Để không mua 'nhầm' thực phẩm chức năng, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu ý điều này
Khi mua các sản phẩm thực phẩm chức năng, người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ nguồn gốc, xuất xứ, thông tin thành phần, hạn sử dụng và giấy phép lưu hành của sản phẩm; tránh tin theo những lời quảng cáo không thực tế, không có căn cứ khoa học.
Thực phẩm chức năng là những sản phẩm có tác dụng bổ sung chất dinh dưỡng, hỗ trợ sức khỏe cho cơ thể. Tuy nhiên, không phải tất cả các sản phẩm trên thị trường đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và đảm bảo chất lượng. Chưa kể hiện nay nhiều thực phẩm chức năng giả, hàng kém chất lượng được quảng cáo và bán trên thị trường gây hại cho sức khỏe người dùng. Cũng đề tài này, tại Kỳ họp 8, Quốc hội khóa XV đã có nhiều giải pháp được đặt ra nhằm kiểm soát các loại thực phẩm chức năng bày bán trên thị trường và quảng cáo thực phẩm chức năng như thần dược gây hiểu nhầm đối với người tiêu dùng.
'Nên tăng mức phạt gấp 10, gấp 100 lần'
Thời gian qua, hiện tượng quảng cáo thực phẩm chức năng như thần dược, quảng cáo sai sự thật, quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; quảng cáo không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận đã và đang diễn ra nhưng vẫn chưa có giải pháp để kiểm soát triệt để vấn đề này. Sau đây là ghi nhận một số kiến nghị của bạn đọc về vấn đề này.
Bạn đọc Lê Hùng Phương (TP HCM) chia sẻ, các quy định pháp luật liên quan đến thực phẩm chức năng (TPCN) hiện nay khá đầy đủ. Vấn đề là kiểm soát không chặt chẽ và mức phạt còn quá thấp. Nếu người sản xuất, kinh doanh hay quảng cáo cho TPCN biết rằng mức phạt gấp 10, gấp 100 lần số lợi nhuận thu được, thì người bán sẽ không dám vi phạm.
Bạn đọc Duy Quang cho rằng, nhiều chiến dịch quảng cáo hiện nay đang thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng, biến TPCN thành những "thần dược" với hàng loạt bình luận giả mạo. Điều này khiến một số người tiêu dùng tin tưởng hoặc ít nhất là quyết định mua thử để điều trị bệnh. Chỉ cần một lượng nhỏ người mua thử cũng đã đủ để tạo ra doanh số đáng kể cho các sản phẩm này.
“Việc kiểm soát và xử phạt nghiêm khắc các hành vi quảng cáo sai lệch là cần thiết. Đồng thời, cần thắt chặt các quy chuẩn về thực phẩm chức năng, coi TPCN như các chất có ảnh hưởng đến sức khỏe và đưa vào quản lý bởi Bộ Y tế. Nếu để tình trạng quảng cáo và mua bán tự do không kiểm soát tiếp diễn, sẽ gây ra những hệ lụy không chỉ cho sức khỏe mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến tài chính của các gia đình”, bạn đọc Hữu Bằng nói.
Bạn đọc Minh Tuấn cho hay, từ quảng cáo, hội thảo, mượn danh các nhà dinh dưỡng, bác sĩ nổi tiếng tạo niềm tin cho người dân để tiêu thụ những sản phẩm được thổi lên thành thần dược mà đó là thực phẩm chức năng. Vì vậy, là người tiêu dùng, hãy tự biết bảo vệ mình, hãy dùng những loại thực phẩm chức năng có nguồn gốc rõ ràng của các công ty được cấp phép. Không nên dùng loại trôi nổi, tự chế... Đôi khi nhìn rất giống nhau nhưng công thức độc quyền, công nghệ sản xuất khác nhau. Tốt nhất không mua và sử dụng TPCN trôi nổi trên các nền tảng xã hội hay các nơi không uy tín, uống vào “tiền mất mà tật lại mang”.
“Tôi có một người bạn năm nay 43 tuổi, đang là giám đốc một công ty với tổng thu nhập khá cao mỗi năm. Tuy nhiên, được một người bạn rủ đi tham gia hội nhóm kinh doanh thực phẩm chức năng của 1 thương hiệu "lạ" rồi cô ấy mua sản phẩm dùng cho bản thân, sau đó cho cả con nhỏ dùng mặc dù sản phẩm đó hướng tới đối tượng là người lớn tuổi.
Rồi cứ cuối tuần là nhóm kinh doanh yêu cầu đến "văn phòng" để giao lưu và báo cáo doanh số bán hàng. Để đạt được doanh số, cô bạn tôi tìm cách bán cho hết họ hàng, bạn bè, thậm chí cả tôi là bạn học từ cấp 2 cô ấy cũng liên lạc để bán sản phẩm. Khi tôi hỏi vậy giờ thu nhập bao nhiêu, cô ấy nói được tầm 3 triệu một tháng nhưng mà vui, thoải mái. Cô ấy đang có ý định sẽ tập trung toàn thời gian bán hàng vì thấy nhiều người nói có thể kiếm được hàng trăm triệu mỗi tháng”, bạn đọc Thái Hà chia sẻ.
Câu chuyện trên cho thấy, ngay cả người bán TPCN cũng không biết sản phẩm này gồm những thành phần gì, công dụng ra sao và có tác dụng phụ thế nào. Hội nhóm cứ truyền tai nhau như thần dược và bán càng nhiều sẽ có lợi nhuận càng nhiều. Vì lợi ích cá nhân, những người này có thể bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng, thậm chí họ hàng.
Đồng quan điểm, bạn đọc Hồng Nga (Đồng Nai) chia sẻ, thực phẩm chức năng hiện nay đang được tin dùng trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Người tiêu dùng hiện nay cũng có ý thức hơn trong việc nhận biết và sử dụng. Tuy nhiên một bộ phận không nhỏ tin vào những lời quảng cáo trên các nền tảng xã hội đã mua và sử dụng những TPCN không rõ nguồn gốc.
“Theo tôi, nên kiểm soát từ khâu kiểm định và xác thực thành phần chất lượng ban đầu khi đăng ký sản phẩm. Thứ 2 là kiểm soát tốt các nhà máy sản xuất. Thứ 3 là khâu kiểm tra sản phẩm nào vi phạm thì phạt nặng và rút giấy phép nếu không đủ chất lượng lưu hành. Thứ 4, thường xuyên kiểm tra trên các phương tiện truyền thông nếu quảng cáo không đúng sự thật và sản phẩm không được đăng ký đảm bảo chất lượng thì phạt thật nặng và truy tố hình sự nếu ảnh hưởng đến người tiêu dùng”, chị Hồng Nga nói.
Theo chị Nga, nếu làm được như vậy thì sau một thời gian ngắn sẽ đảm bảo được sự trong sạch của ngành hàng TPCN.
Cảnh giác với các video 'bác sĩ, lương y, bệnh nhân'
Đại diện ngành an toàn thực phẩm TP HCM khuyến cáo người dân cần hiểu rằng thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.
Người tiêu dùng có thể phân biệt thuốc, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe bằng cách kiểm tra nhãn mác. Thuốc thường có tên gọi mang tính chuyên môn, trong khi thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thực phẩm chức năng thường có tên gọi dễ hiểu, gợi tả công dụng. Thuốc có chỉ định, chống chỉ định rõ ràng cho từng loại bệnh, còn thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thực phẩm chức năng thường có những lưu ý chung.
Mỗi sản phẩm đều có số đăng ký riêng, có thể tra cứu số đăng ký trên website của Bộ Y tế để xác minh thông tin sản phẩm. Chọn mua các sản phẩm thực phẩm có ghi tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và nhà sản xuất rõ ràng. Cảnh giác với các video "bác sĩ, lương y, bệnh nhân" tư vấn sản phẩm chữa bệnh, bởi nhân viên y tế không được phép quảng cáo mặt hàng này.
Trước tình trạng lừa đảo bán thực phẩm chức năng ngày càng phổ biến, người tiêu dùng cần nâng cao ý thức phòng ngừa và bảo vệ quyền lợi của mình. Khi mua các sản phẩm thực phẩm chức năng, cần kiểm tra kỹ nguồn gốc, xuất xứ, thông tin thành phần, hạn sử dụng và giấy phép lưu hành của sản phẩm; tránh những lời quảng cáo không thực tế, không có căn cứ khoa học. Đồng thời, cần báo ngay cho cơ quan chức năng khi phát hiện những trường hợp lừa đảo, gian lận để xử lý kịp thời và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.