Tiếp Thị Gia Đình

Thứ ba, 02/07/2024, 15:00 (GMT+7)

Mặt hàng nào không được giảm 2% thuế VAT từ 1/7?

Theo Nghị định 72/2024/NĐ-CP, nhóm dịch vụ viễn thông, chứng khoán, bảo hiểm và kinh doanh bất động sản… không nằm trong diện được giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT).

Những mặt hàng không được giảm 2% thuế VAT từ 1/7

Ngày 1/7, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết vừa ban hành công điện chỉ đạo cục thuế các tỉnh, thành phố; các vụ, đơn vị thuộc và trực thuộc triển khai việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) theo Nghị định của Chính phủ và Nghị quyết của Quốc hội, từ 1/7, theo Tài chính Doanh nghiệp.

Theo đó, Nghị định số 72/2024/NĐ-CP của Chính phủ nêu rõ các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, sẽ được giảm xuống còn 8%, áp dụng từ 1/7 đến hết năm 2024.

Theo đó, Theo đó, việc giảm thuế VAT áp dụng từ 1/7 đến hết năm nay cho nhóm hàng hóa, hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế suất VAT 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ.

Thứ nhất, nhóm doanh nghiệp viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản không thuộc diện được giảm VAT. Ngành kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất cũng bị loại trừ.

Thứ 2 là nhóm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, cũng không được hưởng chính sách ưu đãi thuế VAT, như ô tô dưới 24 chỗ, tàu bay, du thuyền; xăng các loại; bài lá; vàng mã; rượu, bia, thuốc lá; điều hòa nhiệt độ, xe máy; kinh doanh xổ số, kinh doanh vũ trường, golf…

Nhóm thứ 3 bị loại trừ khỏi danh sách giảm thuế VAT 2% là doanh nghiệp công nghệ thông tin, sản xuất các mặt hàng như thẻ thông minh; máy vi tính; máy bán hàng, ATM; ổ lưu trữ; camera truyền hình...

Ngoài ra, còn một số quy định loại trừ khác áp dụng với doanh nghiệp khai thác than.

Nghị định nêu rõ trường hợp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế VAT hoặc đối tượng chịu thuế VAT 5% theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng thì thực hiện theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng và không được giảm thuế VAT.

Cơ sở kinh doanh tính thuế VAT theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế VAT 8% đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế VAT.

Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế VAT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế VAT khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế VAT.

Theo tính toán trước đó của Chính phủ, việc nới thời gian giảm thuế 2% thêm 6 tháng dự kiến làm giảm thu ngân sách nửa cuối năm nay khoảng 24.000 tỷ đồng (tương đương 4.000 tỷ đồng/tháng). Ngân sách ước tính giảm gần 47.500 tỷ đồng cả năm 2024.

Trong văn bản hỏa tốc của Tổng cục Thuế gửi cục Thuế các địa phương, đơn vị này yêu cầu chủ động tuyên truyền, phổ biến cho người nộp thuế trên địa bàn để kịp thời thực hiện Nghị định mới.

Hình ảnh 101

Giảm thu ngân sách nửa cuối năm khoảng 24.000 tỉ đồng

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, việc giảm thuế VAT sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước song cũng thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, qua đó góp phần tạo thêm nguồn thu ngân sách. 

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, người dân là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp của chính sách giảm thuế VAT, còn doanh nghiệp cũng có điều kiện tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng hoạt động, tạo thêm việc làm cho người lao động.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh từng phân tích, trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, việc áp dụng giảm thuế VAT là hết sức cần thiết cho người dân, doanh nghiệp. Theo đó, việc giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% đối với nhiều mặt hàng là động thái tích cực giúp kích thích chi tiêu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Bởi giảm thuế VAT sẽ giúp giảm chi phí trực tiếp cho người mua hàng, việc được giảm thuế sẽ kích thích người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sẽ quay vòng vốn tốt hơn. Bên cạnh đó, việc được giảm thuế VAT 2% đối với nguyên vật liệu, phụ tùng, thiết bị… cũng giúp chi phí đầu vào sản xuất giảm, doanh nghiệp có dư địa giảm giá sản phẩm, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.

Ông Thịnh cũng nói rằng trong bối cảnh hiện nay cần tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn do đơn hàng xuất khẩu giảm, từ đó thúc đẩy giải quyết hàng tồn kho, tăng vòng quay của vốn. Do vậy, có thể khẳng định, chính sách này giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh khá hiệu quả.

Nhiều ý kiến cũng đồng thuận người dân là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này, việc giảm thuế VAT đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế VAT 10% sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân.

Đối với doanh nghiệp, việc giảm thuế VAT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.

Cùng chuyên mục