Làm thế nào để trẻ tự tin hơn?
(Tiepthigiadinh) - Những đứa trẻ tự tin sẵn sàng trải nghiệm những thứ mới mẻ mà không có cảm giác sợ thất bại. Vậy làm thế nào để trẻ tự tin hơn? Hãy tham khảo bài viết dưới đây nhé!
Hãy yêu trẻ
Điều này dường như là hiển nhiên, nhưng có thể là điều quan trọng nhất mà bạn dành cho trẻ. Trẻ cần cảm nhận được rằng chúng được chấp nhận, được yêu, từ gia đình và mở rộng ra tới các nhóm như bạn bè, bạn học, nhóm chơi thể thao, cộng đồng xã hội. Hãy thường ôm trẻ và nói với chúng là bạn yêu chúng. Tình yêu không điều kiện sẽ tạo nên một nền tảng vững chắc cho sự tự tin.
Xây dựng các mối quan hệ
Tự tin trong các mối quan hệ cũng là chìa khóa để xây dựng sự tự tin của con bạn. Mối quan hệ đầu tiên và quan trọng nhất chính là lòng yêu thương giữa cha mẹ và con cái. Nhưng khi các mối giao tiếp của con bạn mở rộng hơn, bạn cần giúp con bạn hiểu rằng hành động của chúng sẽ ảnh hưởng đến người khác ra sao, và cũng giúp con bạn giữ sự tự tin khi người khác tác động đến chúng. Là cha mẹ, bạn không nên xử lý mọi tình huống cho con, mà là dạy con bạn sự sẻ chia, lòng tốt bụng và sự tự tin để ứng xử với những thăng trầm trong các mối quan hệ.
Theo Chuyên gia sức khỏe hành vi nhi khoa Kristen Eastman (Mỹ), cha mẹ nên dành thời gian để quan sát và hiểu cách trẻ giao tiếp xã hội. Hãy bắt đầu với cách tiếp cận:
- Tham dự một vài hoạt động ở trường (hoặc sau giờ học) và chú ý đến cách con bạn tương tác với những người bạn khác. Trẻ có cư xử khác với “tiêu chuẩn” của chúng ở nhà không? Hãy tìm hiểu tại sao!
- Con bạn có thể gặp khó khăn khi bắt đầu cuộc trò chuyện. Chúng có thể lo lắng trong các nhóm lớn hoặc sợ nói trước đám đông... Hãy tìm hiểu vì sao!
Tùy thuộc vào hành vi bạn nhìn thấy, sau đó bạn có thể quyết định nên tập trung sự chú ý của mình vào đâu, những kỹ năng nào cần xây dựng và bạn có thể đóng góp như thế nào.
Ủng hộ cho những nỗ lực theo đuổi một sở thích của trẻ
Mỗi người đều có một điểm mạnh nào đó, bạn cần tôn trọng và khuyến khích trẻ theo đuổi niềm đam mê của chúng, cho dù đôi khi nó không làm bạn hài lòng. Nếu đam mê của con bạn là chơi guitar trong một ban nhạc, hãy ủng hộ con bạn với điều kiện nó không ảnh hưởng đến việc học ở trường chẳng hạn. Điều đó đồng nghĩa với việc không phải bạn cho con bạn hoàn toàn tự do mà vẫn có sự kiểm soát.
Bạn cũng có thể khuyến khích các hoạt động thể thao và thể chất khác. Thể thao không còn là lĩnh vực riêng của các cậu bé, mà nó giúp cho cả các em nam và nữ tự tin hơn trong các sinh hoạt. Chúng học được rằng chúng có thể luyện tập, cải thiện trình độ và đạt được mục tiêu. Chúng phát hiện ra năng lực, thế mạnh của bản thân, chấp nhận và tìm cách cải thiện những điểm yếu. Hãy cố gắng phát hiện ra một vài môn thể thao và hướng con bạn vào các môn đó, chẳng hạn như đá bóng, bơi, đi xe đạp hay tập võ…
Củng cố và khen ngợi
Khi có thể, hãy khuyến khích, động viên trẻ bởi trẻ thường đo lượng những điều chúng làm được bằng những điều mà bạn nghĩ. Nhưng hãy chú ý thực tế trong lời khen ngợi của bạn. Ngay cả khi con bạn chỉ tiến bộ chậm, hãy đảm bảo củng cố những nỗ lực của chúng. Thừa nhận từng thành công nhỏ và nói với con rằng, bạn tự hào như thế nào khi chúng tiếp tục cố gắng.
Nếu con bạn thất bại trong một nỗ lực nào đó, hãy động viên nỗ lực của trẻ chứ không phải là ca ngợi kết quả đạt được. Không ai thành công với mọi thứ trong suốt cả đời. Sẽ có những lúc khó khăn, thất bại, gặp phải những chỉ trích và đau đớn. Hãy xem chúng như những bài học kinh nghiệm hơn là thất bại và thất vọng. Hãy dạy trẻ cách cố gắng và vùng dậy, hơn là dừng lại. Trẻ sẽ dần hiểu ra rằng khó khăn là một phần bình thường của cuộc sống và có thể kiểm soát được.
Xây dựng tính độc lập và dũng cảm
Những đứa trẻ tự tin sẵn sàng trải nghiệm những thứ mới mẻ mà không có cảm giác sợ thất bại. Nếu chúng còn nhỏ, bạn cần phải giám sát chúng cẩn thận. Hãy đặt ra những tình huống đảm bảo an toàn mà trẻ có thể tự mình làm. Ví như bày cách làm bánh và để trẻ tự làm mà không can thiệp gì. Như thế, trẻ sẽ ngày càng tự tin và có ý thức trách nhiệm cao hơn với công việc của chúng.
Đặt ra những quy định
Trẻ sẽ tự tin hơn khi chúng biết ai là người chịu trách nhiệm và chúng trông đợi điều gì. Thậm chí nếu con bạn nghĩ là các quy định có quá khắt khe, chúng cũng sẽ tự tin hơn vì biết được chúng có thể làm gì và không làm gì.
Đừng so sánh trẻ với bạn bè hoặc anh chị em khác
Hãy thực tế về tính cách và khí chất độc đáo của con bạn, điều này hướng dẫn mức độ tương tác xã hội mà chúng tìm kiếm. Chỉ vì bạn có hàng tá bạn bè không có nghĩa là con bạn cũng sẽ như vậy. Một số trẻ hướng nội kết bạn với một vài người bạn thực sự tốt thay vì có nhiều tình bạn bình thường hơn.
Tiến sĩ Eastman nói: “Thật khó khăn khi bình thường của cha mẹ không phù hợp với bình thường của con cái. Miễn là con đang làm những việc con muốn làm, vui vẻ và thích nghi tốt, thì chẳng có gì bất thường.”