Đũa nào an toàn cho sức khỏe? Bí quyết chọn và sử dụng đũa đúng cách
Đũa là vật dụng quen thuộc trong mỗi bữa cơm, nhưng không phải ai cũng biết chọn loại đũa nào tốt cho sức khỏe và cách dùng sao cho an toàn.
Bí quyết chọn mua sữa khoa học để tối ưu dinh dưỡng, tránh nguy cơ gây hại đến sức khỏe
Ăn cam hay uống nước cam: Lựa chọn nào tốt hơn cho sức khỏe?
Đũa là vật dụng không thể thiếu trên mâm cơm của người Việt, gắn liền với văn hóa ẩm thực truyền thống. Nhưng giữa rất nhiều loại đũa đang bán trên thị trường – từ đũa tre, đũa gỗ cho đến đũa inox, đũa nhựa – liệu bạn đã biết loại nào thực sự tốt cho sức khỏe? Và làm sao để dùng đũa một cách an toàn, tránh rước họa vào thân?
Hãy cùng tìm hiểu đâu là loại đũa phù hợp để sử dụng lâu dài, cũng như cách dùng và bảo quản đúng cách.
Những loại đũa phổ biến và mối liên hệ với sức khỏe
Đũa tre, đũa gỗ
Đũa tre, đũa gỗ vốn quen thuộc từ lâu, bởi sự nhẹ nhàng, dễ cầm, giá thành rẻ và cảm giác gần gũi thiên nhiên. Tuy nhiên, không phải loại nào cũng an toàn.

Theo chia sẻ từ PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội), đũa tre già, không qua xử lý hóa chất là lựa chọn đáng tin cậy. Ngược lại, những loại đũa tre non dùng một lần lại thường được tẩy trắng, chống mốc bằng hóa chất – tiềm ẩn nguy cơ độc hại nếu tái sử dụng nhiều lần.
Đũa gỗ cũng cần cẩn trọng, nhất là loại được phủ sơn bóng hoặc sơn màu để trông bắt mắt. Những lớp sơn kém chất lượng có thể chứa kim loại nặng, đặc biệt là chì. Bên cạnh đó, đặc điểm hút ẩm của tre, gỗ khiến chúng dễ mốc, tích tụ vi khuẩn nếu không bảo quản kỹ.
Đũa inox, đũa nhựa
Đũa inox và đũa nhựa thường được ưa chuộng nhờ bền, dễ vệ sinh. Tuy vậy, sự tiện lợi này không đồng nghĩa với tuyệt đối an toàn.
Đũa nhựa có điểm yếu lớn là dễ bị biến dạng ở nhiệt độ cao. Khi gặp nóng, nhựa có thể giải phóng vi nhựa – những hạt cực nhỏ bám vào thức ăn, rồi đi vào cơ thể, gây hại sức khỏe, nhất là với trẻ em hoặc người có sức đề kháng kém.

Đũa inox không hút ẩm, khó nấm mốc, nhưng lại dẫn nhiệt nhanh, dễ gây bỏng tay khi ăn đồ nóng. Đặc biệt, khi dùng với các món chua, món có tính axit, inox có thể bị ăn mòn, giải phóng kim loại nặng, ảnh hưởng lâu dài đến gan, thận.
Làm sao chọn loại đũa an toàn?
Không có loại đũa “hoàn hảo tuyệt đối”, nhưng có những nguyên tắc bạn nên nắm:
- Ưu tiên đũa tre già, đũa gỗ tự nhiên, không sơn phủ, không tẩm hóa chất. Khi mua về, nên luộc đũa khoảng 30 phút để khử khuẩn và loại bỏ chất dư.
- Đũa inox có thể dùng, nhưng chỉ nên dùng tạm thời, tránh dùng cho trẻ nhỏ hoặc khi ăn các món chua, nóng.
- Tuyệt đối không tái sử dụng đũa nhựa hoặc đũa tre dùng một lần.
Việc chọn đũa phù hợp không chỉ dựa trên sở thích mà cần cân nhắc kỹ yếu tố sức khỏe của từng thành viên trong gia đình.
Sử dụng và bảo quản đũa đúng cách

Ngay cả khi chọn đúng loại đũa, cách bạn sử dụng và bảo quản cũng quyết định phần lớn sự an toàn.
- Luôn rửa sạch đũa sau khi ăn, không nên ngâm đũa trong nước lâu vì dễ sinh nấm mốc.
- Ưu tiên dùng nước nóng hoặc nước rửa chén chuyên dụng để tăng hiệu quả làm sạch, diệt khuẩn.
- Sau khi rửa, phơi đũa ở nơi khô thoáng, có nắng, hoặc dùng máy sấy đũa nếu có.
- Đặc biệt chú ý vệ sinh giỏ đựng đũa, vì đây là nơi dễ tích tụ cặn bẩn và vi khuẩn, thường bị bỏ qua.
Vậy, loại đũa nào tốt nhất cho sức khỏe? Câu trả lời nằm ở việc bạn chọn đúng chất liệu – ưu tiên tự nhiên, không hóa chất – và kết hợp với thói quen sử dụng, vệ sinh, bảo quản đúng cách. Không cần phải chạy theo các sản phẩm đắt tiền hay “đũa xịn”, chỉ cần hiểu rõ và thực hiện những nguyên tắc an toàn, bạn đã có thể bảo vệ sức khỏe cả gia đình ngay từ những điều nhỏ nhất trên bàn ăn.