Dạy trẻ chậm nói tại nhà: cha mẹ cần kiên nhẫn và bên con nhiều hơn
(Tiepthigiadinh) - Trẻ chậm nói luôn là mối quan tâm lo lắng của các bậc cha mẹ. Vậy làm sao để dạy trẻ chậm nói tại nhà, hãy tìm hiểu bài viết dưới đây!
Trẻ chậm nói là như thế nào?
Ngôn ngữ là phương tiện dùng để thể hiện và tiếp nhận thông tin, thông qua lời nói hoặc cử chỉ (ngôn ngữ cơ thể, ngôn ngữ tín hiệu). Ngôn ngữ là thước đo thể hiện trí thông minh, vì vậy rối loạn phát triển ngôn ngữ thường nghiêm trọng hơn so với rối loạn lời nói.
Rối loạn lời nói và ngôn ngữ: là sự phát triển bất thường về ngôn ngữ, đây là dạng chậm phát triển phổ biến nhất ở trẻ em, có tỉ lệ nhiều hơn so với các dạng chậm phát triển khác (ví dụ: chậm phát triển thị lực, vận động, nhận thức, chậm phát triển kỹ năng xã hội và cảm xúc).
Chậm phát triển ngôn ngữ hay chậm nói ở trẻ là khi ngôn ngữ của trẻ phát triển theo đúng trình tự bình thường, tuy nhiên với tốc độ chậm hơn so với các trẻ khác.
Dấu hiệu cảnh báo trẻ chậm nói
Trẻ được 3 - 4 tháng tuổi chậm nói
- Trẻ không đáp ứng với tiếng động mạnh.
- Trẻ không phát ra âm thanh gừ gừ.
- Hoặc trẻ bắt đầu gừ gừ nhưng không biết bắt chước các âm thanh khác (khi được 4 tháng tuổi).
Trẻ 7 tháng tuổi chậm nói
- Biểu hiện cảnh báo đáng tin cậy nhất là: trẻ không đáp ứng với tiếng động.
Trẻ 12 tháng tuổi chậm nói
- Trẻ không tìm cách giao tiếp với người khác (trong khi những em bé khác đã bắt đầu sử dụng âm thanh, cử chỉ hay lời nói), kể cả khi trẻ cần giúp đỡ hay mong muốn điều gì đó.
- Trẻ không biết nói bất kì một từ nào, ví dụ: “mẹ” hoặc “ba”.
- Không bi bô, không phát ra các phụ âm (ví dụ: p hoặc b).
- Trẻ không biết thực hiện các động tác đơn giản như: vẫy tay chào tạm biệt, lắc đầu để nói không, chỉ tay vào đồ vật bé muốn.
- Trẻ không có phản ứng khi được đúng gọi tên.
- Không hiểu và không có hành động phản ứng với các từ đơn giản như: “không”, “chào bé” và “bai bai”.
- Trẻ có biểu hiện không quan tâm đến thế giới xung quanh.
Trẻ 16 tháng chậm nói
- Trẻ được 16 tháng những vẫn không hiểu và không phản ứng gì với các từ như: “không”, “dậy nào”.
- Không thể nói được bất kỳ từ ngữ nào.
- Không biết chỉ vào đồ vật hay bức tranh ở trước mặt khi được hỏi, ví dụ cha mẹ hỏi: “Quả bóng đâu”.
- Trẻ không biết chỉ vào vật mình thích, như kiểu muốn diễn đạt ý “Mẹ/Ba nhìn đây!” và kết hợp với động tác ngước nhìn ba mẹ.
Cách dạy trẻ chậm nói tại nhà
Để biết chính xác trẻ chậm nói hay không và đang ở mức độ nào, cha mẹ cần đưa trẻ đến thăm khám bác sĩ. Bên cạnh đó, nhằm giúp trẻ hoàn thiện khả năng ngôn ngữ, hàng ngày bố mẹ hãy dành nhiều thời gian bên con và thực hiện đều đặn các biện pháp sau:
Thường xuyên trò chuyện với trẻ
Nói chuyện với con nhiều hơn chính là cách đơn giản nhất mà ba mẹ dễ dàng thực hiện để giúp con nhanh biết nói. Thay vì sử dụng điện thoại, ipad, tivi… cha mẹ hãy dành nhiều thời gian trò chuyện, đọc sách, ca hát hay tâm sự cùng con.
Cha mẹ hãy giao tiếp với con trong mọi tình huống như khi cho con ăn, tắm cho con hoặc đưa con đi dạo. Đây cũng là một trong các phương pháp giúp trẻ tăng vốn từ về các sự vật hiện tượng giúp trẻ nhanh biết nói.
Dạy trẻ nói rõ ràng, chuẩn âm và nói chậm
Trẻ đang trong giai đoạn học nói nên cha mẹ cần phát âm chuẩn và chậm giúp trẻ dễ tiếp thu. Ngoài ra vì đang trong giai đoạn tập nói nên trẻ phát âm còn ngọng. Vì vậy, cha mẹ cần chỉnh từ ngữ cho trẻ, tránh phát âm theo bé dẫn đến tình trạng khó sửa sau này.
Khi dạy, cha mẹ tránh quát mắng hoặc thể hiện sự thiếu kiên nhẫn. Bởi điều này có thể trẻ thiếu tự tin và ngại nói hơn. Hãy luôn nhớ đồng hành cùng con, làm bạn cùng con giúp con biết nói nhanh.
Khuyến khích trẻ tự nói ra nguyện vọng
Xuất phát từ sự yêu thương và chiều chuộng, nhiều cha mẹ, ông bà có thói quen thay trẻ giải quyết các vấn đề, trẻ không cần nói mà chỉ cần có cử chỉ, điệu bộ là người lớn đã giải quyết cho trẻ. Điều này sẽ khiến trẻ trở nên lười nói, chậm nói.
Cha mẹ nên khuyến khích trẻ nói ra nguyện vọng của mình như "con muốn uống nước", "con muốn đi chơi"... để kích thích trẻ nói nhiều hơn.
Đưa trẻ đến nơi đông người
Nhiều chuyên gia đánh giá rằng nếu thường xuyên đưa trẻ đến công viên, khu vui chơi... sẽ kích thích thị giác và trí tò mò của trẻ. Nếu trẻ đến tuổi đi mẫu giáo, cha mẹ hãy cho trẻ đi học để trẻ có nhiều cơ hội tiếp xúc với các bạn đồng trang lứa. Đây cũng là cách hiệu quả nhất giúp trẻ sớm bật âm.
Tạo môi trường học tập tốt cho trẻ
Môi trường học tập, không khí học tập là một phần không thể thiếu khi dạy trẻ chậm nói tại nhà. Cha mẹ thường xuyên có thói quen đọc sách sẽ khiến trẻ tò mò, thắc mắc và từ đấy tập trung nghe các câu chuyện cha mẹ đọc. Từ đó tăng khả năng tập trung, cung cấp thêm cho con các vốn từ mới, làm phong phú hơn vốn từ của trẻ.
Đặc biệt để tăng khả năng tập trung cha mẹ nên chọn sách, truyện có nhiều hình ảnh, màu sắc nổi bật, gần gũi với sở thích của trẻ. Ví dụ: Trẻ thích các loại xe, gia đình nên sưu tầm các câu chuyện mà nhân vật chính từ các loại xe để trẻ tập trung và dễ tiếp thu.