Giảm giá sản phẩm có tác động thế nào tới thương hiệu?
Giảm giá sản phẩm là hình thức kích cầu được nhiều thương hiệu áp dụng trong mô hình kinh doanh. Tuy nhiên, đây là hoạt động mang lại hiệu quả hay hậu quả?
Vì sao phải giảm giá?
Có thể dễ dàng nhận thấy ở thị trường Việt Nam, các thương hiệu có hoạt động giảm giá sản phẩm. Điểm khác nhau là tần suất và cách dẫn dắt chương trình, sự kiện khuyến mãi sao cho lý do thật hợp lý.
Voucher là cách giảm giá được dùng phổ biến nhất trên sàn thương mại điện tử
Thương hiệu cần giảm giá để “cứu vãn” doanh thu
Giảm giá tựa như "chiếc phao cứu cánh”, đặc biệt là đối với những thương hiệu đang “bí” chiến lược kinh doanh, gian nan với việc tăng doanh số. Hoạt động này kéo tới lượng lớn khách hàng hỏi han về sản phẩm và trở thành người tiêu dùng. Thông qua kỹ năng giảm giá sản phẩm, thương hiệu sẽ nhẹ lòng hơn với đống hàng tồn kho nặng trĩu.
Giảm giá để gây chú ý
Mặt khác, giảm giá cũng là một hoạt động nằm trong chuỗi kỹ năng marketing. Chỉ cần tung ra thông báo giảm giá sản phẩm với mức giá phù hợp, nội dung đăng tải hợp với insight khách hàng cũng đủ để gây chú ý tới nhóm đối tượng nhất định.
Cạnh tranh với đối thủ
Với những thương hiệu có cùng tệp khách hàng, cùng dạng sản phẩm sẽ cần tìm cách để thu hút người mua đến với mình. Do đó mà hoạt động hạ giá sẽ được đưa ra không ngừng nhằm lôi kéo người tiêu dùng, thậm chí là sẵn sàng phá giá để “triệt hạ” đối thủ.
Giảm giá để: "Kéo đối thủ xuống, kéo khách hàng về"
Giảm giá sản phẩm có thực sự hiệu quả?
Không thể phủ nhận tính hiệu quả của việc hạ giá thành sản phẩm nhưng đây có thể là thói quen nguy hiểm, triệt tiêu tính sáng tạo trong kinh doanh của thương hiệu.
Giảm giá sản phẩm không giúp khách hàng tới thường xuyên
Hoạt động khuyến mại chỉ đem tới cho thương hiệu số lượng lớn khách hàng trong khoảng thời gian diễn ra sự kiện, chương trình. Rất khó để giải bài toán “khách hàng có đến mua hàng nữa không?”. Để đạt được doanh thu thì còn cần đến nhiều yếu tố khác như: Chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ, chính sách chăm sóc khách hàng,... Quan trọng nhất là, khách hàng liệu có quay lại mua hàng ngay cả khi sản phẩm trở về mức giá gốc?
Lợi nhuận sẽ ra sao khi giá giảm?
Có một sự thật hiển nhiên rằng: “Lượng hàng hóa bán được trong đợt khuyến mãi luôn rất lớn”. Một chương trình hay sự kiện giảm giá sẽ không đem tới lợi nhuận cho thương hiệu nếu như không thể thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm. Thậm chí, nhiều thương hiệu sẵn sàng chấp nhận “lỗ” để mua được tiếng vang “rỗng tuếch”.
Tác động của giảm giá tới thương hiệu
Trước tiên, cần công nhận rằng giảm giá sản phẩm là hoạt động có khả năng mang lại doanh thu, “quét sạch” hàng tồn kho và tăng sức ảnh hưởng tên tuổi của thương hiệu. Tuy nhiên, việc giảm giá sẽ đem tới hiệu ứng tham chiếu đến cho khách hàng. Ngay cả khi không thể nhớ mức giá gốc của sản phẩm nhưng người tiêu dùng vẫn có thể so sánh và ước chừng giá trị. Tiếp đó là hàng loạt các câu hỏi nhận thức: “Sản phẩm mình mua có xứng đáng với giá tiền không?”, “Shop này có tăng giá lên không, sao lại có nhiều chương trình hạ giá đến thế?”.
Sau khi đã có sự phân tích, khách hàng sẽ thực hiện hành động, đó là một trong hai trường hợp sau:
-
Chờ đợi giá sản phẩm thấp hơn nữa hoặc đúng với mức giá kỳ vọng, điều này đồng nghĩa với việc chờ đợi các đợt khuyến mãi sau này.
-
Lựa chọn thương hiệu khác.
Hoạt động giảm giá gây tiếng vang gần đây cho thấy kết quả của thương hiệu khi thực hiện khuyến mãi về giá là Dược phẩm Hoa Linh. Bằng cách kết hợp với reviewer nổi tiếng Võ Hà Linh, sản phẩm marketing đã trở thành tiêu điểm.
Hành động của nhiều đại lý, người tiêu dùng sau phiên livestream “chấn động”
Không bàn sâu vào chuyện “quảng bá ảo” của “chiến thần”, hãy xem xét những tàn dư của chiến lược marketing giảm giá sản phẩm để lại:
-
Thương hiệu phải gửi thư xin lỗi nhà phân phối, đại lý vì thông tin giảm giá “chưa chuẩn”
-
Hàng loạt đại lý, nhà thuốc chọn “quay xe” với Dược phẩm Hoa Linh vì một phiên livestream hạ giá
-
Người tiêu dùng hoài nghi về giá thành sản phẩm đã mua bấy lâu nay, lượng lớn người đã từng mua sản phẩm của Hoa Linh tìm kiếm và lựa chọn tên thương hiệu khác.
-
Xuất hiện trào lưu “tẩy chay Hoa Linh vì muốn tẩy chay tất cả các sản phẩm được quảng cáo và bán hàng bởi Võ Hà Linh”
Với số lượng sản phẩm đã được đặt hàng (một phần có thể sẽ bị trả lại) và hơn 300 nghìn lượt xem livestream bán hàng của “chiến thần”, Dược phẩm Hoa Linh phải nhận “cái kết” bất ổn và một bài học đắt giá chưa từng thấy khi thực hiện hoạt động hạ giá dọn kho.