Làm sao tiết kiệm khi thu nhập bấp bênh, không ổn định?
Thu nhập bấp bênh, không ổn định khiến việc tiết kiệm trở nên đầy thử thách. Nhưng chỉ cần biết cách quản lý, bạn hoàn toàn có thể giữ vững tài chính, tránh stress và chủ động xoay xở cho những tháng khó khăn.
Dạy con đầu tư từ sớm: Bí quyết giúp trẻ hình thành tư duy tài chính vững vàng
Mẹ trẻ Hà Nội chia sẻ bí quyết nuôi con nhỏ tiết kiệm mà vẫn đủ đầy
Ai từng làm freelancer, chạy dự án ngắn hạn, kinh doanh nhỏ, hoặc trải qua giai đoạn thất nghiệp tạm thời chắc chắn đều hiểu cảm giác thu nhập lên xuống thất thường, chẳng biết bao giờ mới “dư dả”. Lúc nhận được tiền, cầm một cục tưởng dư, nhưng mấy ngày sau lại lo ngay ngáy vì không biết tháng tới ra sao.
Vậy làm sao để tiết kiệm trong hoàn cảnh như vậy? Không dễ, nhưng hoàn toàn không phải là chuyện không thể.
Xây dựng quỹ dự phòng đầu tiên

Nguyên tắc sống sót quan trọng nhất khi thu nhập bấp bênh chính là quỹ dự phòng. Đừng đợi “dư tiền mới tiết kiệm” – hãy coi tiết kiệm là ưu tiên ngay khi có tiền vào tài khoản.
Quỹ dự phòng lý tưởng: khoảng 3–6 tháng chi phí sinh hoạt cơ bản. Ví dụ: mỗi tháng cần 10 triệu để ăn ở, đi lại, điện nước, thì quỹ dự phòng nên là 30–60 triệu.
Nếu chưa đủ, hãy bắt đầu từ mức nhỏ hơn: 5 triệu, 10 triệu – tích dần lên, quan trọng là bắt đầu. Quỹ này giúp bạn không rơi vào vòng xoáy vay mượn, stress khi có tháng thu nhập bằng 0.
Chia khoản thu nhập thành “hũ tiền”
Khi có một khoản thu nhập bất kỳ (dù lớn hay nhỏ), chia nhỏ ngay thành các phần:
- 50–60%: chi phí sinh hoạt thiết yếu (ăn uống, nhà ở, điện nước, đi lại)
- 10–20%: tiết kiệm/quỹ dự phòng
- 10–20%: tái đầu tư nghề nghiệp (mua thiết bị, học kỹ năng mới, mở rộng mối quan hệ)
- 10% còn lại: giải trí, thưởng cho bản thân
Việc chia hũ tiền giúp bạn kiểm soát dòng tiền tốt hơn, tránh chi tiêu bốc đồng khi vừa cầm được tiền đã “xả láng” ăn uống, mua sắm.
Ưu tiên trả trước các khoản cố định
Nếu bạn thuê nhà, đóng học phí, bảo hiểm, điện nước,… hãy ưu tiên thanh toán ngay khi có tiền. Đừng chờ cuối tháng vì có thể… không còn gì để trả.
Một mẹo nhỏ: thương lượng trả tiền dài hạn (3 tháng, 6 tháng) nếu có thể, vừa được giảm giá (nhiều chủ trọ giảm giá khi trả trước), vừa giảm áp lực mỗi tháng.
Giữ thói quen sống tiết kiệm dù tháng đó “trúng mánh”

Đặc điểm của thu nhập không ổn định là có tháng kiếm được nhiều, có tháng gần như trắng tay. Nhưng đừng để tháng “trúng mánh” khiến bạn tiêu xài xả láng, mua sắm đồ không cần thiết.
Hãy duy trì thói quen chi tiêu tiết kiệm như tháng ít tiền, dồn phần dư sang quỹ tiết kiệm hoặc đầu tư, phòng cho những tháng khó khăn.
Linh hoạt kiếm thêm nguồn thu
Khi thu nhập bấp bênh, tốt nhất là không phụ thuộc hoàn toàn vào một nguồn duy nhất. Bạn có thể:
- Làm thêm dự án nhỏ ngoài nghề chính
- Bán đồ thủ công, sản phẩm tự làm
- Nhận dịch vụ đơn giản như dạy học online, viết content, bán hàng online, chạy xe công nghệ…
Nhiều nguồn thu nhỏ gộp lại có thể giúp bạn bù vào những tháng thu nhập thấp, đồng thời tăng cơ hội tiết kiệm.
Học cách đầu tư thông minh
Để đồng tiền không đứng yên, hãy học cách đầu tư sinh lời nhỏ: gửi tiết kiệm kỳ hạn, mua vàng, tham gia các quỹ đầu tư nhỏ lẻ (nếu hiểu rõ rủi ro), đầu tư kỹ năng, chứng chỉ nghề nghiệp…
Không cần phải có hàng trăm triệu mới đầu tư được – quan trọng là tư duy biết để tiền làm việc cho mình.
Tiết kiệm khi thu nhập ổn định đã khó, khi thu nhập bấp bênh còn thử thách hơn gấp bội. Nhưng bằng cách quản lý chặt chẽ từng đồng kiếm được, có quỹ dự phòng, sống tiết kiệm, linh hoạt xoay xở, bạn hoàn toàn có thể xây dựng một nền tảng tài chính vững chắc.