Thứ sáu, 28/04/2023, 08:00 (GMT+7)

Đền Đông Cuông - Cội nguồn văn hoá tín ngưỡng Yên Bái

Thu Thảo (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Đền Đông Cuông là điểm đến hấp dẫn của nhân dân và du khách thập phương trong hành trình du lịch văn hoá tâm linh.

Vào tháng 1/2023, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch vừa có quyết định đưa Lễ hội đền Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia. 

Lịch sử di tích đền Đông Cuông 

le-hoi-dong-cuong-tiepthigiadinh-16
Ảnh: sưu tầm

Theo ghi chép của Lê Quý Đôn trong "Kiến văn tiểu lục", ngôi miếu này thờ Đông Quang công chúa nổi tiếng anh linh, giúp dân lập bản lập mường, dạy dân bách nghệ, chữa bệnh, cứu đói. Vào đời vua Lê Thái Tổ đã phong bà là Lê Mai Đại Vương, sau khi bà phù hộ cho vua Lê đánh tan giặc. Đền Đông Cuông còn có tên là đền Thần Vệ quốc theo sắc phong của triều đình Nguyễn.

Hay có tài liệu khác ghi rằng, năm 1258, nghĩa quân của tướng Hà Đặc sau khi thắng trận đã tập kết quân tại đền Đông Cuông và tổ chức mổ trâu khao quân. Đền và khu vực đền có liên quan đến đền Ngọc Tháp và đền Hùng (Phú Thọ). 

Đền thờ Mẫu Đệ Nhị Thượng ngàn trong tục thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, cũng là nơi thờ các vị anh hùng dân tộc đã có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thế kỷ XIII và các vị thủ lĩnh người Tày, người Dao đã anh dũng hy sinh trong cuộc khởi nghĩa chống Pháp năm Giáp Dần 1914.

Di tích đền Đông Cuông 

le-hoi-dong-cuong-tiepthigiadinh-9
Nghi thức tại lễ hội đền Đông Cuông (Ảnh: sưu tầm)

Đền Đông Cuông là ngôi đền cổ nằm bên dòng sông Hồng thuộc địa phận thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Từ lâu đã nổi danh là một trong những ngôi đền linh thiêng. Ngôi đền là nơi thờ chính Mẫu Thượng ngàn, mẫu đệ nhị trong tục thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Ở đền Đông Cuông, hình tượng Mẫu thượng ngàn cai quản 81 cửa rừng có sự pha trộn, chồng lớp bởi rất nhiều truyền thuyết ở các thời đại khác nhau. Theo truyền tụng, đây vốn là một ngôi miếu nhỏ thờ thần núi, thần rừng. Ngôi miếu này trở thành đình vào thời Lê và đến triều Nguyễn thì đổi thành đền.

Đền Đông Cuông được xây dựng trên một thế đất rộng. Tọa sát bên đôi bờ sông hồng, xung quanh là đồng ruộng và núi rừng bao bọc, không giống những ngôi đền khác trường tồn giữa chốn phồn hoa, cửa nhà san sát mà Đền Đông Cuông “Đông Quang” đã được người xưa chọn phương cắm hướng ngay cấp sa bồi của thế đất vùng “Thượng lưu châu thổ sông Hồng”. Thế đất binh sự - phên dậu nhưng không xa lìa thế nhân, chốn này tĩnh tại nhưng không hề âm u hiu quạnh. Vì vậy ngôi đền ấy mãi mãi sáng trong như đúng tên gọi “Đông Quang” cổ nhân đã đặt. Vậy nên từ xa đã khiến du khách nhận ngay được bóng dáng cây Đa khoảng 800 tuổi cạnh ngôi đền tuy cổ mà không cũ, tuy hiện đại mà mang tính dân tộc cao.

Về kết cấu kiến trúc

le-hoi-dong-cuong-tiepthigiadinh-17
Ảnh: ĐCSVN

Theo dân tộc Tày Khao gọi là đình Đông Cuông với chức năng thờ Mẫu và vị Đại Vương, người Tày cho là Thành hoàng làng là chính, không kiêm nhiệm nhiều chức năng khác và không tập trung thể hiện mỹ thuật. Trang hoàng lộng lẫy, mà chỉ là những vân mây, sóng nước, điểm xuyến đôi hình hoa lá hoa dây. Đền Đuông Cuông có kết cấu hình chữ đinh gồm hai tòa đại bái và hậu cung cấm.

Toà đại bái 

Trước sự ngưỡng mộ của chính quyền địa phương và toàn thể nhân dân xa gần. Tòa đại bái mới được xây dựng trên nền móng cũ (1995-2002) gồm 3 gian 2 trái làm kiểu quá giang gối đầu, tường cao 5m, nền lát gạch hoa, mái giằng hoành gỗ, cột xi măng giả gỗ cốt thép, toàn mái lợp ngói vẩy Hương Canh… vôi ve nhã nhặn, có diện tích sử dụng 270,5m2, Tam quan cửa thoáng - 10 cửa sổ 02 cửa hậu.

Toà hậu cung cấm 

Gồm một gian trên thượng cung, sàn cách mặt nền 1,80m là nơi đặt hai pho tượng, tượng Mẫu và tượng cao quan Đại Vương người Tày Khao ở đây gọi là Quang Hoàng Báo được nối liền với gian giữa của tòa đại bái có tổng diện tích 42m2 dựng kiểu mái xiên đổ xi măng lợp ngói mũi hài Hương Canh - chịu lực ở tường.

Qua bố trí kết cấu khung và ở tòa cung cấm là dạng đình ở trên mang dáng dấp kiến trúc của thời Nguyễn với lối sử dụng cổ truyền có hiệu quả. Đây là nét điển hình nghệ thuật kiến trúc cổ dân gian mà tới hôm nay dù xây dựng có công nghệ kỹ thuật hiện đại song vẫn ứng dụng kiểu hệ thống cổ truyền này, chỉ có điều biến dạng vị trí đi với một tên gọi khác “con sơn” mà ta thường bắt gặp.

Một số hiện vật trong di tích 

Tượng Mẫu 

Tượng Mẫu được đặt trên một ngai rộng 0.88m, dài 1m gồm 3 tầng. Bao gồm phần bệ ngai, phần thân ngai, phần tay ngai. 

Tượng quan Hoàng Báo 

Pho tượng cao 0,75 m toàn ngai trạm trổ tương tự ngai tọa của Mẫu có phần nhỏ hơn một chút về số đo, hai bên được bố trí hai thanh kiếm vỏ trạm nổi rồng. Tượng mình khoác áo vàng (khi mở hội) ngày thường mặc áo chàm xanh, trang trí trên lụa hình chữ Thọ vân mây trên dải lụa, tư thế ngồi thiền, đầu tọa khăn xếp, lúc thì đội mũ cánh chuồn (khi mở hội), hai tai to chảy, hai tay đặt nhẹ lên đùi, một tay úp, một tay ngửa chỉ về hướng bụng, miệng hơi mỉm cười nhân từ phúc hậu. 

Lễ hội đền Đông Cuông

le-hoi-dong-cuong-tiepthigiadinh-13
Ảnh: sưu tầm

Lễ hội đền Đông Cuông được tổ chức vào tháng Giêng hàng năm. Lễ hội mở đầu bằng lễ mổ trâu tế Mẫu, được thực hiện vào thời khắc đầu tiên của ngày Mão đầu năm. Hàng năm, cứ xuân thu nhị kỳ, vào đầu năm bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch và cuối năm vào từ tháng 8 đến hết tháng 12 âm lịch, các thanh đồng trên mọi miền đất nước thường về đền Đông Cuông để lễ Mẫu và “bắc ghế hầu Thánh”.

Nghi thức lễ hội đền Đông Cuông 

Lễ hội mở đầu bằng lễ mổ trâu tế Mẫu, được thực hiện vào thời khắc đầu tiên của ngày Mão đầu năm. Tiếp sau lễ mổ trâu là lễ rước tượng Mẫu sang sông bằng chiếc bè lớn làm bằng nứa dại. Đây là một trong những lễ chính của lễ hội đền Đông Cuông. 

le-hoi-dong-cuong-tiepthigiadinh-3
Lễ rước tượng Mẫu (Ảnh: sưu tầm)

Lễ rước tượng Mẫu sang sông để thắp hương cúng tế linh hồn tướng quân Hà Đặc được bắt đầu vào lúc 8 giờ sáng. Khi tượng Mẫu đã sang tới miếu Ghềnh Ngai thăm Đức Ông, các thầy cúng làm thủ tục tế lễ, sau đó tượng Mẫu lại được rước quay về đến vào đúng 10 giờ. Đây cùng là lúc bắt đầu lễ dâng hương tế Mẫu, cầu cho quốc thái dân an, muôn dân ấm no, hạnh phúc. 

Sau phần lễ là phần hội với các hoạt động thi đấu thể thao, trò chơi dân gian như: đẩy gậy, kéo co, ném còn, đánh yến... Cuối hội nam nữ các bản làng tổ chức hát giã hội chia tay hẹn nhau đến hội Xuân sau.

le-hoi-dong-cuong-tiepthigiadinh-7
Lễ hội dân gian là hoạt động tương tác thu hút nhiều người xem (Ảnh: sưu tầm)

Điểm đặc biệt trong Lễ hội đền Đông Cuông năm 2023 là màn múa xoè Tày cổ hầu Mẫu tại khu vực sân chính của Đền với sự thma gia của 300 phụ nữ dân tộc Tày Khao 2 xã Tân Hợp và Đông Cuông. Đây là minh chứng cho sự giao thoa văn hoá giữa người Việt và người Tày từ lâu đời trên vùng đất thượng lưu sông Hồng. Bởi trong Di sản thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ nói chung và thờ Mẫu Thượng Ngàn tại đền Mẫu Đông Cuông nói riêng có một nghi lễ hết sức đặc biệt là nghi lễ chầu văn - hầu đồng. Đây là một nghi thức tín ngưỡng thực hành tiêu biểu nhất của đạo Mẫu. 

Hàng năm, cứ vào dịp đầu và cuối năm có nhiều đoàn lễ từ khắp nơi trong nước về đây thực hành tín ngường thờ Mẫu. Người Tày khắp vùng cũng đăng ký xoè hầu Mẫu tại đền. Hai mảng màu sắc văn hoá đặc trưng của hai dân tộc diễn ra trong cùng một không gian tạo nên bức tranh lễ hội đặc sắc, độc đáo. 

Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu thượng ngàn

le-hoi-dong-cuong-tiepthigiadinh-18
Ảnh: sưu tầm

Festival Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn bao gồm các lễ cúng, lên đồng, hát chầu văn và lễ hội thể hiện những yếu tố văn hóa truyền thống như: trang phục, âm nhạc, múa, diễn xướng qua các nhân vật lịch sử đã được sáng tạo, gìn giữ và lưu truyền qua các thế hệ, mang đậm bản sắc người Việt, được bảo tồn và phát triển đến tận ngày nay. 

Trong khi hầu đồng, người được nhập đồng múa các điệu theo tính cách của từng giá đồng, còn ở dưới Cung văn tấu lên theo làn điệu chầu văn, lời ca mô tả nhân vật của giá đồng, tả quang cảnh nhân vật xuất hiện, kể sự tích và công đức của các Thánh. Sự cầu kỳ trong khâu chuẩn bị từ điện thờ, người phục vụ đến dàn nhạc, trang phục, lễ vật đã góp phần tạo nên cho nghi thức hầu đồng tại đền Đông Cuông mang sắc màu huyền bí rất riêng, thiêng liêng mà cũng không kém phần độc đáo. Từ đó chuyển tải được sức mạnh và ý nghĩa của Nghi lễ hầu đồng chính là đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống thường nhật của con người, cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe.

Ý nghĩa lễ hội đền Đông Cuông 

le-hoi-dong-cuong-tiepthigiadinh-4
Ảnh: sưu tầm

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Mẫu Thượng Ngàn tại Đông Cuông là đỉnh cao của sự ngưng kết, chắt lọc, kết hợp giữa tín ngưỡng thờ thần Rừng - gắn nền kinh tế nông nghiệp với hình tượng Mẫu mẹ - Mẫu đại diện thần Mẹ ở nơi rừng núi, hòa hợp với cõi trần tục, được dân chúng suy tôn và xếp vào bậc hiển thánh trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Sau phần lễ là phần hội, các hoạt động thi đấu thể thao, trò chơi dân gian như: đẩy gậy, kéo co và các hình thức sinh hoạt mang đậm chất dân gian như ném còn (tức Sến) đánh yến, kéo co, đấu vật, hát chèo với đủ sắc màu các dân tộc Kinh, Tày, Dao, Nùng…

Bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống lễ hội đền Đông Cuông 

Lễ hội truyền thống đền Đông Cuông giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hoá tinh thần của cộng đồng. Bản sắc văn hoá trong lễ hội đền Đông Cuông đã và đang được cộng đồng duy trì, thực hành, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, có tính lan toả mạnh mẽ trong đời sống văn hoá tâm linh. 

Để thu hút du khách, đem đến diện mạo đẹp, khang trang mà vẫn đảm bảo sự tồn tại, tính nguyên gốc như hôm nay, những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đền Đông Cuông luôn được các cấp, các ngành nhất là nhân dân xã Đông Cuông tu bổ, tôn tạo theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

Bài viết này thuộc series Du lịch

Xem thêm
Từ khóa:
Cùng chuyên mục