Kinh nghiệm mua hàng online an toàn, không lo rủi ro
Lựa chọn mua tại cửa hàng uy tín, đọc kỹ đánh giá của những người mua trước, thận trọng khi thanh toán… là những cách giúp bạn mua sắm trực tuyến an toàn.
Trong vài năm trở lại đây, thương mại điện tử có những bước phát triển siêu tốc, cùng với đó, hình thức mua sắm trực tuyến, online đã dần quen thuộc với rất nhiều người tiêu dùng. Chỉ cần nhấp chuột là bạn có thể mua được bất kỳ món hàng nào mình muốn. Tuy nhiên, sự tiện lợi cũng đi cùng với rủi ro, khi mua sắm trực tuyến người tiêu dùng cũng phải đối mặt với những cạm bẫy lừa đảo. Vậy làm gì để tránh rủi ro khi mua sắm trực tuyến là vấn đề được hầu hết mọi người quan tâm hiện nay.
Làm sao để tránh rủi ro khi mua sắm trực tuyến?
Mua mọi thứ trên mạng ngày nay đang trở nên quá dễ dàng. Tuy nhiên, người tiêu dùng sẽ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro như chất lượng hàng hóa, nguồn gốc sản phẩm,... và đặc biệt là lộ thông tin cá nhân. Vậy làm sao để hạn chế những điều này, dưới đây là một số cách bạn có thể tham khảo.
Chọn cửa hàng trực tuyến tin cậy
Những cửa hàng trực tuyến được đánh giá có sự uy tín cao là cửa hàng luôn có thông tin liên lạc rõ ràng, công khai những đánh giá của khách hàng về chất lượng sản phẩm và dịch vụ, giúp mỗi khách hàng có thể kiểm tra, đánh giá về uy tín của cửa hàng đó. Hoặc nếu bạn có người thân hoặc bạn bè từng mua tại cửa hàng đó và đánh giá chất lượng tốt thì bạn cũng nên lựa chọn.
Không trả lời bất kỳ email khẩn cấp nào được soạn thảo cẩn thận
Rất nhiều người tiêu dùng đã bị mất thông tin cá nhân khi trả lời những email mà không biết thật sự đối phương là ai. Lời khuyên dành cho bạn là không nên trở lời hay liên lạc với shop qua email, vì rất có thể bạn sẽ rơi vào bẫy do những người bán thiếu đạo đức "thiết kế" để lừa người mua.
Hỏi rõ hàng có được đổi trả không
Mua hàng online không tránh được những lúc nhận hàng không ưng ý, hoặc sản phẩm shop gửi không đúng với sản phẩm bạn muốn mua. Vì thế trước khi mua hãy hỏi thật kỹ xem bạn có được kiểm tra sản phẩm và đổi trả sản phẩm khi không ưng ý không. Chính sách đổi trả của shop cũng đánh giá được phần nào độ uy tín của shop. Nên bạn đừng ngại hỏi để tránh làm mất quyền lợi của bản thân.
Giữ bằng chứng giao dịch
Khi mua sắm online để tránh những phát sinh không mong muốn bạn nên chụp lại những giao dịch trước đó để khi gặp vấn đề còn có bằng chứng. Bên cạnh đó, khi nhận món hàng có giá trị, nên kiểm tra xem chúng có đảm bảo chất lượng, giấy chứng nhận bảo hành… hay không, đồng thời yêu cầu hóa đơn, biên lai để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người mua.
Chọn phương thức thanh toán an toàn
Khi mua sắm online, bạn hãy kiểm tra thật kỹ thông tin trước khi bấm nút đồng ý chuyển tiền. Bên cạnh đó, bạn nên tính toán kỹ giá sản phẩm là bao nhiêu, phí vận chuyển, chi phí đóng gói và chỉ trả đúng số tiền đã thỏa thuận khi nhận sản phẩm.
Bên cạnh đó có một điểm bạn cần lưu ý là, các phương thức thanh toán được bên thứ ba đảm bảo thường an toàn hơn so với thanh toán ngân hàng trực tuyến, chuyển tiền và các phương thức khác. Hầu hết những người bị lừa đảo khi mua sắm trực tuyến đều bỏ qua nền tảng giao dịch của bên thứ ba và thực hiện giao dịch trực tiếp. Điều này giúp những đối tượng lừa đảo lợi dụng kẽ hở để đánh cắp thông tin cá nhân của bạn.
Ngăn chặn tiết lộ thông tin cá nhân
Rất nhiều người tiêu dùng bị lừa đảo khi mua bán hoặc làm mất thông tin cá nhân do chính thiết bị giao dịch của mình. Vì vậy, để tránh tình trạng bị mất thông tin, bạn hãy kiểm tra và chắc chắn máy tính, điện thoại của bạn an toàn, đã được cài đặt hoặc cập nhật các phần mềm diệt virus cũng như các biện pháp bảo mật khác.
Đặc biệt, khi mua online nếu đối tác đòi cung cấp mã pin, mật khẩu ngân hàng hoặc các thông tin cá nhân khác không liên quan, hãy lập tức ngừng giao dịch và kiểm tra ngay. Vì việc yêu cầu mã pin, mật khẩu ngân hàng hoặc các thông tin nhạy cảm khác là dấu hiệu của hành vi lừa đảo, nếu thực hiện theo có thể bạn sẽ mất hết tiền trong tài khoản mà không thể lấy lại được.