Tiếp Thị Gia Đình

Thứ ba, 14/02/2023, 10:30 (GMT+7)

Cần chuẩn bị những gì cho trẻ sắp vào lớp 1?

(Tiepthigiadinh) - Bước vào lớp 1 là một bước ngoặt lớn đầu tiên, đánh dấu sự phát triển hoàn toàn mới của trẻ nhỏ. Vậy bố mẹ cần chuẩn bị những gì cho con? Mời các bậc phụ huynh tham khảo bài viết dưới đây!

Chuẩn bị thói quen

Thói quen sinh hoạt và thói quen học tập là hai thói quen quan trọng, để trẻ “nhập cuộc” với chương trình của bậc Tiểu học thuận tiện nhất. Trước khi trẻ được chuyển đổi từ Mầm non lên Tiểu học, bố mẹ cần rèn luyện thói quen sinh hoạt điều độ cho trẻ. Chế độ ăn uống và ngủ nghỉ ở môi trường Tiểu học sẽ khác xa so với Mầm non. Ở Tiểu học chỉ có duy nhất một bữa chính là bữa ăn trưa. Vì vậy, trẻ phải được đảm bảo thói quen ăn đủ ngày 3 bữa, trong đó bữa ăn sáng phải đầy đủ chất để duy trì năng lượng hoạt động cho đầu ngày. Đặc biệt, trẻ cần chỉnh sửa ngay các thói quen xấu như kén ăn, ăn chậm hay nghịch ngợm khi ăn…

Để đáp ứng đủ lượng giờ cho các môn học, ở Tiểu học giờ giấc khá khắt khe và thời gian để ngủ của trẻ cũng không nhiều như Mầm non. Nếu trẻ không điều chỉnh lại thói quen giờ giấc, tình trạng đi trễ hoặc mất tập trung và ngủ gật trong lớp ở trẻ sẽ càng phổ biến.

chuan bi vao lop 1 Tiepthigiadinh H1
Ăn ngủ đúng giờ là thói quen quan trọng cần có để trẻ vào lớp 1.

Bên cạnh đó, thói quen học tập sẽ quyết định rất lớn đến sự phát triển về mặt IQ và thành tích ở trường của trẻ. So với những đứa trẻ lười biếng, trẻ có thói quen học tập sẽ rèn luyện được tính siêng năng, bởi vì trẻ thực sự có ham muốn học tập và được tiếp thu những kiến thức bổ ích. Biểu hiện của thói quen này là việc trẻ thường xuyên đọc sách, viết nhật ký hoặc rèn luyện vở sạch chữ đẹp,...

Ngoài ra, hãy giúp trẻ rèn luyện thói quen tập thể dục. Trẻ sức khỏe tốt mới có thể đảm bảo được việc học tập tốt.

Rèn luyện một số kỹ năng mềm

Việc rèn luyện một sốkỹ năng và tác phong trước khi vào lớp 1 là yếu tố cực kỳ quan trọng. Việc làm này giúp các bé tự tin hơn, không bị đuối so với những bạn đồng trang lứa.

Kỹ năng tự phục vụ

Kỹ năng tự phục vụ đã được hình thành khi bé đi học mẫu giáo. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn còn cưng chiều con, giáo viên mẫu giáo đôi khi vẫn làm thay cho bé nên nhiều bé vẫn chưa biết cách tự phục vụ bản thân tốt nhất.

Các giáo viên tại trường tiểu học không thể hỗ trợ việc này cho các bé. Do đó, các bậc phụ huynh cần dành nhiều thời gian để rèn luyện cho con bằng các hoạt động như: Tự thay quần áo (trong trường hợp trẻ học cả ngày với nhiều hoạt động khác nhau yêu cầu thay đổi trang phục, sắp xếp sách vở, dụng cụ học tập vào cặp, dọn dẹp góc học tập, tự đi vệ sinh, tự xúc ăn…

Kỹ năng giao tiếp với bạn bè, thầy cô và mọi người xung quanh

Các bố các mẹ nên dạy bé cách lắng nghe ý kiến của người khác, của thầy cô, cha mẹ, bạn bè. Các bé cần biết trả lời khi được hỏi, đặt câu hỏi đối với những vấn đề khó hiểu cho thầy cô, cha mẹ để các bé tự tin thể hiện khả năng bản thân mình trong nhiều lĩnh vực. 

chuan bi vao lop 1 Tiepthigiadinh H2
Trẻ cần rèn kỹ năng giao tiếp với mọi người xung quanh.

Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh nên hình thành cho các bé kỹ năng giao tiếp lễ phép, kính trên nhường dưới, lịch sự trong bất kỳ trường hợp nào. Các bố các mẹ cũng có thể cho con tham gia các chương trình hay hoạt động có ích ngoài xã hội, hoạt động ngoại khóa để các bé tự tin giao tiếp, tự tin thể hiện quan điểm cá nhân… Đây chính là hành trang tốt nhất để các bé bước vào lớp 1 một cách tự tin nhất.

Rèn luyện kỷ luật, lối sống nề nếp

Để hình thành dần cho các bé chuẩn bị vào lớp 1 nề nếp, kỷ luật tại trường tiểu học, các bố các mẹ có thể kể những câu chuyện, làm mẫu cho các con những hoạt động liên quan đến trường học như: giữ trật tự trong lớp học, giơ tay xin phép thầy cô khi muốn phát biểu hoặc đi ra ngoài, trước khi vào lớp các bé phải xếp hàng, đứng lên chào thầy/cô giáo khi vào lớp, tan lớp…

Kỹ năng tập trung rất cần được bố mẹ hoàn thiện cho các bé để các bé giữ nề nếp kỷ luật tại trường học. Chẳng hạn, bố mẹ có thể giao cho các bé một nhiệm vụ nào đó như vẽ tranh, tô màu, đồ chữ cái…bằng cách ngồi trên bàn học ngay ngắn trong khoảng thời gian 30-45 phút. Điều này cũng giúp làm gia tăng sự tập trung chú ý cho trẻ, rất có ích cho trẻ khi vào lớp 1. 

Chuẩn bị kiến thức

Ở trường mầm non, các bé đã được tiếp xúc với mặt chữ và số. Tuy nhiên, khi về nhà, các bậc phụ huynh có thể thường xuyên bổ túc kiến thức cho bé từ học chữ, số cho đến cách đọc, cách viết, cách cầm bút đúng, cách ngồi không sai tư thế, cách tô màu, làm tính đơn giản. Việc làm này giúp các bé dễ dàng tiếp thu và theo kịp những kiến thức được dạy trên lớp cũng như không bị tụt lại so với bạn bè.

chuan bi vao lop 1 Tiepthigiadinh H3
Bố mẹ hãy cùng con ôn luyện một số kiến thức đơn giản.

Trong vấn đề về mặt kiến thức cần chuẩn bị cho trẻ ở giai đoạn chuyển cấp, nhiều bố mẹ đã đưa ra những ý kiến khác nhau. Có người cho rằng, trẻ không cần phải chuẩn bị gì mà nên để đầu óc thư giãn sẽ tốt hơn cho sự phát triển tự nhiên của trẻ. Tuy nhiên, một bộ phận bố mẹ lại có suy nghĩ ngược lại. Họ cho rằng, việc chuẩn bị kiến thức cho trẻ trước khi chuyển cấp, chính là đang giúp trẻ. Điều này sẽ làm giảm đi một phần lo lắng ở trẻ.

Vì thế, bố mẹ hãy để con tiếp thu vừa phải, không nên nhồi nhét quá nhiều kiến thức cho bé ở giai đoạn này bởi sẽ khiến các con cảm thấy quá tải, gây chán nản và tâm lý sợ hãi khi đi học của các bé. 

Chuẩn bị tâm lý

Đứa trẻ nào cũng đều mang tâm lý chung là bỡ ngỡ, lo lắng khi bước vào môi trường mới. Bởi vì có rất nhiều sự khác nhau giữa những cái quen thuộc trước đây và cái mới mà trẻ sắp phải đối diện. Vì thế, chuẩn bị tâm lý vững vàng và thoải mái là điều kiện tối cần mà bố mẹ nên tạo cho trẻ. 

Để làm được điều này, bố mẹ hãy dành nhiều thời gian để chia sẻ và lắng nghe trẻ. Trong điều kiện phù hợp, bố mẹ có thể lựa chọn giải pháp thỏa mãn nhu cầu, hay sở thích nào đấy của trẻ, phục vụ cho vấn đề học tập, để kích thích sự hứng thú cho trẻ.

Bố các mẹ có thể kể cho bé những câu chuyện về việc đi học, môi trường học với thái độ lạc quan và tích cực nhất. Chẳng hạn, vào lớp 1, con sẽ được quen nhiều bạn mới, học ở ngôi trường lớn hơn, đẹp hơn, được học nhiều bài học mới, được thầy cô yêu thương chăm sóc… Bên cạnh đó, vố mẹ cũng nên hướng dẫn con cách làm quen với bạn bè ra sao, giới thiệu bản thân như thế nào. Giúp con tự tin cũng là cách giúp các bé không “sợ” việc đi học lớp 1. 

chuan bi vao lop 1 Tiepthigiadinh H4
Chuẩn bị tâm lý vững vàng và thoải mái là điều kiện tối cần mà bố mẹ nên tạo cho trẻ.

Nếu trẻ mang vẻ tò mò, phấn khởi với những nhận thức tốt đẹp về trường học thì bố mẹ đã thành công hoàn thành nhiệm vụ trấn an tinh thần, chuẩn bị tâm lý vững vàng cho trẻ. Lúc này, bố mẹ có thể yên tâm gửi trẻ đến trường học. 

Bố mẹ tuyệt đối đừng thể hiện những lời nói hay hành vi tạo cảm giác nặng nề và áp lực lên trẻ. Bởi vì, đứa trẻ nào cũng cần phải có thời gian để thích nghi, năng lực của trẻ không thể “ngày một, ngày hai” là có thể đáp ứng được mọi điều kiện mà bố mẹ đưa ra. Đặc biệt là đòi hỏi của bố mẹ về mặt thành tích. Muốn tốt cho sự phát triển của trẻ, thay vì gấp gáp rồi “hư chuyện” thì bố mẹ hãy kiên nhẫn chờ đợi và tin tưởng vào con.  

Cùng chuyên mục