Khách hàng định giá thương hiệu cá nhân quá cao, người làm truyền thông có nên từ chối?
Định giá thương hiệu cá nhân quá cao trong khi bản thân chưa có gì đã khiến cho sự hợp tác về truyền thông không thành công và nhiều “tài năng” không thể “nổi tiếng”.
Dưới góc độ chuyên gia truyền thông, trong quá trình làm việc, nhà báo Xuân Thời đã gặp khá nhiều khách hàng định giá thương hiệu bản thân quá cao trong khi họ vẫn chưa có gì. Trong câu chuyện chia sẻ mới đây của mình, anh cho biết bản thân đã gặp khá nhiều tình huống về vấn đề này nhưng tựu chung có 2 tình huống phổ biến.
Định giá thương hiệu cá nhân ở tình huống thứ nhất:
Theo lời kể của tác giả thì anh có một khách hàng là ca sỹ mới ra trường, gần như chưa có bất cứ hoạt động nào trong làng giải trí và để lại hiệu ứng tốt, ngoài sự góp mặt trong vai quần chúng ở vài MV của các ca sỹ khác.
Qua giới thiệu, ca sỹ này tìm đến nhà báo Xuân Thời đặt vấn đề muốn anh trở thành cố vấn truyền thông, đồng thời yêu cầu anh và đội nhóm của mình làm tất cả những gì có thể để đưa tên tuổi, hình ảnh, thương hiệu của bạn vào làng giải trí, dần được định vị.
Nguồn: Getty Images
Trước lời yêu cầu này, nhà báo đã giải thích rằng muốn có kết quả về truyền thông thì cần phải có thời gian, chiến lược bài bản và nhiều yếu tố khác. Bạn ca sỹ tỏ rõ sự am hiểu, thậm chí còn phân tích các hoạt động truyền thông của vài ca sỹ tên tuổi khác. Sự am hiểu này khiến nhà báo Xuân Thời cảm thấy vui vì bạn trẻ này có những hiểu biết nhất định và tầm nhìn khá tốt.
Nhà báo tiếp tục hỏi ca sỹ có biết truyền thông là một cuộc chơi, và khi bạn chưa có tên tuổi ở showbiz thì cần phải kiên trì. Ngoài chiến lược truyền thông tốt thì ca sỹ cũng cần đầu tư về tài chính khá ổn cho đến tương đối cao. Ngay say đó, bạn ca sỹ trả lời bản thân hiểu điều đó và sẵn sàng dấn thân cho sự nghiệp.
Cảm thấy mọi thứ đã ổn thỏa, họ bắt đầu trao đổi sâu hơn về các vấn đề liên quan. Vài ngày sau nhà báo gửi cho ca sỹ trẻ một bản khảo sát chung, một kế hoạch cụ thể cho năm và định hướng ban đầu cần triển khai. Và hiển nhiên, trong các bản kế hoạch, đều có cả vấn đề chi phí tối thiểu cần có để hoạt động.
Nhận bản kế hoạch, ca sỹ gọi điện cho nhà báo Xuân Thời cho biết rất hài lòng với nội dung và muốn kí hợp đồng. Thế nhưng trong buổi gặp, khi trao đổi tới phần chi phí, họ đã không tìm được tiếng nói chung.
Nữ ca sỹ cho rằng,khi cô nổi tiếng, nhà báo Xuân Thời và các cộng sự của mình sẽ được sử dụng hình ảnh, tên tuổi của cô miễn phí; sẽ được tham gia (có mặt) trong những event, những đêm nhạc, những MV của cô miễn phí. Khi nào cô bán được Album hoặc đêm diễn mà bán được vé thì (sau khi trừ chi phí) các anh sẽ được hưởng 35%...
Nhưng để trả lời cho câu hỏi khi nào cô sẽ nổi tiếng thì ca sỹ trẻ lại nói rằng truyền thông sẽ giúp cô nổi tiếng và vì thế cô mới tìm đến nhà báo.
Nhà báo hỏi: “Thế tại sao em không muốn đầu tư mà muốn người ta đầu tư vào em?”
Ca sỹ trẻ trả lời: “Thì họ có làm được cho em là người nổi tiếng thì họ mới đạt kết quả. Mà khi em nổi tiếng rồi thì việc họ được sử dụng tên tuổi, hình ảnh của em một cách miễn phí như thế cũng giúp họ kiếm bộn tiền rồi anh…”.
Sau đó, tác giả đã tìm lý do tế nhị để từ chối hợp tác với cô ca sỹ trẻ và cho rằng cô đang định giá thương hiệu cá nhân quá cao.
Nguồn: Creatopy
Tình huống thứ hai
Lần khác, khách hàng của anh là một diễn giả và muốn làm truyền thông để định vị tên tuổi. Và cũng như các khách hàng khác, anh đã khảo sát nhanh diễn giả về những gì người này đã và đang có dưới góc độ truyền thông, Marketing. Diễn giả nói anh ấy chưa có gì.
Nhà báo Xuân Thời sử dụng các thao tác nghiệp vụ, tìm kiếm tên vị diễn giả trên Internet, mạng xã hội… Kết quả tìm kiếm gần như bằng 0.
Sau khi đưa ra các kế hoạch truyền thông và những lộ trình cần thực hiện, vị diễn giả tỏ ra hào hứng và đồng ý hợp tác. Tuy nhiên nói đến chi phí thì diễn giả đặt vấn đề sẽ cho trả cho nhà báo 40% tiền thu được từ việc mở lớp học và các học sinh của anh sau này mà không muốn chi tiền cho truyền thông.
Cuối cùng, vị diễn giả thú nhận mình không có tiền, sợ đầu tư vào không thành công và muốn tìm người nào làm truyền thông tốt rồi anh với họ chia nhau 60-40% tiền thu học phí sau này.
Thực tế truyền thông là một phần không thể thiếu để tạo ra những người nổi tiếng, nhưng không có nghĩa truyền thông là điều quyết định tất cả. Vì vậy mọi người đừng vội ra giá để bán giá trị thương hiệu bản thân khi mà nó chưa... có gì.
Nguồn: Getty Images
Khách hàng cũng đúng, hãy hiểu và thông cảm cho họ
Thực ra, trong 2 tình huống trên, chúng ta không hoàn toàn trách được khách hàng. Lý do để họ đưa ra lời đề nghị như thế cũng dễ cảm thông bởi:
Họ không muốn tự đầu tư mà muốn người khác đầu tư vào họ, như thế rủi ro tài chính với họ rất thấp. Điều này thì ai cũng muốn.
Họ tự tin về giá trị của bản thân họ (trong tương lai), dù rằng sự tự tin đó là hơi quá chủ quan, nhưng dù sao (ở một giới hạn nào đó) thì tự tin như thế cũng tốt.
Họ chưa biết kết quả thế nào nên cũng không muốn đánh cược với bạn. Việc họ muốn “cầm dao đằng chuôi” cũng là dễ hiểu, nên cảm thông cho họ.
Nhưng, bạn nên từ chối!
Thứ nhất: Với những người đã muốn an toàn tuyệt đối như thế, thường rất khó để đạt được thành công. Kể cả những nhà đầu tư tài ba nhất cũng không dám chắc thành công trước bất kỳ một ai khi họ chưa có gì.
Thứ hai: Họ mặc định rằng giá trị của họ là rất cao, và mọi thứ với họ sẽ không trả bằng tiền mà họ sẽ “bắt” bạn phải làm việc để giúp họ nổi tiếng. Nếu họ nổi tiếng thì họ sẽ chia sẻ cho bạn một phần lợi nhuận mà họ kiếm được.
Tất nhiên, điều này đúng với những người đã nổi tiếng rồi, hoặc ít ra là họ đã có những nền tảng nhất định, các nhà đầu tư có thể đánh cược để đầu tư tiền bạc, công sức vào những người như thế. Nhưng với những người chưa có gì, mọi thứ của họ bây giờ chỉ mới là “tôi muốn” thì lại không nên (và không thể). Những vị khách hàng ấy có quyền hi vọng, có quyền ảo tưởng, có quyền mong mỏi về chính họ. Nhưng họ không có quyền để đòi hỏi người khác đầu tư vào họ khi họ chỉ là một viên đá thô (không có căn cứ nào để tin rằng họ có thể thành ngọc).
Nguồn: GreatNusa
Thứ ba: Khách hàng của bạn phải là người sòng phẳng, nghĩa là họ dám chị trả, dám đầu tư cho chính họ. Thì sau này, khi họ đã “thành một ai đó”, họ mới có quyền tự định giá cao bản thân.
Bạn nên từ chối để dành thời gian tìm một khách hàng khác hợp lý hơn, để họ có cơ hội đi tìm người làm truyền thông khác và để họ hiểu về cuộc chơi truyền thông. Đừng trách họ vì họ vẫn không sai, đó là quyền tự quyết của họ và có thể họ đúng.
Nấu bạn là một cố vấn truyền thông thì hãy luôn để họ là người đúng, và bạn là người sai. Hãy từ chối họ, dù sau này bạn sẽ không có cơ hội đầu tư vào họ hoặc khai thác từ họ. Nhưng, bạn vẫn nên từ chối vì thực tế chỉ có 3% sẽ thành công mà thôi!
Những khách hàng vội định giá thương hiệu bản thân quá cao khi họ chưa có gì, thì sau này họ sẽ trở thành một người rất chi li hoặc họ luôn muốn an toàn và bắt đối tác trong thế đánh cược. Cũng bởi vì đánh giá bản thân quá cao mà mọi sự hợp tác thường chẳng bao giờ thành công, và cũng đã có nhiều “tài năng” không thể “nổi tiếng”.