Hang Phượng Hoàng với vẻ đẹp bí ẩn mang đậm dấu ấn lịch sử
Hang Phượng Hoàng với những giá trị về lịch sử và vẻ đẹp độc đáo của mình đã trở thành địa điểm du lịch được nhiều người yêu thích và muốn khám phá.
Hang Phượng Hoàng ở đâu?
Hang Phượng Hoàng là một khu thắng cảnh du lịch nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên. Hang Phượng Hoàng nằm trên núi Phượng Hoàng thuộc xã Phú Thượng huyện Võ Nhai, cách thành phố Thái Nguyên 45km và nằm rất gần quốc lộ 1B (Thái Nguyên - Lạng Sơn) ở vị trí sát ranh giới giữa hai tỉnh.
Những điều nên biết trước khi đi hang Phượng Hoàng?
Lịch sử về hang Phượng Hoàng
Không chỉ là một địa danh du lịch, Hang Phượng Hoàng là một điểm di tích của căn cứ địa Bắc Sơn-Võ Nhai nổi tiếng, là một chứng nhân lịch sử chứng kiến sự kiện của dân tộc Việt Nam vào ngày 27/11/1944. Vào ngày hôm đó, đội Cứu quốc quân II gồm 75 người cùng 373 hộ dân đã rời bản làng lên núi nhằm chống sự bắt bố, khủng bố của Thực dân Pháp.
Khi đó họ đã đi vào lòng hang Phượng Hoàng để trú ẩn và trở thành pháo đài để công kích lại giặc. Với trận địa bẫy đá, giáo mác, súng kíp, mìn lưỡi cày cùng chiến thuật du kích, đội cứu quốc quân đã khiến cho một tiểu đoàn của Pháp bị thiệt hại nặng nề.
Với chiến thắng của trận đánh này đã làm cho quân địch hoang mang, khiếp sợ trước sự chiến đấu dũng cảm, kiên cường, táo bạo của lực lượng Cứu quốc quân II và nhân dân các dân tộc nơi này. Sau đó, quân dân ta ở Võ Nhai đã tiến lên chiếm nhiều đồn địch như đồn Nước Hai (Bắc Sơn), đồn Đình Cả và đồn La Hiên, làm cho địch không chống cự nổi, buộc chúng phải đầu hàng vô điều kiện, trao toàn bộ vũ khí, tài liệu cho Cách mạng, Châu lỵ La Hiên được giải phóng. Đây là chính quyền cách mạng cấp huyện đầu tiên ở tỉnh Thái Nguyên ra đời, ngày 21/3/1945, đánh mốc son chói lọi trong trang sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Võ Nhai.
Truyền thuyết về hang Phượng Hoàng
Từ dưới nhìn lên, núi Phượng Hoàng có hai hòn đá với hình hai con chim phượng hoàng nằm ấp nhau.
Núi mang tên Phượng Hoàng là vì theo truyền thuyết mà nhiều người kể lại, ngày xưa ở trên ngọn núi có 2 con chim phượng hoàng bay đến để sinh sống, chúng ngày ngày sống bình yên và sinh ra được hai quả trứng.
Chim bố mỗi ngày đều bay đi tìm mồi để chim mẹ ấp trứng. Tuy nhiên vào một ngày nọ, chim bố quên đi việc kiếm mồi và cứ mải mê chơi đùa với một đàn chim mái mới. Vì thế, chim mẹ trở nên buồn phiền, lo lắng suốt ngày đêm. Sau thời gian dài rong chơi, chim bố chợt nhận ra và quay trở về tổ. Nhưng đã không còn kịp nữa rồi, lúc đó chim mẹ hóa đá do nỗi buồn chất chứa suốt nhiều năm.
Ân hận trước hành động của mình, chim bố luôn quanh quẩn trên núi, chờ đợi, hy vọng chim mẹ sẽ trở về bình thường. Nhưng cứ đợi mãi mà chim mẹ vẫn không quay trở lại. Chím bố vì thế mà cũng hóa đá theo.
Đường đi đến Hang Phượng Hoàng
Từ thành phố Thái Nguyên, du khách di chuyển tầm 40-50km sẽ đến, hang có vị trí nằm gần địa phận giáp ranh giữa hai tỉnh Lạng Sơn và Thái Nguyên. Nằm trên độ cao 800m, ở giữa lưng chừng núi, nên nếu muốn leo lên, bạn sẽ phải mất tầm gần 1 giờ đồng hồ để tới cửa hang.
Đường đi đến hang Phượng Hoàng cũng khá dễ dàng, cứ đi thẳng theo hướng quốc lộ 1B từ thành phố Thái Nguyên, để ý kỹ hai bên đường sẽ thấy bảng chỉ dẫn đường vào Hang Phượng Hoàng.
Để có thể lên được đến hang Phượng Hoàng, bạn phải leo thêm 700-800m, tuy nhiên con đường đã được khai thác và lát đá nên cũng khá dễ đi. Mất khoảng chừng 30-45 phút sẽ đến cửa hang.
Đọc thêm: Đường Hoàng Diệu - Không chỉ là địa điểm check-in nổi tiếng mà còn ghi dấu ấn lịch sử không thể quên
Trong Hang Phượng Hoàng có gì?
Hang Phượng Hoàng có 3 tầng là: tầng thượng (hang Dơi), tầng giữa (hang Sáng) và tầng cuối (hang Tối).
Hang Dơi trong Hang Phượng Hoàng
Nằm trên đỉnh dãy núi Phượng Hoàng ở độ cao hơn 300m, đây là hang động đẹp với cấu trúc hang trong hang, lối vào các hang là cửa đá chỉ vừa đủ 1 người đi qua, nhưng khi vào trong thì mở ra không gian rộng lớn với những nhũ đá và các khối hóa thạch nhiều hình thù, màu sắc làm cho không gian lung linh, huyền ảo.
Hang Dơi có nhiều cột nhũ đá, khối thạch đá lớn giữa hang có hình thù giống tượng Quan Thế Âm Bồ Tát. Tiếp tục đi vào phía trong và xuống dưới chừng 50m chúng ta sẽ thấy nhiều khối đá, vách đá có hình thù đẹp mắt.
Từ đáy hang ngước nhìn lên hang Dơi là một bầu trời thạch nhũ rực rỡ, tuyệt đẹp và huyền diệu như món quà mà hiếm nơi có được để dành tặng cho du khách mỗi khi tới thăm quan hang Phượng Hoàng.
Hang Sáng trong hang Phượng Hoàng
Hang Sáng có diện tích khoảng 200m2, phía trên lối vào hang là khoảng không khá rộng, luôn đủ ánh sáng. Hang Sáng do tiếp xúc nhiều với môi trường bên ngoài nên ít nhũ đá và luôn khô ráo.
Đây là tầng hang rộng và thoáng nhất của hang Phượng Hoàng. Ở đây ánh sáng mặt trời qua ba cửa hang chính và qua những khe hở soi rọi làm cho nhũ đá trong hang trở lên vô cùng lung linh, kỳ ảo và hấp dẫn, khiến cho du khách không khỏi choáng ngợp, trầm trồ và thích thú như lạc vào cõi bồng lai, tiên cảnh.
Bên cạnh đó, trên vách hang, những giọt nước ngầm trôi theo thạch nhũ như những hạt ngọc trai trắng muốt, tinh khôi, thi thoảng rơi tí tách nhè nhẹ trong không gian tĩnh lặng như những khúc nhạc du dương, cùng không khí tươi mát, trong lành và rất dễ chịu sẽ làm cho tâm hồn của du khách được thư thái, thoải mái để thêm yêu cuộc sống, vui tươi bên những người thân và bạn bè.
Với những khối nhũ lớn, nhỏ mang nhiều dáng vẻ kỳ thú như những kiệt tác độc đáo của thiên nhiên ban tặng, cùng với ánh sáng tự nhiên hòa với ánh điện đa sắc soi chiếu vào vô vàn những thạch nhũ lấp lánh đủ sắc màu đã tạo nên cảnh sắc tuyệt đẹp, làm du khách mãn nhãn và ước muốn ở mãi nơi này. Đặc biệt ở giữa lòng hang có một nhũ đá cao như một con chim phượng hoàng đang dang cánh trong tư thế bay bổng chào đón du khách đến với tổ ấm của mình và như muốn chào đón và nhắn gửi tới mọi người hãy yêu thương gia đình, người thân, cũng như gợi nhớ câu chuyện ngàn xưa của đôi Phượng Hoàng thủa đó.
Hang Tối trong hang Phượng Hoàng
Do ở độ sâu khoảng 50m so với đỉnh núi nên gần như ánh sánh bên ngoài không lọt vào được nên gọi là hang Tối.
Hang Tối được đánh giá là tầng lộng lẫy nhất. Bên trong hang Phượng Hoàng luôn duy trì ở nhiệt độ là 15 độ C, mát mẻ và trong lành. Vào mùa hè, nhiều người đến hang rồi thì sẽ chẳng muốn ra ngoài nữa chỉ vì muốn ở lại lâu hơn một chút để tận hưởng trọn vẹn không khí mát rượi.
Để đảm bảo an toàn cho du khách, hiện nay hang Tối và các hang đều được lắp hệ thống chiếu sáng nhiều màu sắc làm nổi bật các hình khối.
Với những hệ thống đèn điện được sắp xếp rất nghệ thuật dọc theo đường đi của hang để soi chiếu ngàn hàng măng đá, cột đá đan xen, uốn lượn nối dài như những áng mây bồng bềnh và những nhũ đá rủ xuống muôn hình vạn trạng như hàng triệu bóng đèn pha lê long lanh và đa sắc màu đã tạo nên vô vàn những tấm bích hoạ độc đáo, kỳ ảo và ấn tượng.
Hai bên vách hang là hàng triệu tảng đá, trụ đá với với đủ màu sắc, hình dạng rất phong phú, khi chạm vào du khách sẽ cảm thấy được sự trong trẻo và tinh khiết như được thổi vào luồng sinh khí mới cảm thấy thật bay bổng và diệu kỳ.
Hoà quyện cảnh sắc mộng ảo nơi này là không gian dịu mát, nhẹ nhàng và thuần khiết làm cho du khách ngây ngất như lạc vào thế giới diệu kỳ, thế giới của thần tiên trong những câu truyện cổ tích ngàn xưa.
Cuối hang Tối là vách đá cao dựng đứng, lô nhô cột nhũ đá so le như khu vườn nhiều cây cối. Ở độ sâu khoảng 100m từ đỉnh núi Phượng Hoàng, không khí trong hang luôn mát lạnh.
Sự kết hợp giữa hang Phượng Hoàng và Suối Mỏ Gà
Hang suối Mỏ Gà nằm ngay dưới chân núi Phượng Hoàng, hang này được đặt theo tên dòng suối Mỏ Gà chảy ra từ lòng hang.
Theo các cụ cao niên kể lại, thuở trước, vùng đất này gặp nạn “Hồng Thuỷ”, nước ngập trắng cả đồng, người dân trong vùng phải chạy lên núi. Hôm đó, khi ra xem nước, người ta chợt nhìn thấy một lồng gà trôi từ trong hang ra. Từ đó, người dân truyền nhau gọi hang này là hang Suối Mỏ Gà, ngôi làng này cũng được mang tên là làng Mỏ Gà và gần đó cũng có ngôi đình mang tên là đình Mỏ Gà.
Hang Phượng Hoàng và hang suối Mỏ Gà chỉ cách nhau khoảng 100m, hang Suối Mỏ Gà rộng khoảng 10-15m, độ cao hang nơi thấp nhất là 2m, nơi cao nhất là 15m, hang sâu khoảng 150- 200m.
Suối Mỏ Gà chảy ra cửa hang, mát lạnh và trong vắt. Suối Mỏ Gà chảy ra tạo thành một thác nước nhỏ với độ cao chỉ khoảng 2 m. Nước suối chỉ sâu đến đầu gối nhưng lại có vũng nước sâu như bể bơi, bạn có thể leo lên vách hang cao 10m và nhảy xuống. Vì là dòng suối chảy trong hang nên sẽ khá tối, nếu muốn khám phá bạn phải dùng đến đèn pin.
Hang suối Mỏ Gà sở hữu dòng nước trong mát chảy quanh năm bắt nguồn từ lòng dãy núi Phượng Hoàng. Ngược theo thác nước chừng 50m ta bắt gặp 1 cửa hang rộng, vách hang có nhiều nhũ đá, dưới chân là dòng suối mát lạnh, đôi chỗ sâu đến thắt lưng, có thể làm bãi tắm. Những ngày hè nóng bức thì đây là nơi lý tưởng để mọi người “giải nhiệt”, chơi đùa với dòng nước trong lành, hòa mình vào thiên nhiên kỳ thú.
Dưới ánh sáng chan hoà và đa sắc màu của những đèn điện dẫn đường ở hai bên vách đá làm cho cảnh vật trong hang Suối Mỏ Gà càng toát lên vẻ huyền ảo và diệu kỳ. Bước chân nhè nhẹ trên hòn sỏi nhỏ, hay doi cát mịn màng của dòng suối Mỏ Gà mát mẻ, cùng cảm nhận bầu không khí trong lành và dịu mát sẽ đem lại cho du khách cảm thấy vô cùng dễ chịu, quên hết những mệt mỏi để đắm mình thưởng thức những bức họa độc đáo của thiên nhiên, những kiến tạo kỳ thú và thán phục trước bàn tay tài hoa của tạo hoá đã ban tặng cho nơi đây.
Đọc thêm: Vẻ đẹp lộng lẫy của suối Lê Nin - Nàng thơ núi rừng Pác Bó
Kết luận
Sau hành trình thăm quan hang Phượng Hoàng, Suối Mỏ Gà, du khách có cảm giác như mình vừa bước ra một thế giới lung linh, kỳ ảo, với thiên nhiên kỳ thú và cùng vô vàn những bức hoạ diệu kỳ của tạo hoá có từ ngàn xưa, những tuyệt tác mà mẹ thiên nhiên đã ban tặng. Những vẻ đẹp tuyệt vời đó mà khó có thể mô tả hết được bằng lời vẫn đang ngày ngày ẩn, gìn giữ cho những thế hệ mai sau được chiêm ngưỡng khi thăm quan hang động nơi đây.