăm những cánh đồng hoa thì thời điểm thích hợp nhất là vào giữa tháng 10 đến giữa tháng 12, đây là thời điểm hoa nở nhiều và đẹp nhất.

Cánh đồng hoa tam giác mạch tại Mèo Vạc (dưới đèo Mã Pì Lèng) nằm ngay giữa hai dãy núi lớn, khiến bạn có cảm giác như được núi rừng bao bọc. Nếu đứng ở đỉnh đèo mà ngắm nhìn hoàng hôn buông xuống, rải một màu hồng ấm lên cánh đồng hoa tam giác mạch Hà Giang làm xao xuyến lòng người.

Người dân ở đây thường gieo hạt muộn hơn ở thung lũng Đồng Văn nên đến giữa tháng 10 hoa mới bắt đầu có màu hồng rồi dần dần mới chuyển màu.

Các hoạt động chợ phiên đặc sắc

Chợ phiên Mèo Vạc

Chợ Mèo Vạc là một khu chợ phiên nổi tiếng của Hà Giang, vào ngày họp, các dân tộc Dao, Mông, Lô lô….. cùng nhau mang các sản vật cũng như mang theo tâm tình đến nơi đây để giao lưu và trao đổi. 

Chợ Mèo Vạc được họp ở ngay trung tâm thị trấn Mèo Vạc. Khác với những khu chợ ở dưới miền xuôi họp cả tuần thì nơi đây chỉ họp vào mỗi chủ nhật hàng tuần mà thôi. 

mèo vạc tiepthigiadinh
Chợ phiên Mèo Vạc với nhiều hoạt động độc đáo (Ảnh:ST)

Chợ phiên Mèo Vạc là một trong những nét văn hóa, đồng thời mang ý nghĩa đặc biệt đối với người dân nơi đây. Nếu muốn tham gia chợ phiên đặc sắc này bạn phải dậy từ lúc mặt trời còn chưa nhô lên khỏi đường chân trời khoảng 4-5 giờ sáng bởi khi ấy thì người dân ở các xã, huyện lân cận đã đổ xô tới chợ trên những con đường đèo trông xa chỉ như một sợi chỉ vắt ngang qua các dãy núi. 

Chợ tình Khâu Vai

Chợ tình Khâu Vai hay còn có tên gọi khác là chợ tình Phong Lưu, đây là một phiên chợ tỉnh nổi tiếng mà chỉ được tổ chức 1 lần duy nhất trong năm đó chính là vào ngày 27/3 âm lịch. Chợ nằm ở bản Khâu Vai, thuộc xã Khâu Vai tỉnh Hà Giang, cách thị xã Hà Giang 180km nằm ở phía cuối con đường đèo.

Điểm độc đáo tạo nên sự nổi tiếng có một không hai của chợ tình Khâu Vai khi nơi đây không đơn giản chỉ là chợ hội họp, buôn bán đồ mà là nơi gặp gỡ, giao lưu của các chàng trai, cô gái bản đã se duyên kết chỉ cho rất nhiều đôi yêu nhau.

mèo vạc tiepthigiadinh
Chợ tình Khâu vai (Ảnh:ST)

Lễ hội tại chợ tình Khâu Vai

Lễ hội chợ tình Khâu Vai thường diễn ra trong 3 ngày, bắt đầu từ ngày 25-27/3 âm lịch bao gồm nhiều hoạt động văn hóa khác: lễ dâng hương tại miếu Ông, miếu Bà, triển lãm các tác phẩm nghệ thuật với chủ đề Khâu Vai, điểm hẹn của tình yêu đôi lứa,…

Khách du lịch ghé thăm chợ tình Khâu Vai, có thể ghé qua thêm chợ đêm Mèo Vạc, vừa thưởng thức những món ăn ẩm thực truyền thống của địa phương như: mèn mén, thắng cố, lẩu dê, thịt bò khô, rượu ngô,… và xem các hoạt động văn hóa nghệ thuật.

Đọc thêm: Khám phá trọn vẹn vẻ đẹp hoang sơ hiếm có của Trạm Tấu, Yên Bái

Nô nức mùa lễ hội ở Mèo Vạc

Lễ hội cầu mưa

Lễ hội cầu mưa là một lễ hội của dân tộc người Lô Lô, Mèo Vạc, Hà Giang. Với những nghi thức đặc sắc, độc đáo, lễ cầu mưa được lưu truyền từ đời này tới đời khác, đến nay không chỉ là một sự kiện mang tính tín ngưỡng, mà còn là dịp để mọi người gặp gỡ, bàn chuyện làm ăn, cầu may, bày tỏ lòng thành kính với đất trời, trai gái giao duyên…

Bài khấn bằng tiếng Lô Lô, cầu cho mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hòa, làng bản no ấm. Bài khấn dài và thanh âm trầm bổng như một bài văn tế, người khấn như hát văn, nghe du dương trong tiếng trống, tiếng nhị. Người Lô Lô tin rằng, sau khi làm lễ, chỉ trong vòng từ 3 đến 9 ngày là có mưa.

Thời gian diễn ra lễ hội cầu mưa

Lễ cầu mưa thông thường được tổ chức vào tháng ba âm lịch, vào các ngày 15, 17 hoặc 19. Việc cầu mưa không thể làm tùy tiện, không phải năm nào cũng làm lễ, mà chỉ vào những năm thời tiết khắc nghiệt, khô hạn, người dân trong vùng mới tập trung lại, mời người làm lễ (là trưởng xóm hoặc người cao tuổi có uy tín trong khu vực).

mèo vạc tiepthigiadinh
Ảnh minh họa (ST)

Lễ hội vỗ mông

Đồng bào Mông ở Hà Giang có rất nhiều trò chơi dân gian truyền thống, nhưng đặc sắc nhất vẫn là trò chơi vỗ mông. Vỗ mông một trò chơi dân gian, một nét đẹp văn hóa riêng có của đồng bào Mông. Không chỉ đơn thuần là trò vui trong ngày xuân mà còn là lời tỏ tình của các chàng trai, cô gái.

Trước kia, cứ mỗi dịp Tết đến trên vùng cao nguyên đá, không ai hẹn ai, mọi người lại nô nức kéo đến bãi đất trống, khoảng sân rộng, trên các sườn đồi hay đoạn đường giao thông chạy qua thôn bản để cùng vui chơi tâm tình. Đây cũng là dịp để các thanh niên nam nữ Mông có cơ hội gặp gỡ, tìm hiểu nhau. Họ thường đi thành từng tốp nữ, tốp nam cùng với những lời hỏi thăm, chúc tụng đầu năm mới.

Lưu ý

Nhằm khôi phục và giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc Mông và để du khách và bà con nhân dân hiểu thêm về trò chơi vỗ mông, trò chơi dành cho thanh niên nam, nữ từ 18 tuổi trở lên, đồng thời nghiêm cấm các hành vi lạm dụng trò chơi nhằm mục đích xấu.

Lễ hội mừng ngô (rửa làng)

Lễ mừng ngô còn được gọi là lễ rửa làng, bắt nguồn từ nhận thức rằng không gian của họ cần được tẩy rửa định kỳ. Mỗi năm khi xong mùa vụ, người làng Lô Lô thường tổ chức nghi lễ rửa làng. 

Một ngày trước khi lễ người dân cần chuẩn bị thẻ hương, chén nước, giấy trúc và con gà trống. Khi thầy cúng bọc tờ giấy trúc lên chén nước mà nước trong chén không bị thấm hoặc đổ ra ngoài thì lễ xin rửa làng đã linh nghiệm, báo hiệu việc cúng lễ sẽ thành công. 

Đoàn người thực hiện lễ cúng bao gồm thầy cúng chính, thầy cúng phụ và nam giới theo sau hỗ trợ. Họ vừa đi vừa gõ chiêng trống nhằm đánh thức những điều đẹp đẽ và xua tan rủi ro. Cây tre dài trước đó đã được đục miệng ở đoạn giữa và đổ đầy đất, sau đó cắm hình nhân bằng giấy màu rồi cắm hương theo từng hàng dọc ở giữa cây tre giả làm con ngựa. 

Mèo Vạc có món gì ngon?

Lẩu gà đen

Lẩu gà đen Hà Giang là một món ăn đặc sản rất dễ ăn, phù hợp với khẩu vị của du khách nhiều vùng miền. Vì thế, ở các khu trung tâm của thành phố và huyện tại Hà Giang, món lẩu này khá phổ biến và được du khách ưa chuộng. Không chỉ ngon mà món lẩu gà đen còn có nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.

Đây là món ăn được chế biến từ giống gà đen đặc sản của miền núi phía Bắc. Thịt gà khi nấu chín có màu ngả đen rất lạ mắt. Thịt gà đen rất chắc, dai ngọt tự nhiên và giàu dinh dưỡng, không giống như các loại gà công nghiệp thịt rất bở, không ngon ngọt. 

  • Giá trung bình một nồi lẩu gà đen từ 200.000 - 400.000 đồng.
mèo vạc tiepthigiadinh
Lẩu gà đen ở Mèo Vạc (Ảnh:ST)

Thắng Cố

Đặc sản Thắng Cố không chỉ là một món ăn đặc trưng mà còn là niềm tự hào ẩm thực của người dân tộc H’Mông. Thắng Cố được nấu từ thịt ngựa với hương vị vô cùng đặc trưng. Hiện nay, có thể sử dụng thêm thịt bò hoặc thịt trâu. Theo ngôn ngữ xưa, cái tên “thắng cố” mang ý nghĩa là canh xương.

mèo vạc tiepthigiadinh
Lẩu thắng cố (Ảnh:ST)

Không chỉ dừng lại là một món đặc sản Hà Giang mà Thắng cố đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống vô cùng độc đáo của người dân địa phương. Thông thường, Thắng cố có thể ăn kèm với mèn mén hoặc bánh ngô nướng. Du khách có thể trải nghiệm cảm giác của một người con H’Mông qua trải nghiệm ăn Thắng cố cùng một cốc rượu ngô ngọt dịu.

  • Giá trung bình một nồi lẩu Thắng cố thường sẽ không quá 300.000 đồng.

Mèn mén Hà Giang

Mèn mén là một món ăn truyền thống, đặc trưng của đồng bào dân tộc H'Mông tại vùng núi Tây Bắc. Mèn mén có nguồn gốc từ rất lâu đời, được bắt nguồn từ thói quen sinh hoạt, điều kiện sống trên núi cao của đồng bào dân tộc nơi đây. 

Mèn mén được làm từ những hạt ngô khá mộc mạc, đơn sơ nhưng có vị bùi béo, thơm đặc trưng. Bên cạnh đó, mèn mén có thể để sử dụng trong vài ngày liền, rất thích hợp để đồng bào vùng núi mang theo khi đi nương, đi rừng.

Trước đây, khi cuộc sống còn khó khăn, điều kiện kinh tế chưa phát triển thì mèn mén chính là thực phẩm chủ đạo của người dân Tây Bắc. Hiện nay, món mèn mén này được khá nhiều khách sạn, nhà hàng vùng Tây Bắc đưa vào thực đơn nhằm giới thiệu đến khách du lịch như một món ăn đặc trưng, đặc sản của vùng đất này.

mèo vạc tiepthigiadinh
Mèn mén có nguyên liệu đơn giản nhưng vị vô cùng ngon (Ảnh:ST)

Đọc thêm: Vẻ đẹp lộng lẫy của suối Lê Nin - Nàng thơ núi rừng Pác Bó

Cùng chuyên mục