Tiếp Thị Gia Đình

Thứ tư, 24/07/2024, 11:26 (GMT+7)

Không còn cửa 'ôm đất' bỏ hoang khi kiểm kê đất đai toàn quốc từ ngày 1/8

Luật Đất đai 2024 áp dụng từ ngày 1/8 quy định rõ về các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, trong đó có đất nông nghiệp bỏ hoang.

Kiểm kê đất đai năm 2024 nhằm lượng hóa thực trạng tình hình quản lý, sử dụng đất đai 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm kê đất đai năm 2024, theo An ninh Thủ đô.

Điều 81 Luật Đất đai 2024 quy định rõ về các trường hợp đất bị Nhà nước thu hồi do vi phạm pháp luật về đất đai. Trong tổng số 9 trường hợp được nhắc đến, đất nông, lâm nghiệp bị bỏ hoang và sử dụng sai mục đích có thể bị thu hồi.

Đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản không được sử dụng trong thời gian 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời gian 18 tháng liên tục, đất trồng rừng không được sử dụng trong thời gian 24 tháng liên tục và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không đưa đất vào sử dụng theo thời hạn ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Như vậy, trường hợp bỏ hoang không sử dụng đất nông nghiệp trồng cây lâu năm được 12 tháng thì chưa bị thu hồi. Tuy nhiên nếu tiếp tục không sử dụng một thời gian nữa có thể sẽ bị thu hồi lại.

8 trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai khác sẽ bị nhà nước thu hồi đất

- Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm.

- Người sử dụng đất hủy hoại đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi hủy hoại đất mà tiếp tục vi phạm.

Đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền.

- Đất do nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho từ người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất mà người được giao đất, cho thuê đất không được chuyển nhượng, tặng cho theo quy định của Luật này.

- Đất được Nhà nước giao quản lý mà để bị lấn đất, chiếm đất.

- Người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.

- Đất được Nhà nước giao, cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa, hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư.

- Trường hợp không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng không quá 24 tháng, và phải nộp bổ sung cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian được gia hạn. Hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất và chi phí đầu tư vào đất còn lại.

Hình ảnh 21
Từ ngày 1/8, các tỉnh thành sẽ kiểm tra hiện trạng sử dụng đất.

Người bị thu hồi đất được bồi thường theo khả năng của địa phương

Theo quy định tại Luật Đất đai năm 2024, hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi được bồi thường bằng đất có cùng hoặc khác mục đích với đất bị thu hồi, hoặc bằng tiền, hoặc bằng nhà ở phù hợp với nhu cầu của người có đất bị thu hồi và quỹ đất của từng địa phương.

Khoản 6, Điều 111 Luật Đất đai 2024 quy định, người bị thu hồi đất nông nghiệp đủ điều kiện bồi thường mà có nhu cầu bồi thường bằng đất ở, nhà ở và địa phương có điều kiện về quỹ đất ở, nhà ở thì được bồi thường bằng giao đất ở, nhà ở tái định cư.

Điểm mới nữa trong bồi thường, hỗ trợ người có đất thu hồi khi Nhà nước thu hồi đất là chính sách tái định cư. Theo đó, Khoản 3, Điều 80, Luật Đất đai năm 2024 quy định một trong những điều kiện thu hồi đất là phải hoàn thành việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư theo quy định của Luật này.

Quy định tại khoản 6, Điều 91, Luật Đất đai năm 2024 cũng nêu rõ: "Việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư phải được hoàn thành trước khi có quyết định thu hồi đất". Như vậy, việc phê duyệt phương án cũng như thực hiện bố trí tái định cư phải được hoàn thành trước khi thu hồi đất.

Thay đổi lớn về sang tên sổ đỏ khi Luật Đất đai có hiệu lực

Theo Luật Đất đai 2024, điều kiện sang tên sổ đỏ của cả bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng đều có sự thay đổi.

Theo đó, với bên chuyển nhượng, Luật Đất đai 2024 đã bổ sung điều kiện mới tại điểm đ, khoản 1, Điều 45 là quyền sử dụng đất không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.

Các biện pháp khẩn cấp tạm thời có thể kể đến như kê biên tài sản đang tranh chấp, cấm chuyển dịch quyền về tài sản đang tranh chấp, cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp, phong tỏa tài sản.

Như vậy điều kiện sang tên sổ đỏ áp dụng với bên chuyển nhượng được quy định tại điều 45, Luật Đất đai 2024 bao gồm:

- Có sổ đỏ trừ trường hợp thừa kế, chuyển đổi đất nông nghiệp khi dồn điền, đổi thửa.

- Đất đai không có tranh chấp hoặc có nhưng đã được giải quyết bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, bản án có quyết định của tòa án, quyết định phán quyết của trọng tài đã có hiệu lực.

- Quyền sử dụng đất không bị kê biên, áp dụng biện pháp khác để bảo đảm thi hành án dân sự.

- Trong thời hạn sử dụng đất.

- Quyền sử dụng đất không bị áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Về phía nhận chuyển nhượng, Luật Đất đai cũng quy định rõ 3 trường hợp không được nhận chuyển nhượng tại khoản 8, điều 45, bao gồm:

- Các trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất quy định như sau: Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

- Cá nhân không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thì không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở và đất khác trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng đó;

- Tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài mà pháp luật không cho phép nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất.

Cùng chuyên mục