Những cách hay khiến trẻ thích thú đọc sách
Không bao giờ là quá sớm để hướng trẻ đến với những cuốn sách. bố mẹ hãy giúp con hiểu rằng, sách là món quà tri thức tuyệt vời và mỗi cuốn sách là một cuộc phiêu lưu kỳ thú.
Thường xuyên đưa con tới thư viện, nhà sách
Thói quen đọc sách nên được hình thành ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Bạn có thể cùng con tới thư viện và nhà sách để trẻ khám phá kho tàng tri thức quý báu đó. Hãy để trẻ tìm kiếm cuốn sách mà trẻ yêu thích, sau đó mượn hoặc mua cuốn sách đó cho trẻ. Các chuyên gia cho biết rằng, việc nhìn thấy người khác say sưa đọc sách sẽ tác động tới tâm lý và giúp trẻ tăng thêm phần hứng thú với sách.
Chọn sách phù hợp với lứa tuổi, sở thích của trẻ
Những đứa trẻ mới biết đi thích các loại sách bảng, sách nhiều hình vẽ hay bất kỳ loại sách nào mà trẻ có thể cầm và thao tác dễ dàng. Những trẻ lớn hơn thích những câu chuyện đi kèm với những bức tranh tươi sáng, rõ ràng, chân thực... bố mẹ cần đảm bảo nội dung trong những cuốn sách đó là phù hợp với trẻ.
Chọn sách về các hoạt động yêu thích của trẻ như đi thăm sở thú, bơi lội, chơi bóng. Tìm hiểu về các chương trình yêu thích của bé thông qua những cuốn sách về các nhân vật đó. Nhiều bố mẹ cảm thấy cuốn sách này có thể tốt và mang lại nhiều lợi ích hơn cho bé, nhưng nếu trẻ thích con khủng long màu tím thì bé cũng sẽ thích những cuốn sách về cuộc phiêu lưu của nó. Hãy để trẻ tham gia vào quá trình lựa chọn những cuốn sách.
Khiến cho việc đọc sách trở nên thú vị
Bố mẹ có thể làm tăng sự thích thú của trẻ khi đọc cho chúng nghe những mẩu truyện bằng cách giả tiếng gầm gừ của một con sói trong “Cô bé quàng khăn đỏ” hay tiếng kêu của chú chim “vàng anh” trong truyện cổ tích “Tấm Cám”. Trẻ em cũng yêu thích việc diễn tả lại câu chuyện như người lớn, vì vậy những đứa trẻ lớn hơn có thể thích giả làm con sói đáng sợ trong truyện “Ba chú heo con”. Hãy dừng lại và động viên trẻ, ngay cả khi nó làm chậm tiến trình của câu chuyện. Bé sẽ hiểu được nhiều hơn nội dung của truyện nếu tích cực tham gia.
Giúp trẻ tìm ra câu trả lời từ những quyển sách
Trẻ còn nhỏ nên chuyện gì cũng có thể thắc mắc và muốn được bố mẹ giải đáp. Những lúc như thế, bạn hãy giúp bé tìm ra câu trả lời đồng thời phân tích cho bé hiểu chỉ có những quyển sách mới có thể giúp bé trả lời được tất cả những điều thắc mắc, khó hiểu. Dần dần như thế bé yêu nhà bạn sẽ có niềm đam mê và hiếu kỳ với những quyển sách đấy. Chúng sẽ nghĩ cái gì bố mẹ cũng biết là do bố mẹ đọc sách hàng ngày.
Đọc đi đọc lại
Nhiều bố mẹ cảm thấy khó chịu khi trẻ đòi nghe đi nghe lại một câu chuyện mỗi tối trước khi đi ngủ. Tuy nhiên, sự lặp lại này lại là một dấu ấn của bé trong những năm chập chững biết đi.
Leiderman nói: “Lý do khiến trẻ em thích đọc đi đọc lại những câu chuyện giống nhau là vì chúng rất khát khao học hỏi. Bạn sẽ sớm nhận ra rằng con bạn đã ghi nhớ những đoạn văn mà chúng yêu thích và háo hức tự diễn tả lại các cụm từ chính - cả hai dấu hiệu của việc tăng khả năng đọc.”
Chỉ ra các từ ngữ trong truyện ở khắp mọi nơi
Bất cứ nơi nào gia đình đi qua đều có thể cho trẻ thấy rằng lời nói là một phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày. Ví dụ, ngay cả những đứa trẻ mới biết đi cũng nhanh chóng học được rằng đèn báo hiệu giao thông màu đỏ có nghĩa là “dừng lại”. Một số bố mẹ còn sáng tạo bằng cách dán nhãn các đồ vật xung quanh nhà, chẳng hạn như kệ chứa bộ xếp hình, thùng đựng đồ chơi hay các vật dụng hàng ngày khác của trẻ.
Nếu trẻ đã đến tuổi đi học và đang ở nhà trẻ hoặc trường mầm non, hãy ghi chú hàng ngày vào hộp cơm trưa của con. Ngay cả khi trẻ chưa thể đọc được, nhìn thấy từ được in trên một mảnh giấy, cùng với hình vẽ hoặc nhãn dán của một chú mèo con dễ thương, sẽ là một trong những cách giúp trẻ nhanh chóng nhận biết được mặt chữ.
Làm gương cho con
Trở thành tấm gương yêu thích sách là một trong những cách tốt nhất trong việc dạy trẻ đọc sách. Chúng sẽ tự tìm hiểu xem bố mẹ đang làm gì mà say sưa và chăm chú vậy. Hãy giải thích rằng bạn đang chơi một trò chơi rất thú vị và hỏi con có muốn chơi cùng không.
Đừng thúc trẻ học cách đọc sách
Trẻ sẽ đọc một cách tự nhiên khi có những kỹ năng cơ bản. Mục tiêu của bạn không phải là giúp trẻ đọc thành lời từng từ mà là khuyến khích trẻ thiết lập tình yêu đối với sách, kể cả truyện tranh và tiểu thuyết. Nếu bạn thúc ép quá nhiều, trẻ sẽ cảm thấy bị đẩy vào một việc gì đó và sẽ mất dần đi sự hứng thú. Một số trẻ thông minh không thích đọc cho đến khi chúng 7 tuổi. Đừng lo, trẻ sẽ nhanh chóng bắt kịp chừng nào chúng học được cách yêu thích việc đọc sách.