Thứ ba, 02/07/2024, 07:02 (GMT+7)

Hàng loạt vi phạm trong kinh doanh đa cấp, Công ty Thiên Sư Việt Nam lĩnh 'trát' phạt nặng

Kinh doanh đa cấp nhưng không thông báo tới Bộ Công Thương đúng thời hạn khi có thay đổi trong danh sách đào tạo; không thực hiện thông báo với Sở Công Thương địa phương khi tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo…, Công ty TNHH Thiên Sư Việt Nam đã bị xử phạt 245 triệu đồng.

Cổng thông tin điện tử Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) thông tin, đơn vị vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 245 triệu đồng đối với Công ty TNHH Thiên Sư Việt Nam (có địa chỉ trụ sở chính tại lô XN23, Khu công nghiệp Đại An, phường Tứ Minh, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương).

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết, qua công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về kinh doanh đa cấp, đơn vị đã phát hiện Công ty TNHH Thiên Sư Việt Nam mắc hàng loạt vi phạm như: Không thực hiện trách nhiệm đào tạo cơ bản cho người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định; không thông báo tới Bộ Công Thương đúng thời hạn khi có thay đổi trong danh sách đào tạo viên; không thực hiện đúng việc đào tạo cơ bản cho người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật.

dacap1
Trụ sở Công ty TNHH Thiên Sư Việt Nam. Ảnh: Internet.

Ngoài các vi phạm nêu trên, Công ty TNHH Thiên Sư Việt Nam còn vi phạm không thực hiện hoặc thực hiện không đúng việc cấp thẻ thành viên cho người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật; không thực hiện thông báo với Sở Công Thương địa phương khi tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo thuộc trường hợp phải thông báo theo quy định.

Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên doanh nghiệp này lĩnh phạt do không tuân thủ quy định về kinh doanh đa cấp. Thông tin trên báo chí được biết, vào năm 2019, Công ty TNHH Thiên Sư Việt Nam bị Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (nay là Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia) xử phạt 585 triệu đồng vì có nhiều vi phạm trong quá trình hoạt động bán hàng đa cấp. Công ty TNHH Thiên Sư Việt Nam là công ty 100% vốn nước ngoài do Tập đoàn TIENS (có trụ sở tại Thiên Tân, Trung Quốc) thành lập, xây dựng nhà máy sản xuất tại Khu công nghiệp Đại An, tỉnh Hải Dương.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, chỉ hàng hóa mới là đối tượng kinh doanh theo phương thức đa cấp. Dịch vụ và một số hàng hóa nhất định không được kinh doanh theo hình thức này. Cụ thể, theo Điều 4 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP thì mọi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa đều bị cấm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (nghĩa là trường hợp ngoại lệ phải do pháp luật quy định).

Theo đó, những hàng hóa sau không được kinh doanh theo phương thức đa cấp: Hàng hóa là thuốc; trang thiết bị y tế; các loại thuốc thú y (bao gồm cả thuốc thú y thủy sản); thuốc bảo vệ thực vật; hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn hạn chế sử dụng và cấm sử dụng trong lĩnh vực gia dụng và y tế và các loại hóa chất nguy hiểm; sản phẩm nội dung thông tin số - là sản phẩm nội dung, thông tin bao gồm văn bản, dữ liệu, hình ảnh, âm thanh được thể hiện dưới dạng số, được lưu giữ, truyền đưa trên môi trường mạng.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chỉ được kinh doanh đối với mặt hàng hàng hóa, phải đăng ký hợp pháp (đáp ứng đủ các điều kiện hoạt động) với Bộ Công Thương và chịu sự giám sát của các cơ quan chức năng trong quá trình hoạt động.

Vi phạm kinh doanh đa cấp sẽ bị phạt đến 200 triệu đồng

Theo quy định tại Điều 73 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó quy định mức phạt đối với hành vi vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Cụ thể, phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng đối với doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện một trong các hành vi: Yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; yêu cầu người khác phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc giới thiệu người khác tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp mà không phải từ việc mua, bán hàng hóa của người được giới thiệu đó;... Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định trên trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.

dacap2
Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với người tham gia bán hàng đa cấp hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương nơi doanh nghiệp chưa được cấp xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương.

Cùng với đó, phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định hoặc phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; cung cấp thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn về kế hoạch trả thưởng, quy tắc hoạt động, lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp, tính năng, công dụng của hàng hóa, hoạt động của doanh nghiệp bán hành đa cấp; tổ chức hội thảo, hội nghị, đào tạo về kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được doanh nghiệp bán hàng đa cấp ủy quyền bằng văn bản;...

Mặt khác, các hành vi: Tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo, giới thiệu về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp của tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; tham gia vào hoạt động của tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng.

Tương tự, phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp thu lợi bất chính đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho người khác đến dưới 500 triệu đồng, trừ trường hợp quy định.

Phạt đến 60 triệu đồng hành vi trả tổng giá trị hoa hồng, tiền thưởng... vượt quá 40% doanh thu

Đối với doanh nghiệp bán hàng đa cấp sẽ bi phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng nếu  thực hiện một trong các hành vi sau: Ký hợp đồng bán hàng đa cấp với cá nhân không đủ điều kiện tham gia bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật; không chấm dứt hợp đồng với người tham gia bán hàng đa cấp khi người tham gia bán hàng đa cấp bị xử phạt về hành vi bị cấm trong hoạt động bán hàng đa cấp; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về việc lập danh sách đào tạo viên, lưu giữ hồ sơ kèm theo, công bố danh sách đào tạo viên trên trang thông tin điện tử và thông báo tới Bộ Công Thương;...

Tiếp đến, phạt tiền từ 40 - 60 triệu đồng đối với doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về việc thông báo với Sở Công Thương khi tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp có sự tham dự của từ 30 người trở lên hoặc có sự tham dự của từ 10 người tham gia bán hàng đa cấp trở lên tại địa phương nơi thương nhân đã được cấp xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; không phối hợp với cơ quan chức năng trong quá trình cơ quan chức năng thực hiện trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp của thương nhân; trả cho người tham gia bán hàng đa cấp tổng giá trị hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác, bao gồm cả lợi ích được hưởng theo chương trình khuyến mại, trong một năm vượt quá 40% doanh thu bán hàng đa cấp trong năm đó của thương nhân;...

Ngoài ra, doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện khuyến mại sử dụng mạng lưới gồm nhiều cấp, nhiều nhánh mà trong đó người tham gia chương trình khuyến mại có nhiều hơn một vị trí, mã số hoặc các hình thức tương đương khác… thì sẽ bị phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện cả nước có 20 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Năm 2023, Bộ Công Thương đã kiểm tra đối với 6 doanh nghiệp, xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 doanh nghiệp và 1 người tham gia bán hàng đa cấp với tổng số tiền hơn 1 tỷ 115 triệu đồng.

Đồng thời, theo số liệu năm 2023, tổng số lượng người tham gia bán hàng đa cấp là hơn 768.000 người, tổng doanh thu ngành bán hàng đa cấp đạt khoảng 16.866 tỷ đồng, tổng số hoa hồng và các lợi ích kinh tế chi trả cho người tham gia bán hàng đa cấp đạt khoảng 5.846 tỷ đồng, tổng số thuế đã nộp về ngân sách Nhà nước là khoảng 2.255 tỷ đồng.

20 doanh nghiệp đang hoạt động bán hàng đa cấp hợp pháp gồm:

1. Công ty TNHH Phong cách sống Kim Cương Việt Nam

2. Công ty TNHH Unicity Marketing Việt Nam

3. Công ty TNHH Total Swiss Việt Nam

4. Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ Hoằng Đạt

5. Công ty TNHH GCOOP Việt Nam

6. Công ty TNHH Kyowon The Orm Việt Nam

7. Công ty TNHH Thương Mại Lô Hội

8. Công ty TNHH Best World Việt Nam

9. Công ty TNHH Elken International Việt Nam

10. Công ty TNHH Người Lái xe Mặt Trời Việt Nam

11. Công ty TNHH Nu Skin Enterprises Việt Nam

12. Công ty Cổ phần Tập đoàn Liên kết Việt Nam

13. Công ty TNHH MTV Herbalife Việt Nam

14. Công ty TNHH Amway Việt Nam

15. Công ty TNHH Thiên sư Việt Nam

16. Công ty TNHH MTV Thương mại Mỹ Lợi

17. Công ty TNHH MTV New Image Việt Nam

18. Công ty TNHH Seacret

19. Công ty TNHH Oriflame Việt Nam

20. Công ty TNHH Perfect Global (Việt Nam)

Trong một diễn biến liên quan, vào tháng 1/2024, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cũng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 doanh nghiệp bán hàng đa cấp, gồm: Công ty TNHH Kyowon The Orm Việt Nam và Công ty TNHH Total Swiss Việt Nam.

Cụ thể, Công ty TNHH Kyowon The Orm Việt Nam (địa chỉ trụ sở chính tại số 38/1 Nguyễn Văn Trỗi, phường 15, quận Phú Nhuận, TPHCM) bị xử phạt với số tiền 255 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm như: Không thực hiện đúng thủ tục sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; hoạt động bán hàng đa cấp tại một số địa phương khi chưa được Sở Công Thương cấp xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương; không thực hiện đúng quy tắc hoạt động công ty đã đăng ký; không thực hiện đúng quy định về việc thông báo danh sách đào tạo viên; chỉ định đào tạo viên không đáp ứng điều kiện để thực hiện đào tạo cơ bản cho người tham gia bán hàng đa cấp; thực hiện không đúng trách nhiệm báo cáo của doanh nghiệp.

Trong khi đó, Công ty TNHH Total Swiss Việt Nam (địa chỉ trụ sở chính tại số 89 đường Xuân Hồng, phường 12, quận Tân Bình, TP) bị xử phạt với số tiền 140 triệu đồng về các hành vi vi phạm: Chỉ định đào tạo viên không đáp ứng điều kiện để thực hiện đào tạo cơ bản cho người tham gia bán hàng đa cấp; thực hiện không đúng việc đào tạo cơ bản cho người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật; thực hiện không đúng trách nhiệm báo cáo của doanh nghiệp.

Tương tự, trước đó, tháng 11/2023, do vi phạm trong hoạt động kinh doanh đa cấp, Công ty Cổ phần Tập đoàn Liên kết Việt Nam và Công ty TNHH Seacret cũng bị Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xử phạt với số tiền 340 triệu đồng.

Theo đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn liên kết Việt Nam (Vinalink Group) (lô C16/D21 Khu đô thị mới Cầu Giấy, phố Dịch Vọng Hậu, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) bị xử phạt với số tiền 185 triệu đồng. Đối với Công ty TNHH Seacret (địa chỉ trụ sở chính tại SH05, Khu đô thị căn hộ cao cấp dự án One Verandah, số 2 đường Bát Nàn, phường Thạnh Mỹ Lợi, Thủ Đức, TPHCM) bị xử phạt với số tiền 155 triệu đồng.

Cùng chuyên mục