Đeo trang sức bạc cho trẻ và những điều bạn cần biết
Theo quan niệm dân gian, trang sức bạc giúp phát hiện độc tố, tăng cường sức khỏe cho trẻ. Tuy nhiên, câu chuyện này có thực sự đúng hay không?
Trang sức bạc có phát hiện và hút độc tố trong người trẻ hay không?
Trang sức bằng bạc thường được nhiều người đeo cho trẻ với hy vọng cải thiện sức khỏe, giúp trẻ hay ăn chóng lớn. Có không ít bậc phụ huynh tin rằng, đeo vòng bạc có thể phát hiện và hút các độc tố trong cơ thể ra ngoài. Vậy, loại trang sức này thực sự có tác dụng ấy hay không?
Trên phương diện khoa học, dây bạc bị đen, xỉn màu là do khi gặp nhiều chất như sunfua, cacbon đioxit và hơi nước sẽ gây nên những phản ứng hóa học. Phản ứng này cấu thành các hợp chất của bạc và chúng tạo ra các chất màu đen trên bề mặt dây. Đây là hiện tượng oxy hóa và là tính chất bình thường của bạc.
Ngoài ra, bạc cũng có thể chuyển màu do tiếp xúc với mỹ phẩm, mồ hôi, nước và không khí. Đeo vòng bạc lâu ngày, tình trạng xỉn màu cũng sẽ xảy ra.
Vòng bạc không thể hút chất độc từ cơ thể ra ngoài. Con người thải chất độc thông qua hơi thở, mồ hôi, nước tiểu và chất thải. Do vậy, nếu trẻ có dấu hiệu của việc mang độc tố trong người, phụ huynh cần cho đi thăm khám tại các bệnh viện, cơ sở y tế.
Những lưu ý khi đeo trang sức bạc cho trẻ
Kiểm tra độ tinh khiết của bạc
Khi mua vòng, lắc bạc cho trẻ, phụ huynh cần lựa chọn loại bạc có độ tinh khiết cao. Điều này giúp hạn chế khả năng gây dị ứng, kích ứng da.
Nên chọn trang sức bạc trên 925 bạc (hàm lượng bạc là 92,5%).
Xem xét kỹ trẻ có dị ứng với trang sức bạc hay không
Không phải trẻ nào cũng có thể đeo bạc được nên phụ huynh cần lưu ý. Một số trẻ dễ bị dị ứng với trang sức bạc và có các triệu chứng như ngứa, mẩn đỏ, nổi mụn nước.
Trước khi sử dụng các loại trang sức bạc cho trẻ, hãy kiểm tra bằng cách đeo thử ở cổ tay một thời gian. Nếu trẻ không có vấn đề bất thường thì mới cho sử dụng lâu dài.
Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ
Nhiều trẻ rất hiếu động, ham chơi nên trang sức dễ bị bám bụi bẩn. Việc thường xuyên làm sạch dây bạc vừa giúp duy trì độ sáng bóng vừa tránh những ảnh hưởng xấu đến làn da và sức khỏe của trẻ.
Phụ huynh có thể mang trang sức bạc đến các địa chỉ uy tín để làm sạch hoặc tự vệ sinh ở nhà bằng một miếng vải bạc hoặc nước rửa chuyên dụng.
Tránh tình trạng cho dây bạc vào miệng trẻ
Trẻ em thường có thói quen cho tay vào miệng nên khi đeo trang sức, phải đặc biệt hạn chế tình trạng này. Trẻ có thể vô tình nuốt hoặc cắn vào dây. Bạc có chứa ion nên cần tránh cho trẻ ngậm lâu, nếu không sẽ dễ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Không nên đeo quá lâu
Da của trẻ rất mỏng và nhạy cảm, việc đeo trang sức bạc lâu ngày có thể gây kích ứng da. Bởi vậy, không nên cho trẻ đeo quá lâu, phụ huynh nên cởi ra khi trẻ ngủ và hoạt động nhiều.
Cách vệ sinh khi bạc chuyển sang màu đen
Lau bằng khăn bạc
Khăn bạc cũng có thể dùng để vệ sinh các loại trang sức bạc hiệu quả. Đây là một loại vải chứa các mảnh bạc, giúp sẽ loại bỏ bụi bẩn và oxit trên bề mặt bạc.
Làm sạch bằng xà phòng và nước ấm
Ngâm trang sức bạc vào nước ấm, cho thêm một ít xà phòng rồi dùng bàn chải mềm chà nhẹ. Cuối cùng, rửa sạch lại với nước và dùng khăn lau khô.
Sử dụng baking soda
Dùng một lượng baking soda vừa đủ cho vào chậu nước ấm rồi ngâm trang sức bạc trong đó khoảng 10 phút. Tiếp đến, dùng bàn chải mềm chà nhẹ và rửa lại nước sạch, lau khô.
Dùng kem đánh răng
Kem đánh răng có thể làm sạch các trang sức bằng bạc. Hãy dùng một lượng kem vừa đủ, cho lên bàn chải mềm và nhẹ nhàng chà bề mặt bạc, sau đó rửa sạch và lau khô bằng khăn.
Khi vệ sinh trang sức bạc, cần lưu ý không sử dụng các chất tẩy rửa hóa học mạnh hay bàn chải kim loại để chà rửa. Điều này có thể làm trầy xước bề mặt và phá hủy độ bóng của bạc. Ngoài ra, nếu ít sử dụng, cần bảo quản trang sức bạc đúng cách để giữ nó luôn bền, đẹp.